30.6 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 26/04/2024

HomeKinh DoanhQuảng Nam: Tạo sức bật mới cho yêu cầu phát triển bền...

Quảng Nam: Tạo sức bật mới cho yêu cầu phát triển bền vững

1113

Quảng Nam: Tạo sức bật mới cho yêu cầu phát triển bền vững

Quảng Nam: Tạo sức bật mới cho yêu cầu phát triển bền vững

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – “Quảng Nam hội đủ điều kiện và có thời cơ để bứt phá vươn lên, sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Tất nhiên, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, mà trong đó, thách thức lớn nhất là phải vượt qua chính mình”. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã chia sẻ trong bài phòng vấn độc quyền dành cho TBKTSG Online nhân dịp đầu xuân mới.

Theo người đứng đầu tỉnh Quảng Nam, một khi khơi dậy được khát vọng, ý chí, bản lĩnh và sự nỗ lực cống hiến vì quê hương, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, hoàn toàn có thể biến ước mơ thành hiện thực. Những lời bộc bạch của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh về tâm thế hành động trước thềm xuân Tân Sửu – một năm có ý nghĩa đặc biệt: kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam, cũng là năm khởi đầu chặng đường mới cho địa phương miền Trung.

d6bf0 quangnam
Quảng Nam hội đủ các điều kiện để trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước trong 10 năm tới, như mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.

TBKTSG Online: Thưa ông, đâu sẽ là những điểm nhấn đáng chú ý trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050?

Ông Lê Trí Thanh: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gồm 32 nội dung đề xuất vào quy hoạch, trong đó 14 nội dung đề xuất theo ngành và 18 nội dung theo địa giới hành chính cấp huyện. Điểm nhấn xuyên suốt, nhất quán đó là yêu cầu quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với điều kiện thực tiễn tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong sự liên kết phát triển; yêu cầu về chất lượng quy hoạch cao và điển hình cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Về cơ bản, quy hoạch này có các điểm nhấn như quy hoạch đô thị phải hướng đến đô thị xanh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật – xã hội, thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu, khai thác được lợi thế đồng bằng ven sông, ven biển; chú trọng cả các đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.

Quy hoạch nông thôn phải có bản sắc riêng, phù hợp với đặc trưng từng vùng; chú ý quá trình đô thị hóa nông thôn vẫn bảo tồn được những giá trị cốt lõi của miền quê Xứ Quảng.

Quy hoạch giao thông phải mang tính liên kết vùng, có tác dụng khai phóng các tiềm năng, nguồn lực về đất đai đem lại giá trị gia tăng cao nhất; qui hoạch công nghiệp phải chú trọng các khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và phát triển đô thị, ưu tiên tập trung tại vùngy  và gần cảng, đồng thời với bố trí các cụm công nghiệp phân tán về khu vực nông thôn để giải quyết lao động tại chỗ.

Quy hoạch du lịch phải bao phủ cả vùng đồng bằng lẫn miền núi, vừa phát triển các khu du lịch – giải trí – nghỉ dưỡng cao cấp, vừa phát triển các khu du lịch cho dòng khách nội địa có thu nhập trung bình khá. Khai thác các giá trị về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên vào các công trình du lịch.

Qui hoạch nông nghiệp phải thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dang. Hướng đến các vùng chuyên canh nông sản sạch, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển nghề cá hiện đại, trồng rừng nguyên liệu và khai thác rừng bền vững.

fae08 dsc 0789n
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại sự kiện du lịch toàn quốc diễn ra tại tỉnh Quảng Nam cuối năm 2020. Ảnh: Nhân Tâm

Theo nhiều ý kiến, phát triển nhanh và bền vững khó đi song hành với nhau. Tuy nhiên trong mục tiêu của mình, tỉnh Quảng Nam lại lấy “phát triển nhanh và bền vững” làm trọng điểm. Ông có thể chia sẻ thêm về yếu tố này?

– Trước đây, người ta lo ngại về sự phát triển nhanh không thể song hành cùng với phát triển bền vững. Lo ngại đó là có cơ sở nếu không đặt phát triển kinh tế nhanh với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, hạ thấp yêu cầu bảo vệ môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên.

Phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm là mục tiêu của nhiều quốc gia,.Quảng Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Phát triển bền vững là phát triển bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế bền vững với phát triển xã hội bền vững và bảo vệ môi trường bền vững.

Phát triển bền vững bao hàm sự phát triển sáng tạo; đổi mới sáng tạo không ngừng, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, là cơ sở, điều kiện, tiền đề để phát triển bền vững hơn. Phát triển bền vững là điều kiện cần và đủ để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, phát triển nhanh, và ngược lại phát triển kinh tế nhanh cũng hướng đến mục tiêu bền vững.

Vì vậy, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định mục tiêu của đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ Quảng Nam lần thứ XXII đề ra là phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Điều đó cho thấy rằng yêu cầu của phát triển là toàn diện, bao trùm, không những nhanh mà phải bền vững mới đáp ứng được các mục tiêu này. Phát triển bền vững là quan điểm xuyên suốt, phát triển nhanh tùy thuộc vào tình hình cụ thể để điều hành linh hoạt.

Tỉnh sẽ tính đến những yếu tố tác động hậu Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới như thế nào để có một quy hoạch và kế hoạch triển khai hợp lý, khả thi?

– Mặc dù có nhiều lý do để lạc quan về kiểm soát dịch bệnh covid–19, đó là các quốc gia tập trung hơn, quyết liệt hơn trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh; nhiều gói cứu trợ từ các nước quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi cộng đồng; nhiều loại vắc xin đã được đưa vào sử dụng và tiếp tục nghiên cứu phát triển.

Tuy nhiên, biến thể mới của Covid–19 được liên tục phát hiện với mức độ lây lan cao và ngày càng nguy hiểm hơn; bên cạnh đó biến đổi khí hậu có thể dẫn đến khủng hoảng, thậm chí còn hơn cả Covid-19.

Vì vâỵ, quy hoạch tỉnh không những đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn các loại dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, mà quy hoạch tỉnh còn có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu và phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của xã hội thời kỳ hậu covid – 19 và đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

b573b 20210121 113534
Sông Hoài, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tỉnh miền Trung sẽ hướng đến phát triển nhanh và bền vững, có khả năng thích ứng với dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Ảnh: Nhân Tâm

Và khi cơ bản hoàn thành quy hoạch, vào năm 2030 cũng như xa hơn là 2050, ông kỳ vọng Quảng Nam sẽ mang một bộ mặt khác như thế nào so với trước đây?

Trước đây, năm 1997 khi mới tái lập tỉnh, Quảng Nam là một trong hai tỉnh kém phát triển nhất của cả nước.
Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, kế thừa và phát huy các kết quả phát triển qua từng thời kỳ, đến nay quy mô nền kinh tế Quảng Nam vững vàng đứng thứ 02 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với mục tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XXII đề ra, quy hoạch tỉnh hướng đến Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030; đồng thời phấn đấu trở thành một trong những tỉnh, thành phát triển điển hình của cả nước vào năm 2050.

Tôi tin tưởng rằng, với tầm nhìn xa, phù hợp với xu thế thời đại, khảo sát, đánh giá và lập qui hoạch có khoa học, tổ chức thực hiện nhất quán vì lợi ích chung, không bị chi phối bởi tư duy nhiệm kỳ, chắc chắn Quảng Nam sẽ rất đẹp, rất hấp dẫn, từ đồng bằng đến miền núi và sẽ là một trong những nơi rất đáng sống.

Để có thể có được bộ mặt này như mong muốn, đâu là những thách thức cần giải quyết?

– Việc đánh giá, xác định đúng cơ hội và thách thức là căn cứ, cơ sở khoa học để đề ra mục tiêu, giải pháp phát triển. Cùng trong bối cảnh, nhưng cơ hội chỉ mở ra ra cho những địa phương có sự chuẩn bị tốt, đủ thế và lực để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội phát triển, sự chuẩn bị cần thiết và cấp bách nhất của Quảng Nam hiện nay là tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh cho những giai đoạn phát triển tiếp theo.

Thách thức lớn nhất đó là việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mà phụ thuộc nhiều vào năng lực sáng tạo, khả năng và trí tuệ con người để nắm bắt, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp này vào phát triển kinh tế – xã hội, không phải là nhiệm vụ đơn giảm, dễ dàng.
Cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp của tỉnh không chỉ với doanh nghiệp nước ngoài mà ngay cả đối với doanh nghiệp trong nước, trong khi doanh nghiệp của Quảng Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ; công nghệ thấp; năng lực tài chính hạn hẹp; sản phẩm gia công, lắp ráp; thương hiệu chưa phát triển; ít tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Kinh tế Quảng Nam phát triển thiếu ổn định, năm 2016 GRDP tăng 27,2%; năm 2019 tăng hơn 3,8%; năm 2020 do ảnh hưởng dịch covid-19 nên tăng trưởng âm gần 7%; nền kinh tế cơ bản còn phát triển theo chiều rộng, dựa vào vốn đầu tư, lao động phổ thông, chuyển dịch sang phát triển theo chiều sâu dựa trên khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm.

Bên cạnh đó, còn có thách thức trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện theo lộ trình quy hoạch đề ra; thách thức trong năng lực cán bộ, tinh thần đổi mới, sáng tạo của cán bộ yêu cầu phải theo kịp thực tế phát triển; thách thức tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; thách thức về tính sẵn sàng thay đổi tình thế khi thế giới đang biến đổi rất nhanh và cũng rất mong manh.

Tỉnh Quảng Nam cụ thể giải quyết những thách thức này như thế nào?

– Trước hết, ưu tiên hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo hướng áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

“Để hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu phát triển Quảng Nam theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, dĩ nhiên nhân tố con người có ý nghĩa quyết định. Vì thế, đột phá đầu tiên phải là đột phá từ nguồn lực con người, khơi dậy và phát huy tốt nhất truyền thống, bản lĩnh, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi người con đất Quảng, của mỗi doanh nghiệp hoạt động trên đất Quảng”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ.

Chúng tôi sẽ cơ cấu lại thu, chi ngân sách theo hướng thúc đẩy phát triển vùng động lực, sử dụng nguồn lực tài chính tiết kiệm, hiệu quả hơn; nâng cao chất lượng tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng, phát triển vùng kinh tế động lực, được xác định là Vùng Đông, mà trọng tâm là Khu Kinh tế mở Chu Lai để thực hiện tốt vai trò đầu tàu, lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn tỉnh.

Thiết lập các hệ thống công cụ ứng dụng để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội; ưu tiên phát triển nhanh, đồng bộ chính quyền điện tử, chuyển đổi nhanh chính quyền điện tử sang chính quyền số, nhằm tối ưu hóa các hoạt động của nền kinh tế. Cải cách hành chính mạnh mẽ; xây dựng chính quyền, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thay đổi cách đánh giá và sử dụng cán bộ, sử dụng các cán bộ có tầm nhìn, năng động, tâm huyết đồng thời với loại bỏ những cán bộ yếu kém, trì trệ, phát huy trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp. Tăng cường các kênh tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia để thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc.

Cuối cùng, bản thân ông kỳ vọng gì về phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh trong 1-2 năm tới, đặc biệt là công nghiệp, dịch vụ và du lịch?

Do nhiều yếu tố khách quan, nhất là ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên dự báo tỉnh hình sản xuất công nghiệp, du lịch và dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Song song với đó, Quảng Nam tiếp tục phải tập trung khắc phục hậu quả nặng nề do thiệt hại thiên tai của năm 2020 xẩy ra trên địa bàn, vì vậy, trong 01 đến 02 năm đến, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa thể đạt được mức bình quân chung (7,5% – 8%) của giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết đã đề ra; tuy nhiên, khi tình hình được kiểm soát, các ngành sản xuất và dịch vụ, du lịch phục hồi, dự báo giai đoạn 2023-2025, tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ cao hơn, để phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra.

Trong thời gian 2 năm này, chúng tôi sẽ biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để tổng rà soát các qui hoạch, tháo gỡ các vướng mắc kéo dài làm cản trở môi trường đầu tư, cải cách hành chính, rà soát, đánh giá lại tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng và củng cố lại lực lượng cán bộ, sẵn sàng cho bùng nổ, bứt phá khi điều kiện cho phép.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/313511/quang-nam-tao-suc-bat-moi-cho-yeu-cau-phat-trien-ben-vung.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến