29.5 C
Ho Chi Minh City
Thứ Hai, 20/05/2024

HomeKhácCộng đồng doanh nghiệp cần chính sách thuận lợi để tăng tốc...

Cộng đồng doanh nghiệp cần chính sách thuận lợi để tăng tốc phục hồi, phát triển

1158

Cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông đợi để tiếp cận nhanh nhất với các nguồn lực hỗ trợ, tranh thủ tối đa thời gian, từ đó bước nhanh vào giai đoạn phục hồi. Ảnh: T.L

Cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông đợi để tiếp cận nhanh nhất với các nguồn lực hỗ trợ, tranh thủ tối đa thời gian, từ đó bước nhanh vào giai đoạn phục hồi. Ảnh: T.L

Ngày 16/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu trong tháng 3, các bộ, ngành phải hoàn thành dứt điểm một số nhiệm vụ được giao. Có thể kể đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với quy định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Bộ Tài chính với việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

Bộ Xây dựng với cơ chế tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng để triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025…

Còn cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông đợi để tiếp cận nhanh nhất với các nguồn lực hỗ trợ, tranh thủ tối đa thời gian, từ đó bước nhanh vào giai đoạn phục hồi. Bởi so với thời điểm ban hành Chương trình vào tháng 1/2022, rất nhiều biến số mới của nền kinh tế đã xuất hiện.

Để phục hồi và phát triển kinh tế, rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: T.L

Để phục hồi và phát triển kinh tế, rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: T.L

Đưa ra những khuyến nghị về chính sách, giải pháp thực thi phù hợp với thực tiễn nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tại Hội thảo Phục hồi và phát triển kinh tế 2022 – 2023, chủ đề: Tăng tốc tiếp sức doanh nghiệp, diễn ra sáng nay 25/3, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết cộng đồng doanh nghiệp hiện cần hỗ trợ về các chính sách, dòng tiền, lãi suất hay thể chế tốt…. để hồi phục và phát triển.

“Trong suốt 5 năm qua, năm nào Thủ tướng cũng gặp doanh nghiệp để nghe và gỡ khó cho doanh nghiệp. Và những lần gặp đó, lần nào doanh nghiệp cũng thẳng thắn cho biết họ không cần thể chế bằng tiền, cái mà doanh nghiệp cần chính là chính sách thuận lợi”, ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, tại cuộc gặp mới đây của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, cần chung tay tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp hoạt động.

“Tôi cho rằng khi xây dựng chính sách, các nhà quản lý phải tham vấn sớm, rộng, lấy ý kiến đóng góp của các hiệp hội, đặc biệt là hiệp hội ngành hàng…, để chính sách đó hiệu quả”, ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, bên cạnh hỗ trợ về chính sách, thể chế hay dòng tiền, để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, bản thân các doanh nghiệp cũng phải vận động và thích nghi, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn có tính ngắn hạn. Theo đó, ông Hùng khuyến nghị những doanh nghiệp này nên có định hướng dài hạn, làm sao tham gia vào chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Có thực tế là có không ít các doanh nghiệp thành lập ra để trục lợi chính sách, điển hình như doanh nghiệp mua bán hóa đơn… Nên các doanh nghiệp hãy cùng chung tay để vận hành chính sách tốt hơn”, ông Hùng đưa ra giải pháp.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ: Trong bối cảnh hiện nay, để phục hồi và phát triển kinh tế thì rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp.

“Sự chung tay của doanh nghiệp nên suy nghĩ hướng tích cực. Ví dụ, nếu doanh nghiệp tiếp cận vay vốn của Nhà nước, nhưng bản thân doanh nghiệp không thay đổi mô hình kinh doanh, cứ ì ạch thì sẽ gây thất bại ở cả hai phía. Nhưng nếu doanh nghiệp thay đổi, đổi mới mô hình hoạt động làm gia tăng hiệu quả, chuyển đổi theo hướng bền vững, linh hoạt hơn…, thì nguồn lực hỗ trợ tăng thêm rất nhiều”, ông Hiếu gợi mở.

Về phần mình, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết: “Làm chính sách tốt đã khó, thực thi tốt khó hơn. Nhìn cả trước mắt và dài hạn, tôi mong tư tưởng của những người “cầm trịch”, nhà quản lý ở các cấp khác nhau ở thời 4.0 cần theo 4 điểm sau: Tốc độ – Linh hoạt – Đồng bộ – Sáng tạo và Senbox. Đó là 4 đòi hỏi của nhà quản lý hiện nay, trong bối cảnh xã hội có nhiều bất định và nhiều thách thức”.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến