31.2 C
Ho Chi Minh City
Thứ Ba, 30/04/2024

HomeKhácXuất khẩu tìm cách ‘thoát’ dần sự phụ thuộc vào khối FDI

Xuất khẩu tìm cách ‘thoát’ dần sự phụ thuộc vào khối FDI

1113

 

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam giai đoạn 2010-2020 đã đạt mức tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: T.L.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam giai đoạn 2010-2020 đã đạt mức tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: T.L.

Tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 668,5 tỉ USD, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Trong đó, xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020 và là năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam duy trì xuất siêu.

Tuy có mức tăng trưởng ấn tượng nhưng thành tích xuất khẩu Việt Nam nhiều năm nay vẫn phụ thuộc phần lớn vào khối doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, những năm gần đây, doanh nghiệp FDI càng cho thấy sự lấn lướt trước doanh nghiệp trong nước, khi đương đầu với đại dịch Covid-19 và những biến động mạnh của thị trường quốc tế.

Nếu như năm 2010, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 54%, thì đến 2020 đã tăng lên 72% và đến 2021 chiếm 73,6%, đồng nghĩa với việc tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước càng thu hẹp, từ 46% năm 2010 xuống còn 26,4% năm 2021.

“Xuất nhập khẩu tăng trưởng nhanh, góp phần phát triển kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, tuy vậy, việc tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và thụ hưởng thành quả không giống nhau giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giữa người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Đây cũng là yếu tố cần khắc phục trong dài hạn để hướng tới xuất khẩu bao trùm”, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế vẫn cạnh tranh dựa theo giá cả chứ chưa thực sự dựa trên giá trị, tức chưa có nhiều hàng hóa xuất khẩu với hàm lượng giá trị cao. Vì vậy, khi giá cả hàng hóa trên thị trường biến động sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất nhập khẩu, nên phát triển xuất khẩu thời gian qua tuy nhanh chưa thực sự bền vững.

Chuyển từ ‘lượng’ sang ‘chất’

Để xuất khẩu bền vững, sản phẩm xuất khẩu phải có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, thay vì chỉ cạnh tranh bằng giá cả. Ảnh: T.L.

Để xuất khẩu bền vững, sản phẩm xuất khẩu phải có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, thay vì chỉ cạnh tranh bằng giá cả. Ảnh: T.L.

Những năm gần đây, xuất khẩu Việt Nam luôn tăng trưởng 2 con số. Năm 2021 tăng 19% so với năm 2020. Tuy nhiên, để hoạt động xuất nhập khẩu đi vào chiều sâu, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493, phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030; trong đó đặt mục tiêu: tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 – 7%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030.

Lý giải về việc đặt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu thấp hơn nhiều so với con số thực tế Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây, bà Nguyễn Cẩm Trang cho hay, thời gian qua, với những kết quả tăng trưởng nổi bật, hiện Việt Nam đã nằm trong nhóm những nước có quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa lớn trên thế giới. Với quy mô kim ngạch xuất khẩu lớn, việc tăng trưởng 1% tương đương trị giá tuyệt đối rất khá lớn.

“Hoạt động xuất nhập khẩu hiện cũng đối mặt với nhiều yếu tố bất định với sự xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị, xu hướng gia tăng hàng rào bảo hộ thương mại ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa toàn cầu. Do vậy, nếu xét trong cả thời kì thì mục tiêu tăng trưởng 6-7% không phải là mục tiêu thấp, mà là mục tiêu khá thách thức”, bà Trang cho biết.

Cũng theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương, mục tiêu của chiến lược là đến năm 2030 có thể tăng trưởng bền vững, tăng trưởng về chất lượng hơn là tăng trưởng nhanh. Vì vậy, những yếu tố liên quan đến cải thiện quy trình sản xuất được chú trọng cải thiện.

“Hoạt động xuất nhập khẩu trước nay ít quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, trong khi đây là yếu tố các quốc gia trên thế giới rất quan tâm trong thời gian tới. Ngoài ra, xuất khẩu chưa có sự quan tâm đúng mức đến quy trình sản xuất, chế biến chế tạo cũng như khai thác, đánh bắt sản phẩm. Điều này dẫn đến nguy cơ hàng hóa Việt Nam khó thâm nhập vào thị trường quốc tế do không đáp ứng tiêu chuẩn, quy định về sản xuất, chế biến sản phẩm. Đó là những yếu tố cần quan tâm đúng mực, trong thời gian tới, nói cách khác cần hướng tới sản phẩm xuất khẩu xanh hơn, bảo vệ môi trường và có hàm lượng đổi mới sáng tạo nhiều hơn”, bà Trang cho biết.

Ngoài ra, để nâng cao giá trị cho hàng hóa Việt Nam cũng như nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước, điểm mới trong nhóm giải pháp liên quan đến phát triển sản xuất sẽ bao gồm phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để tạo nguồn cung cho xuất khẩu. Trong đó, điểm mới là nâng cao vai trò địa phương trong hoạt động xuất khẩu, bằng việc xây dựng vùng nông sản đặc trưng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, kết hợp với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. 

Hiện Bộ Công thương đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 để kịp thời ban hành vào đầu quý III/2022.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến