30.6 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 26/04/2024

HomeKhácBức tranh đối nghịch: Doanh nghiệp sản xuất lao đao, ngân hàng,...

Bức tranh đối nghịch: Doanh nghiệp sản xuất lao đao, ngân hàng, công ty chứng khoán, bất động sản lãi khủng

1101

Chứng khoán Việt Nam đã có một năm bùng nổ khi Chỉ số chứng khoán VN-Index cán mốc 1.498,28 điểm, tăng gần 395 điểm (+36%) trong vòng 1 năm. Ảnh: T.L.

Chứng khoán Việt Nam đã có một năm bùng nổ khi Chỉ số chứng khoán VN-Index cán mốc 1.498,28 điểm, tăng gần 395 điểm (+36%) trong vòng 1 năm. Ảnh: T.L.

Kẻ cười…

Mùa báo cáo tài chính cuối năm dần khép lại đã hé lộ kết quả lợi nhuận khủng của nhiều công ty chứng khoán.

Chứng khoán SSI, lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2021 ước đạt 3,350 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2020 ở mức 1,870 tỷ đồng. Đây cũng được xem là mức lợi nhuận kỷ lục của công ty chứng khoán này trong 21 năm hoạt động.

Chứng khoán VNDirect cũng công bố lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 là 2,734 tỷ đồng, tăng 217% so với năm trước. Chứng khoán VCBS cũng báo lãi 586.2 tỷ đồng; Chứng khoán Bảo Minh báo lãi sau thuế gần 187 tỷ đồng, đều tăng gấp nhiều lần năm 2020.

Cùng gam màu tươi sáng với nhiều công ty chứng khoán, các ngân hàng cũng lần lượt ghi nhận lợi nhuận vượt mục tiêu.

Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 25.200 tỷ đồng trước thuế và tính đến hết năm 2021, ngân hàng cho biết đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ngân hàng VietinBank cũng cho biết đã tăng trưởng tín dụng 12,3% so với năm 2020; tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%; thu ngoài lãi tăng trên 20%, vượt mục tiêu đề ra là 16.800 tỷ đồng.

Hết năm 2021, Ngân hàng BIDV cũng tăng trưởng huy động vốn từ tổ chức, dân cư tăng 16,9%, dư nợ tín dụng tăng 11,8% so với năm trước, đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra là 13.000 tỷ đồng; Agribank lợi nhuận hơn 14.000 tỷ đồng.

Khối ngân hàng tư nhân ghi nhận sự bứt phá về lợi nhuận, như ACB lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 12.000 tỷ đồng, tăng trưởng 25%; Sacombank dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 4.400 tỷ đồng, tăng gần 32%; VIB với lợi nhuận trước thuế vượt 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước.

Một lĩnh vực “hot” không kém là bất động sản cũng ghi nhận mức lợi nhuận khủng với các tên tuổi đầu ngành như Vingroup, Novaland, Đất Xanh và Phát Đạt.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Vingroup ghi nhận 90.848 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, doanh thu thuần từ kinh doanh chuyển nhượng bất động sản là 56.351 tỷ đồng, chiếm 62%.

Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) có mức lợi nhuận sau thuế đạt 27.245 tỷ đồng, tăng 58% so trong 9 tháng đầu năm 2021. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, NVL) ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 9 tháng bao gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ đạt gần 10.362 tỷ đồng, tăng gần 159% so với cùng kỳ năm 2020.

Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) lãi trước thuế 1.397 tỷ đồng, tăng tới 54,7% trong 3 quý đầu năm so với cùng kỳ năm 2020

…người khóc

Doanh nghiệp sản xuất gặp muôn vàn khó khăn trước áp lực về nguồn vốn, thị trường, chuỗi cung ứng trong đại dịch. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp sản xuất gặp muôn vàn khó khăn trước áp lực về nguồn vốn, thị trường, chuỗi cung ứng trong đại dịch. Ảnh minh họa.

Trái ngược với niềm vui lợi nhuận của các công ty chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vẫn đang vô cùng khó khăn khi hoạt động giao thương, vận chuyển vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại do thiếu hụt container toàn cầu.

Năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài đã tác động tiêu cực đến gia tăng số lượng doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160.000 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với trước; 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2021 cũng cho thấy, có tới 24,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn trong quý đầu năm 2022.

Trong những tháng gần đây, mặc dù Việt Nam đã từng bước tái mở cửa nền kinh tế, góp phần cải thiện lưu thông hàng hoá, tuy vậy, tình trạng thiếu hụt container, giá cước vận tải biển cao, thiếu nhân công và thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở vẫn đang khiến các chuỗi cung ứng gặp áp lực lớn.

Tại một số cảng đã xảy ra tình trạng các hãng tàu tự hủy chỗ của khách hàng do thiếu chỗ, khiến nhiều đơn hàng xuất khẩu không chạy kịp tiến độ và không hoàn thành đúng thời hạn.

‘Nắn’ dòng tiền trở lại sản xuất

Việc kiểm soát dòng tiền mạnh mẽ hơn đặt trên vai của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: T.L.

Việc kiểm soát dòng tiền mạnh mẽ hơn đặt trên vai của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: T.L.

Dòng “tiền rẻ” (là một khoản vay hoặc khoản tín dụng có lãi suất thấp, hoặc chính sách lãi suất thấp được một ngân hàng trung ương đề ra) ồ ạt chảy vào các thị trường chứng khoán, bất động sản thay vì để trong ngân hàng dự kiến phục vụ sản xuất kinh doanh trong thời gian qua, đã dấy lên lo ngại về áp lực lạm phát trong thời gian tới, khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, chịu tác động từ nhiều giá hàng hóa trên thế giới.

“Nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là nguồn vốn vay. Dù thời gian qua ngân hàng có giảm lãi suất nhưng việc tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, thủ tục rườm rà.

Doanh nghiệp mong muốn có sự điều tiết mạnh mẽ hơn từ phía Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo các doanh nghiệp được tiếp cận tốt hơn nguồn vốn vay, phục vụ sản xuất, kinh doanh”, chủ một doanh nghiệp sản xuất cà phê xuất khẩu tại TP.HCM, nói với Doanh Nhân Trẻ.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ Quốc gia cũng khuyến nghị các gói cấp bù lãi suất trong thời gian tới phải tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong thời gian 2 năm (2022-2023).

Cụ thể, vị chuyên gia đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT từ 1 đến 2%; bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp này.

Về tiền tệ, Việt Nam vẫn còn dư địa thể tiếp tục giảm lãi suất 0,5 – 1% thời gian tới, đồng thời cho vay tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở; nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn; luật hóa xử lý nợ xấu.

Cũng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/1/2020, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 12,97% so với cuối năm 2020. Trong năm 2022, Ngân hàng Trung ương tiếp tục “nắn” dòng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.

Mặc dù khả năng kiểm soát dòng tiền của Ngân hàng Trung ương là không dễ dàng trong điều kiện nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, trách nhiệm nhận diện và có chính sách giám sát chặt chẽ hơn dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư của Ngân hàng Nhà nước phải liên tục được nêu cao để đảm bảo cho thị trường, doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến