29.5 C
Ho Chi Minh City
Chủ Nhật, 12/05/2024

HomeNgười Tiêu DùngXã hội hóa và quyền của người tiêu dùng

Xã hội hóa và quyền của người tiêu dùng

1090

Xã hội hóa và quyền của người tiêu dùng

(NTD) – Chủ trương “xã hội hóa” nhiều ngành dịch vụ và cả giáo dục đã đem lại không ít thuận tiện, lựa chọn và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Nhưng sau những vụ như giá bán nước sạch tại Hà Nội đang nóng bỏng hiện nay và BOT thời gian qua cho thấy quyền lợi của người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu thì “xã hội hóa” mới thành công.

Mấy ngày qua, người dân Hà Nội và dư luận không khỏi ngỡ ngàng và đặt dấu hỏi tại sao lại phải trả thêm 2.000 đồng/m3 nước sạch mua của CTCP Nước sạch Sông Đuống? Vì những lý do gì nước sông Đuống lại đắt hơn sông Đà và ngân sách phải bù lỗ thêm? Câu trả lời của Hà Nội khá nhiều, lý giải không ít và lý do cũng đầy đủ nhưng chưa được thuyết phục cho lắm.

Khách hàng có quyền đòi hỏi chỉ mua những gì doanh nghiệp thực sự bỏ vốn ra đầu tư với chi phí hợp lý. Người tiêu dùng không thể cùng một thành phố lại phải mua nước công ty này đắt hơn công ty kia và còn kèm thêm khoản tiền bù lỗ qua ngân sách mà thực chất thu từ thuế của họ. Đã mang danh “xã hội hóa” thì cần phải tính toán lời ăn lỗ chịu chứ làm ăn mà đòi hỏi bảo đảm có lãi, không bao giờ lỗ thì có còn là kinh tế thị trường? Sông Đuống có thể đầu tư cao hơn, nguồn nước bảo đảm chất lượng tốt hơn nhưng tất cả nước bán ra đều có tiêu chuẩn đúng quy định nên rất khó để người dân chấp nhận những chi phí chưa hợp lý trên.

8243436

Mấy ngày qua, người dân Hà Nội và dư luận không khỏi ngỡ ngàng và đặt dấu hỏi tại sao lại phải trả thêm 2.000 đồng/m3 nước sạch mua của CTCP Nước sạch Sông Đuống?

Từ chuyện nước sạch Hà Nội, người ta lại nhớ những vụ BOT đình đám trước đây. Nhiều doanh nghiệp đầu tư BOT đã đòi trả lại dự án cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hay yêu cầu được tăng phí để bảo đảm không thua lỗ! Chính phủ không đồng ý, dư luận phản đối và bộ phải bác bỏ yêu sách phi lý này. Chẳng Nhà nước nào lấy tiền ra bù cho những chủ đầu tư “đếm cua trong lỗ” hay tính toán sai lầm. Khi họ thu hàng ngàn tỷ đồng, chẳng phải nộp thêm theo lũy tiến thì đừng mơ tưởng đến chuyện thua lỗ bắt “khách hàng làm con tin”.

Trước 31/12, tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước phải hoàn thành thu phí tự động không dừng. Nhưng chủ đầu tư dự án, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) vừa bất ngờ xin trả lại dự án cho Bộ GTVT. Trong văn bản gửi Bộ GTVT, họ cho rằng việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc nên đề xuất Bộ GTVT hỗ trợ, hoặc trả dự án, cho làm thủ tục phá sản… Họ đề nghị: “Nếu VETC tiếp tục, Bộ GTVT phải chia sẻ rủi ro, bù phần doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng”!

Đúng hay sai, hợp lý và bất thường sẽ có câu trả lời trong thời gian tới. Nhưng nhận rồi làm mới thấy không “ngon ăn” và đòi trả lại là việc khó có thể chấp nhận! Bất cứ dịch vụ “xã hội hóa” nào, trên giấy tờ và lý thuyết doanh nghiệp xin bù lỗ như trên thực chất nếu được chấp thuận thì quanh đi quẩn lại cũng lấy tiền từ người tiêu dùng và khách hàng dùng dịch vụ này. Nếu cơ quan quản lý dễ dãi và nhanh chóng gật đầu chấp thuận, chủ đầu tư càng có lợi thì người tiêu dùng càng thiệt thòi.

Cần rõ ràng ngay từ đầu, ngăn chặn ngay lúc mới phát sinh và bác bỏ những đòi hỏi phi lý thì mới tạo được môi trường công bằng, bình đằng của “xã hội hóa” các dịch vụ. Ở đó doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu, phải tính toán hay lường trước để không bỏ cuộc hoặc giảm thiểu rủi ro. Sử dụng những dịch vụ ấy, người tiêu dùng cũng biết rõ, minh bạch những lựa chọn của mình và có quyền từ chối nếu bất lợi phải gánh.

Những dịch vụ mà không thể không dùng hay chẳng còn lựa chọn nào khác như nước sạch hay BOT độc đạo thì cơ quan quản lý cần phải cân nhắc lợi ích của dân chúng và lợi nhuận của doanh nghiệp. Không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh để dẫn đến hậu quả khó lường và bức xúc của số đông.

 PHAN NGUYỄN

Nguồn : http://www.nguoitieudung.com.vn/xa-hoi-hoa-va-quyen-cua-nguoi-tieu-dung-d78957.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến