31.8 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 27/04/2024

HomeKhácThêm cơ hội mới cho doanh nghiệp chặng nước rút từ gói vay...

Thêm cơ hội mới cho doanh nghiệp chặng nước rút từ gói vay lãi suất 4% 

1090

Sẽ có 9.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp với lãi suất thấp. Ảnh: TL.

Sẽ có 9.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp với lãi suất thấp. Ảnh: TL.

Thêm ‘cửa sáng’ từ gói tín dụng 9.000 tỷ đồng 

Cầu tín dụng là vấn đề khó khăn với ngành ngân hàng trong năm nay. Bởi đến ngày 27/10, tín dụng tăng 7,1%. So với chỉ tiêu cả năm là 14%, trong 2 tháng cuối năm các ngân hàng còn phải ‘chạy KPI’ gần 7%.

Mặc dù lãi suất cho vay hiện giảm về mức như trước dịch Covid-19, thấp nhất chưa từng có, tuy nhiên, để nguồn vốn chảy vào nền kinh tế vẫn là bài toán mà ngành ngân hàng đang nỗ lực tìm lời giải.

Từ góc độ ngân hàng thương mại, đại diện BIDV thông tin, đầu tháng 11/2023, BIDV tiếp tục giảm  mạnh lãi suất cho khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh và tiêu dùng. Trong đó, lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh chỉ từ 5,4%/năm và lãi suất vay tiêu dùng từ 6,5%/năm. Tương tự, VietinBank cũng đã hạ tiếp lãi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất điều chỉnh mới từ 5,9%/năm. Quy mô gói tín dụng này là 15.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank, cho biết, hiện sàn lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm từ 1,3 – 4%/năm tùy từng lĩnh vực. Sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3 – 1,5%/năm. Lãi suất cho vay của Agribank hiện tại thuộc nhóm thấp trên thị trường, bằng mức trước thời điểm dịch Covid-19 diễn ra.

Đặc biệt, để thúc tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và tạo đà trong năm 2024, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, vừa cho hay, dịp Tết nhu cầu vốn tăng cao, do đó ngân hàng sẽ dành khoảng 9.000 tỷ đồng, với lãi suất 4-6%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Lệnh, chính sách tín dụng này sẽ tác động đến toàn bộ doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ, theo 2 xu hướng tích cực: Đối với doanh nghiệp còn khó khăn thì ngân hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ. Đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.

“Quá trình này đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm ngành, lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mức lãi suất chưa đến 4%/năm”, ông Lệnh khẳng định.  

Trước thực tế ngân hàng nỗ lực thực thi khơi thông tín dụng song vẫn tăng trưởng chậm, nguyên nhân chính chủ yếu là môi trường kinh tế thấp, hấp thụ vốn thấp… Tín dụng tiêu dùng chỉ tăng 1,36%, trong khi tín dụng chung là 4,6%. Cho vay mua nhà để ở giảm 0,3%, điều này phản ánh rõ thu nhập của khách hàng giảm. Ông Lệnh cho hay, ngành ngân hàng tiếp tục đưa các giải pháp khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp như giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn…

Quốc tế khó, Nhà nước khó, ngân hàng khó, doanh nghiệp càng phải chủ động vượt khó. Ảnh: TL.

Quốc tế khó, Nhà nước khó, ngân hàng khó, doanh nghiệp càng phải chủ động vượt khó. Ảnh: TL.

Doanh nghiệp phải chủ động vượt khó 

Theo chuyên gia, để khơi thông nguồn vốn cần cả quá trình, không phải chuyện của một hay hai ngày. Trong bối cảnh quốc tế khó, Nhà nước khó, ngân hàng khó, để tiếp cận nguồn vốn đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động nhiều hơn. Tất cả các bên phải đồng lòng cùng nhau tìm giải pháp. 

Chia sẻ tại Hội nghị mới đây, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA), khẳng định, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy theo hướng bền vững, chú trọng đạo đức kinh doanh. Luật pháp chưa cập nhật đủ thì doanh nghiệp phải cập nhật ở mức cao hơn, mang lại lợi ích đích thực cho khách hàng. Cùng với đó, cần chuyển đổi mô hình xanh, bền vững và chú trọng công nghệ.

“Nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghĩ đến sáng tạo. Muốn sáng tạo cần công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Đây là vấn đề dài hơi. Hôm nay chúng ta thấy khó không có nghĩa là nó không có lối ra”, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm.

Ở góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank cho rằng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không chỉ là mong mỏi của các doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm và nỗ lực của các ngân hàng thương mại. Do đó, doanh nghiệp với ngân hàng cần với nhau như một người bạn, doanh nghiệp với ngân hàng cần nói rõ và hiểu về nhau hơn.

“3 điều doanh nghiệp cần tránh đó là không nên mất cân đối tài chính, vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn; không nên để nợ quá hạn; không nên để vòng quay vốn dài”, ông Phương nhấn mạnh.

Khuyến nghị để doanh nghiệp không rơi vào tình trạng khó khăn, Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành đưa ra 3 từ khóa về cơ hội mới cho doanh nghiệp: Thứ nhất là “phòng thủ”. Các doanh nghiệp phải biết chắt chiu, quản trị rủi ro về thông tin, kịch bản và làm cuốn chiếu. Tình hình thế giới bất ổn, đến nỗi IMF cứ 2 tháng phải dự báo lại một lần các chỉ số. Chúng ta phải có phương án tác chiến để phản ứng kịp thời. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải học hỏi các công cụ quản trị rủi ro.

Thứ 2 là “tích cóp, nhặt nhạnh cơ hội”. Qua tình hình thế giới và Việt Nam nói trên với môi trường, sự tăng trưởng không đồng đều. Khi mà thị trường này giảm, thị trường kia tăng thì ta phải chuyển đổi linh hoạt tới những nơi tiềm năng.

Thứ 3 là “bắt nhịp xu thế”. Chúng ta không thể chờ quá 3 năm, mà phải cố gắng nắm bắt cơ hội trong vòng 3 năm tới”. Riêng về xu hướng “xanh”, vị chuyên gia thông tin, các tập đoàn tài chính lớn sẵn sàng cam kết cho vay nếu đảm bảo một số tiêu chí “xanh” nhất định. Đây là cơ hội và là xu thế để huy động vốn trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo ông Thành, doanh nghiệp Việt đang góp mặt vào chuỗi cung ứng nhưng điều quan trọng là phải hướng tới làm chủ được công nghệ lõi gồm bán dẫn, chip, vi mạch… Song, để chơi cùng những “người giàu”, điều quan trọng số một là nền tảng để “bắt tay” doanh nghiệp lớn. Đó là văn hoá ứng xử, văn hoá doanh nghiệp, sự chân thành, đàng hoàng, nghĩ lớn. Điều này quan trọng trên cả nhân lực – yếu tố ông đánh giá xếp ở vị trí thứ hai.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến