28.6 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 27/04/2024

HomeSPECIALPhim Ranh giới, cảm xúc đến rùng mình

Phim Ranh giới, cảm xúc đến rùng mình

1353

Những cú máy cận cảnh trong phim tài liệu Ranh giới phát trên VTV1 tối 8-9 đã đẩy cảm xúc người xem lên đến tận cùng, mang lại nhiều nước mắt, nhiều cơn rùng mình, nhiều nỗi ám ảnh và cả đêm không ngủ.

> Đã tiêm vắc xin nhưng Sổ sức khỏe điện tử không lưu thông tin?

ranh gioi 1 16312373810931671802446
Một cảnh cấp cứu thai phụ mắc COVID-19 trong phim tài liệu Ranh giới – Ảnh: VTV
Mình rùng mình vì chứng kiến ranh giới mong manh và nỗi sợ hãi mà từng bệnh nhân và những y bác sĩ phải đối mặt mỗi ngày. Rùng mình vì xúc động khi nhìn những hình ảnh chân thực về sự đấu tranh giành lấy sự sống ở nơi tuyến đầu mà có lẽ lần đầu tiên chúng ta được thấy.

— Ca sĩ NGUYÊN HÀ —

Với thủ pháp phi hư cấu, không lời bình, bám theo sự kiện, câu chuyện, nhân vật; bộ phim mở toang cánh cửa cách ly của khu K1 – vốn là tòa nhà Cát Tường – giờ đây được Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương dành điều trị các sản phụ F0; mở cửa phòng mổ, phòng cấp cứu, ghi lại những khoảnh khắc cận sinh cận tử của bệnh nhân và nói với người xem: COVID-19 không chỉ đe dọa và lấy đi mạng sống của bệnh nhân F0, nó còn đang đe dọa chính các y bác sĩ.

Nỗ lực vượt trên sức lực

Ống kính đã ghi lặp đi lặp lại rất nhiều lần cảnh các bác sĩ, y tá bùng nhùng trong bộ đồ bảo hộ, chạy trên hành lang hẹp chân quấn vào nhau, bốc điện thoại gọi báo động đỏ, gọi oxy, gọi máy thở, gọi người hỗ trợ từ các khoa.

Micro ghi lại rất nhiều âm thanh phòng cấp cứu, ghi lại những đối thoại đủ các sắc thái giữa bác sĩ – bệnh nhân, bác sĩ – bác sĩ, bác sĩ – điều dưỡng, y tá, hộ lý, nữ hộ sinh… Một bệnh nhân hai mạng sống.

Từng khoảnh khắc dù ngày dù đêm, các y bác sĩ chạy đua để giành từng hơi thở, từng chút oxy cho hai mạng sống này. Nhưng vẫn có những lúc phải lựa chọn. Nhưng vẫn có những lúc phải buông tay. Đau đớn, mất mát cho bệnh nhân, thân nhân. Hụt hẫng, bàng hoàng cho y bác sĩ…

Những thước phim thử thách cảm xúc người xem. Dẫu gây nhiều tranh cãi nhưng tác động của nó thì không ai phủ nhận.

Các bệnh nhân F0 hầu hết đều chẳng biết mình nhiễm virus corona khi nào, mọi chuyện diễn ra như một trò đùa. Và khi đã trở bệnh, ranh giới sinh tử lại càng mong manh như một trò đùa số phận. Nhưng với y bác sĩ thì không có gì là trò đùa.

Rời gia đình vào khu điều trị cách ly để sống giữa hàng trăm hàng ngàn F0. Từng giây từng phút chạy đua với tử thần. Đối mặt với virus, chấp nhận nguy cơ lây nhiễm. Thiếu thốn phương tiện y tế, thiếu thốn phương tiện bảo hộ, thiếu thốn điều kiện sinh hoạt.

Nỗ lực vượt trên sức lực, trên cả chuyên môn của mình để cứu bệnh nhân, nỗ lực giữ tinh thần để làm chỗ dựa cho người bệnh giữa cơn hoảng loạn mất dần hơi thở… Không có gì là trò đùa. Không có gì là mong manh.

canh quay 2 16312389635871021290623
Một cảnh quay được thực hiện trong phim Ranh giới

Những ngày đầy thử thách của ngành y

Mấy tháng TP.HCM trở thành tâm dịch, chúng tôi có cơ hội được đến các bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân, với các y bác sĩ trên hành trình tác nghiệp và hành trình kêu gọi tặng máy thở đến các bệnh viện.

Bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức, bệnh viện chuyển đổi… Có vào, có sống trong ấy mới thật thấm thía những ngày đầy thử thách này của ngành y. Con số tử vong mỗi ngày vẫn hàng trăm, nhưng chưa có một ai trách các y bác sĩ cả.

Ở bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ các khu chung cư, trường học, nhà văn hóa, giường của bệnh nhân là một chiếc ghế xếp, thì phòng của bác sĩ cũng là những chiếc ghế xếp; đến bữa, bệnh nhân một hộp cơm, bác sĩ cũng hộp cơm ấy.

Chỉ khác, ghế xếp của bệnh nhân được trải nằm cả ngày, hộp cơm được ăn khi đến bữa; ghế xếp, cơm hộp của bác sĩ thì chỉ được dùng khi hết ca, hay khi bệnh nhân cấp cứu đã qua cơn nguy hiểm.

Với COVID-19, chưa một bác sĩ nào có kinh nghiệm, có chuyên môn, bác sĩ nào cũng phải vừa trải nghiệm vừa học mỗi ngày mỗi đêm cho trận chiến đêm nay sáng mai mình sẽ giáp mặt. Nhưng vẫn có những cú sốc không dễ nói.

Như ở Bệnh viện dã chiến số 12 do Bệnh viện Da liễu TP.HCM đảm nhận. Các bác sĩ chuyên khoa da liễu hầu như chưa bao giờ phải tiếp xúc với bệnh nhân cấp cứu, thở oxy bình, máy trợ thở, lại càng chưa bao giờ phải nghĩ đến tình huống mở nội khí quản.

“Đi ra mặt trận này, chỉ có một cách nỗ lực hết mình” – bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường, giám đốc, nói vậy và mỗi ngày là những ranh giới phải vượt qua trong chính bản thân mình. “Nhiều y bác sĩ của chúng tôi bị sốc trong những ngày đầu vì thử thách đến từ bệnh nhân là không ngờ” – bác sĩ Tường chia sẻ thêm.

Nhưng rồi qua thời gian, các y bác sĩ ngày càng bản lĩnh hơn, và nay thì Bệnh viện dã chiến số 12 đã mở rộng khu cấp cứu lên 100 giường, lắp đặt bồn oxy để hạn chế bệnh nhân phải chuyển viện.

Hay như ở Bệnh viện dã chiến số 13, khi chúng tôi thăm hỏi về máy thở oxy dòng cao để có thể tặng bệnh viện với hy vọng có thêm cơ hội cho bệnh nhân, bác sĩ giám đốc Nguyễn Thanh Trường lắc đầu:

“Máy thở không thể nào đủ cho bệnh nhân, nhưng hiện giờ chúng tôi đã có đủ cho bác sĩ. Nếu có thêm máy thì không đủ bác sĩ để quản lý, đảm bảo cho máy chạy hiệu quả. Chúng tôi đang cần máy phân tích khí máu động mạch…”.

Và thế là chúng tôi phải học thêm: để cứu được một bệnh nhân COVID-19 trở nặng phải qua những nấc thang của oxy: bình oxy, máy thở oxy dòng cao, máy xâm lấn, cầu lọc máu, ECMO. Phải có monitor theo dõi. Phải có máy xét nghiệm khí máu. Phải có cả máy thở xách tay dùng khi cần chuyển viện…

ranh gioi 1 16312373810931671802446
Hình ảnh đoàn phim của VTV đặc biệt tác nghiệp tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM – Ảnh: đạo diễn cung cấp

Họ không muốn làm anh hùng

Tại khu K1, tòa nhà Cát Tường, Bệnh viện Hùng Vương, mà hôm nay đang được cả nước quan tâm qua bộ phim Ranh giới, sau một ca mổ, cô điều dưỡng ngồi trên chiếc ghế nhựa, vừa trông em bé nằm trong lồng oxy vừa thở ra mệt mỏi.

Trong một buổi tác nghiệp, tôi hỏi thăm, cô nói như giận dỗi: “Mọi người cứ nói tụi em là anh hùng. Không, tụi em chỉ là người bình thường, chấp nhận ở đây là vì bệnh nhân thôi…”.

Hôm nay các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương cũng nói trong phim: “Khổ lắm, vì bệnh nhân nên phải làm thôi”. Và rất nhiều người xem phim lại đang khẳng định: y bác sĩ tuyến đầu là những anh hùng.

Đã trò chuyện với rất nhiều bác sĩ suốt mùa dịch, tôi hy vọng mình đã hiểu đúng được tâm ý của các bác sĩ cũng như thông điệp mà bộ phim Ranh giới nhắn đến chúng ta: hãy chung tay với tuyến đầu, hãy làm mọi việc có thể để hỗ trợ y bác sĩ, để cùng với nhau, chúng ta vượt qua những thử thách này, đi qua những đau thương này.

Để thật nhanh, mỗi người ở tuyến đầu lại được trở về những ngày bình thường, trở về cuộc đời bình yên.

Phim Ranh giới: Vì bệnh nhân thôi, y bác sĩ đâu cần làm anh hùng! – Ảnh 6.

canh quay 3 1631238963583437547165
Ê-kip làm phim đã có nhiều ngày sống trong khu điều trị F0
Tranh cãi quanh quyền riêng tư
Bộ phim tài liệu Ranh giới về cuộc chiến khốc liệt giành sự sống cho các thai phụ mắc COVID-19 nhận được rất nhiều lời khen phim xuất sắc, cảm động nhưng cũng có luồng ý kiến đặt vấn đề về quyền riêng tư, cho rằng phim chưa nhân bản khi quay cận mặt bệnh nhân, nhất là khi đưa những hình ảnh bệnh tật ốm yếu của họ.
Một bác sĩ có lượng theo dõi khá đông đảo trên mạng xã hội cho rằng những thai phụ đang đau khổ, hoảng sợ bởi nỗi đơn độc giữa ranh giới sinh tử thì cần được bảo vệ, không nên “mượn” hoàn cảnh bi kịch của họ để thỏa mãn sự tò mò và cảm xúc của đám đông.
Chia sẻ với PV, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết giải pháp che mặt bệnh nhân nhóm làm phim đã nghĩ đến ngay từ đầu. Tuy nhiên, êkip đã trao đổi cùng các y bác sĩ và nhận được ý kiến của đa số là không cần che mặt.
Họ cho rằng quay cận mặt có thể khiến người nhà bệnh nhân khóc nhưng đó có thể là hình ảnh cuối cùng về người thân mà người nhà còn được nhìn lại. Đạo diễn cũng cho biết 4 thai phụ mà đoàn phim quay cận đồng thuận với việc làm phim.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến