31.2 C
Ho Chi Minh City
Thứ Ba, 30/04/2024

HomeKinh DoanhTháo gỡ điểm nghẽn để nuôi biển vươn xa bờ

Tháo gỡ điểm nghẽn để nuôi biển vươn xa bờ

1086
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển lĩnh vực nuôi biển.
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển lĩnh vực nuôi biển.

Người nuôi biển mong muốn điều gì?

Tham luận tại hội nghị sáng 1/4, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, có nhiều điểm nghẽn mà các cơ quan quản lý nhà nước đang nợ cộng đồng những người nuôi biển. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam đang thiếu quy hoạch không gian biển.

“Quy hoạch không gian biển là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, nếu không sớm ban hành thì các địa phương rất khó trong vấn đề quy hoạch nuôi biển…” – PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh. 

 

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (hay còn gọi là nuôi biển) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 – 1 tỷ USD. Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 – 2 tỷ USD.

Thủ tục cấp phép nuôi biển, thủ tục giao biển hiện còn rất phức tạp cũng là điểm nghẽn lớn, bởi nếu không giao biển lâu dài thì doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân không thể yên tâm đầu tư, hơn bao giờ hết người nuôi biển đang “cần một tấc biển để cắm dùi”.

Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Thắng Lợi (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) Trần Văn Bảo chia sẻ, đặc thù của vùng biển tại Vân Đồn, các hòn đảo trên Vịnh Bái Tử Long liên kết với nhau tạo thành các vũng, vịnh kín sóng, kín gió đồng thời cũng… kín luôn sóng điện thoại.

“Vùng biển Vân Đồn “lõm” sóng điện thoại. Người nuôi biển đặt lồng bè ngoài khơi, không có sóng điện thoại để liên lạc nên rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. “Vân Đồn cũng chưa có cảng cá để tiêu thụ sản phẩm. Mong muốn của bà con là có một cảng cá đủ tiêu chuẩn để những gì sản xuất ra có nơi mua bán, tiêu thụ…” – ông Trần Văn Bảo nói thêm.

Ở khía cạnh khác, Tổng Giám đốc Công ty STP Nguyễn Thị Hải Bình mong muốn Quảng Ninh có kế hoạch đối với sản phẩm rong sụn để nuôi biển theo hướng đa giá trị. Bên cạnh đó, có sự phối hợp giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã. “7 năm qua, STP đi tìm kiếm sự phối hợp, liên kết với các hợp tác xã nhưng chưa tìm được tiếng nói chung, đó là một hành trình dài, vất vả” – bà Nguyễn Thị Hải Bình chia sẻ thêm.

Sẽ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ

Theo TS Phạm Anh Tuấn – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đối với nuôi biển xa bờ, rõ ràng nhìn thấy tiềm năng, nhưng không phải ai cũng có thể phát triển được, vì nuôi xa bờ đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ cao và nguồn nhân lực đảm bảo.

Do đó, TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, với nuôi xa bờ, cần có chính sách để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển, để họ đầu tư công nghệ, giải quyết những bất cập về con giống, thức ăn… 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình nuôi biển của một doanh nghiệp tại Quảng Ninh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình nuôi biển của một doanh nghiệp tại Quảng Ninh.

Còn theo ông Gabor Fluit – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham), hiện nay khó khăn nhất đối với các đơn vị muốn tham gia đầu tư nuôi biển là rủi ro về thời tiết, bão, mưa gió, dịch bệnh…, bởi vốn đầu tư cho nuôi biển không thể nhỏ được vì phải làm chuyên nghiệp.

“Việt Nam cần phải có một quy hoạch tổng thể để xác định được khu vực nào phù hợp nuôi biển, khi đó nhiều doanh nghiệp mới có thể tham gia đầu tư lớn, vì đây là lĩnh vực mới nên các công ty tham gia phải thấy yên tâm về tương lai của 20 hoặc 30 năm tới” – Chủ tịch Euro Cham đề xuất.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng kiến nghị các bộ ngành xem xét mức phí giao biển, bởi với quy định từ 4 – 7 triệu đồng/ha/năm như hiện nay đang còn cao so với những rủi ro mà người nuôi biển phải gánh chịu. Thứ nữa là những vướng mắc trong đánh giá tác động môi trường nuôi biển đang gây khó khăn, tổn thất rất lớn cho người nuôi biển.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết Bộ ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc và sẽ nhanh chóng cùng các bộ, ngành kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ; đồng thời, từng bước xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi biển về lồng bè để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua.

Bộ NN&PTNT sẽ cùng các bộ, ngành liên quan thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu về khoa học, công nghệ để có các mô hình nuôi trồng công nghệ cao, chế biến sâu, để các sản phẩm thủy sản trở thành các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm…

Tư lệnh ngành NN&PTNT cũng nhấn mạnh, hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển cần có sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, địa phương – cộng đồng doanh nghiệp – các Viện, trường, đối tác, chuyên gia quốc tế; tổ chức nghề nghiệp của người nuôi biển; người nuôi biển hay có sinh kế gắn với nuôi biển.

“Nuôi biển bền vững, bài bản sẽ giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển, tránh câu chuyện “thủy sản đi tới đâu, du lịch lùi tới đó” và ngược lại…” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

 

“Thường thì chúng ta nhìn vào một thứ thì chúng ta sẽ dễ dàng bỏ quên các thứ khác. Nhìn từ Quảng Ninh là nhìn vào tương lai của ngành nuôi trồng thủy sản, nhìn vào thực trạng nuôi biển còn nhiều tồn tại để biết, rồi chúng ta phải nuôi trồng theo những cách thức mà thế giới đang tiếp cận. Đã có giấc mơ phải mơ lớn hơn nữa; đã có tham vọng thì phải tham vọng lớn hơn nữa” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến