28.4 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 18/05/2024

HomeKhácHơn 50% doanh nghiệp, người trồng thuốc nam thiếu kiến thức về...

Hơn 50% doanh nghiệp, người trồng thuốc nam thiếu kiến thức về đạo đức kinh doanh

1246

Việt Nam có hơn 5.000 thực vật có thể làm dược liệu nhưng chưa được tận dụng triệt để. Ảnh: T.L.

Việt Nam có hơn 5.000 thực vật có thể làm dược liệu nhưng chưa được tận dụng triệt để. Ảnh: T.L.

Công ty dược phẩm mọc như ‘nấm’ 

Theo nghiên cứu từ Med247, tổng chi tiêu cho dược phẩm tăng từ 4,6 tỷ USD (2017) lên 6,6 tỷ USD (2020). Trước nhu cầu của người dân về dược phẩm ngày càng gia tăng, hệ thống sản xuất, kinh doanh dược phẩm cũng nhanh chóng mở rộng.

Theo IQVIA, giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đạt tăng trưởng kép hàng năm 6% trong giai đoạn 2018-2020. Hệ thống sản xuất kinh doanh dược phẩm mở rộng với khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ.

Việc sản xuất, kinh doanh dược phẩm mở rộng đã góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dược phẩm là lĩnh vực đặc thù bởi các sản phẩm của ngành ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn tính mạng của người dùng. Vì vậy, chất lượng của sản phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu, và đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của đơn vị sản xuất, kinh doanh vô cùng quan trọng.

Thế nhưng, khảo sát của Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”, do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Trung tâm Phát triển Khoa học – Công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (Yen Bai CDSH) thực hiện, đã cho thấy những con số đáng buồn trong hoạt động kinh doanh dược liệu tại Việt Nam.

Cụ thể, theo khảo sát, kết quả chung cho thấy có tới 52,9% các đối tượng gồm doanh nghiệp, người trồng thuốc, người khám chữa bệnh có kiến thức yếu về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội; 28,2% kiến thức kém; chỉ có 11,8% kiến thức khá/tốt, 7,1% kiến thức trung bình.

Sau 4 năm nỗ lực, dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”, tình trạng yếu kém kiến thức BI và CSR đã cải thiện đáng kể. Cụ thể, nhóm kiến thức khá/tốt tăng lên 36,5%, nhóm kiến thức yếu giảm còn 18,8% và nhóm kiến thức kém giảm còn 7,1%. Tuy kiến thức được nâng cao đáng kể, nhưng tỉ lệ doanh nghiệp yếu kém về kiến thức BI và CSR còn tới 25,9%.

Khoảng trống chính sách

Vườn dược liệu cà gai leo tại xã Đông Cuông, Văn Yên, Yên Bái thuộc dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”. Ảnh: T.L.

Vườn dược liệu cà gai leo tại xã Đông Cuông, Văn Yên, Yên Bái thuộc dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”. Ảnh: T.L.

TS. Lê Thị Minh Phương, cán bộ dự án cho biết, trong những năm gần đây, sự phát triển BI và CSR trong chuỗi giá trị cây thuốc nam cũng đã được nâng cao, do yêu cầu của thị trường, việc tăng cường hoạt động của các tổ chức xã hội cũng như sự đổi mới của hệ thống pháp luật, chính sách của nhà nước.

Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành dược liệu với hơn 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, việc thiếu nhân lực có kiến thức chuyên môn, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt tính cam kết của doanh nghiệp, người dân chưa cao gây khó khăn trong thực hiện BI và CSR trong chuỗi giá trị cây thuốc nam.

Còn dưới góc độ doanh nghiệp, giữa một thị trường với quá nhiều đơn vị kinh doanh dược liệu thiếu đạo đức, những đơn vị kinh doanh dược liệu chân chính đương nhiên cũng rất vất vả để cạnh tranh.

“Doanh nghiệp chúng tôi phải tốn rất nhiều thời gian, chi phí và công sức để giáo dục, truyền thông cho người tiêu dùng để tạo đầu ra cho sản phẩm. Với những sản phẩm kém chất lượng, đương nhiên giá rẻ hơn, tuy nhiên chúng tôi hiểu rằng sức khỏe của người tiêu dùng là quan trọng nhất, và khi họ hiểu được giá trị của sản phẩm, thì yếu tố giá cả không phải là vấn đề quan trọng. Vì vậy, đối với lĩnh vực sản phẩm chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh, việc tổ chức đào tạo cần phải thực hiện liên tục cho mọi đối tượng, từ nhân viên, đến lãnh đạo, hệ thống phân phối và cả khách hàng”, ông Nguyễn Xuân Diệu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn DVH chia sẻ.

Bên cạnh yếu tố chủ quan của doanh nghiệp, người trồng dược liệu, TS. Lê Thị Minh Phương nhấm mạnh đến một trong yếu tố khiến việc thực hiện đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội hiện chưa cao là do còn khoảng trống về cơ chế, chính sách.

“Hiện Việt Nam chưa có Luật, quy định đối với BI và CRS, chưa quản lý được thị trường dược liệu. Việc quản lý sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả còn hạn chế, thiếu chính sách hỗ trợ phù hợp. Mức xử phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu kém chất lượng chưa đủ răn đe”, TS Phương cho hay.

Việc nâng cao đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội cho các đối tượng trong chuỗi giá trị cây thuốc nam ở Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức dân sự, của các doanh nghiệp mà cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng trong việc có cơ chế, chính sách, chế tài để kiểm soát chặt chẽ hơn chất lược dược liệu, dược phẩm lưu hành. 

Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”, do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Trung tâm Phát triển Khoa học – Công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (Yen Bai CDSH) thực hiện.

Sau hơn 4 năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cho 3 cây thuốc: cây cà gai leo (70 hộ, tổng diện tích 12 ha, thu hoạch trung bình 90 tấn khô/năm), cây khôi nhung (40 hộ, tổng diện tích 22ha, thu hoạch trung bình 5 tấn khô/năm) và cây lá gan (hỗ trợ 10.000 cây giống, xây dựng 20 mô hình trồng tại các hộ gia đình, hỗ trợ nồi nấu cao dược liệu tự động cho nhóm sở thích).

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến