30.6 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 22/05/2024

HomeKinh DoanhDoanh nghiệp 'khổ' vì liên tục bị hải quan tham vấn thuế

Doanh nghiệp ‘khổ’ vì liên tục bị hải quan tham vấn thuế

1146

Tại các cửa khẩu, doanh nghiệp vẫn liên tục bị công chức hải quan nghi vấn cho cùng một mặt hàng xuất nhập khẩu, bị bác bỏ trị giá khai báo thuế vì những căn cứ không hợp lý.

 

Lãnh đạo ngành hải quan liên tục cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, coi đây là một giải pháp quan trọng để tăng số thu trong bối cảnh đại dịch Covid -19 ảnh hưởng đến nặng nề tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Khi bị phía hải quan ‘gây phiền’, kết quả là doanh nghiệp lại phải mất thêm thời gian, công sức để khiếu nại tới lui, đòi quyền lợi.

31523 3142 5 img2588
Ngành hải quan cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

“Chấp nhận trị giá khai báo các mặt hàng nhập khẩu thuộc các tờ khai hải quan số 103097338740/A11, số 103097335500/A11, số 103097341800/A11 ngày 08-01-2020…; số 103136638840/A11 ngày 06-02-2020 như sau: nước gạo lên men Kook Soon Dang Draft Makgeolli nồng độ 6%, 750 ml/chai, 20 chai/thùng, nhà sản xuất Kook Soon Dang Brewery, hàng mới 100% có trị giá khai báo 10 đô la Mỹ/đơn vị; nước gạo lên men Kook Soon Dang rice Makgeolli nồng độ 6%, 750ml/chai, 20 chai/thùng có trị giá khai báo 10 đô la Mỹ/đơn vị…”, quyết định về việc giải quyết đối với khiếu nại lần hai của Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Đặng Phú Quý do Cục Hải quan TPHCM ban hành và công bố công khai trên website mới đây đã kết luận như vậy.

10 đô la Mỹ/đơn vị, chính là trị giá khai báo hải quan mà doanh nghiệp đã khai trong tờ khai khi nhập khẩu rượu nhưng đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực (Hải quan Cát Lái), nơi công ty làm thủ tục, bác bỏ và tăng lên thành 12,89 đô la Mỹ/đơn vị.

Không chấp nhận việc này, Công ty Đặng Phú Quý đã khiếu nại lên Cục Hải quan TPHCM, cơ quan cấp trên của Hải quan Cát Lái để đòi quyền lợi của mình. Trước đó, công ty cũng đã khiếu nại lên lãnh đạo Chi cục Hải quan Cát Lái, chứng minh việc bị công chức áp thuế cao hơn mức giá như giao dịch thực tế là không hợp lý nhưng đã không được chấp thuận.

Lý do được Chi cục Hải quan Cát Lái đưa ra là mức giá khai báo thấp hơn “mức giá tham chiếu” của mặt hàng giống hệt, tương tự tại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu rủi ro về trị giá tại Quyết định số 3089/QĐ – TCHQ của Tổng cục Hải quan mặc dù công ty đã bổ sung các chứng từ chứng minh mức giá khai báo là mức giá giao dịch trong thực tế: tờ khai xuất khẩu của người bán, thư xác nhận đại lý độc quyền phân phối tại Việt Nam, hợp đồng bảo hiểm, thư chào giá sản phẩm, hợp pháp hóa lãnh sự cho hợp đồng thương mại.

Khi xem xét lại toàn bộ vụ việc, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM đã khẳng định, việc bác bỏ trị giá giao dịch của chi cục đối với các tờ khai của công ty là chưa đúng quy định; chưa nêu được cụ thể nguồn thông tin làm cơ sở xác định lại giá cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, Tổng cục Hải quan cũng đã xác minh mức giá Công ty Đặng Phú Quý kê khai là mức giá giao dịch thực tế và doanh nghiệp không gian lận về trị giá khai báo.

Trường hợp khiếu nại nhiều lần và cuối cùng được kết luận không khai sai trị giá tính thuế (sau hai lần khiếu nại, nhiều tháng chờ đợi cùng nhiều lần đối thoại) như Công ty Đặng Phú Quý kể trên không phải hiếm ở TPHCM.

Chỉ riêng trong tháng 7-2020, Cục Hải quan TPHCM đã ban hành và công bố công khai 4 kết luận với nội dung tương tự: chấp nhận một phần hoặc toàn bộ trị giá khai báo lần đầu của doanh nghiệp, chỉ ra những điểm chưa đúng quy định mà chi cục hải quan trực thuộc đã mắc phải… Các vụ khiếu nại đều bắt nguồn từ việc doanh nghiệp không đồng ý với việc áp mức giá khai báo mới với hàng hóa của chi cục hải quan cửa khẩu khiến số thuế phải nộp tăng thêm.

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ Cục Hải quan TPHCM cho biết, trong thời gian gần đây, mỗi tháng, đơn vị này phải giải quyết ít nhất 2-3 vụ khiếu nại của doanh nghiệp liên quan đến trị giá tính thuế. Con số này đã giảm khá nhiều so với trước đây, vì “cũng đã chấn chỉnh liên tục”.

Như trong tháng 7, Cục Hải quan TPHCM cũng đã phát đi công văn số 2027 gửi các chi cục trực thuộc để hướng dẫn về nghiệp vụ nghi vấn và tham vấn trị giá hải quan. Văn bản nêu rõ, qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và kiểm tra hệ thống dữ liệu, Cục Hải quan TPHCM nhận thấy nghiệp vụ tham vấn trị giá tính thuế có tình trạng lặp đi lặp lại nhiều lần cho cùng một công ty, xuất khẩu – nhập khẩu cho cùng một mặt hàng giống hệt, mức tính giá không thay đổi và sau khi tham vấn chi cục hải quan đều chấp nhận giá khai báo.

Cục Hải quan TPHCM nhấn mạnh, công chức hải quan chỉ thực hiện kiểm tra trị giá tính thuế đối với các tờ khai có rủi ro về giá trên hệ thống (đều đã được quy định cụ thể trong Thông tư 39/2018/TT-BTC). Nếu không có rủi ro nhưng công chức phát hiện giá khai báo thấp hơn các thông tin dữ liệu thì chuyển sang bộ phận kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra.

Bên cạnh đó, khi tham vấn giá, cán bộ công chức phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, đối chiếu dữ liệu có sẵn, tham khảo giá trên thị trường trong và ngoài nước, đặt ra các tình huống có liên quan ảnh hưởng đến giá khai báo để doanh nghiệp trả lời.

Đặc biệt, nếu trong trường hợp trong vòng 90 ngày sau đó, doanh nghiệp vẫn xuất – nhập khẩu lô hàng giống hệt, không có căn cứ khác để bác bỏ trị giá đã khai báo và làm thay đổi mức giá tính thuế đã tham vấn cho lô hàng trước thì phải chấp nhận mức giá cũ, không được mời doanh nghiệp lên tham vấn để lại cho kết quả tương tự.

“Lãnh đạo chi cục hải quan chịu trách nhiệm với Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, tập huấn, đào tạo lại công chức để phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm”, công văn viết.

Tham vấn và xác định trị giá tính thuế là nghiệp vụ quan trọng của ngành hải quan, đã được quy định chi tiết và cụ thể về quy trình, cơ sở thực hiện… tại Thông tư 39/2018.

Tuy nhiên, trong thực tế, nghiệp vụ này đang gây ra nhiều phiền toái, khó khăn cho doanh nghiệp. Ở các kỳ đối thoại hai bên, các hiệp hội như Eurocham, Amcham, Kocham… đều phản ánh về tình trạng bị áp trị giá tính thuế không có cơ sở, bị tham vấn nhiều lần và lãnh đạo ngành hải quan cũng luôn cam kết sẽ chấn chỉnh cán bộ công chức, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Trên thực tế thì cuối cùng, không ai, không đơn vị nào phải chịu trách nhiệm hay bị xử lý vì tham vấn liên tục, áp giá sai với doanh nghiệp”, nguồn tin chia sẻ.

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/td/307416/doanh-nghiep-kho-vi-lien-tuc-bi-tham-van-thue.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến