34.7 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 27/04/2024

HomePháp LuậtNhững cuộc gặp 'mở đường' hối lộ 5,2 triệu USD trong vụ...

Những cuộc gặp ‘mở đường’ hối lộ 5,2 triệu USD trong vụ án Vạn Thịnh Phát

1179

Tại cuộc gặp trong tòa nhà Sherwood số 127 Pasteur, nữ cục trưởng Đỗ Thị Nhàn gặp riêng chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, thông báo về kết quả thanh tra tình trạng bết bát của SCB với những sai phạm, nợ xấu rất nghiêm trọng.

>> Hơn một triệu tỷ đồng bà Trương Mỹ Lan rút khỏi SCB đã đi đâu?

>> Danh sách 86 bị can bị truy tố trong đại án Vạn Thịnh Phát 

>> Liên quan đại án bà Trương Mỹ Lan: 7 bị can đang bỏ trốn có vai trò gì?

>> Tình tiết bất ngờ từ quyển sổ tay và lời khai lái xe riêng của bà Trương Mỹ Lan

>> Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan 

Truong My Lan 1
Bà Trương Mỹ Lan (trái) và bà Đỗ Thị Nhàn có mối ‘quan hệ triệu đô’

Bà Lan nhờ cục trưởng “hỗ trợ, giúp đỡ” và sau đó cục trưởng đã nhận số tiền khổng lồ 5,2 triệu USD chất đầy ba thùng xốp.

Ngày 15-12, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 bị can trong cùng vụ án.

Nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các bị can còn lại có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước…

Trong đó, đáng chú ý, bà Đỗ Thị Nhàn – cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước – bị truy tố với cáo buộc nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD. Đây là số tiền một người nhận hối lộ bị truy tố lớn nhất từ trước tới nay.

Những cuộc gặp “mở đường” cho phi vụ hối lộ trong vụ Vạn Thịnh Phát

Viện kiểm sát cáo buộc, để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra kiểm tra, chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhóm thân tín nắm giữ chức vụ chủ chốt tại SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tổ trưởng tổ giám sát tăng cường tại Ngân hàng SCB…

Các cán bộ có thẩm quyền sau khi nhận tiền đã bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ về tình trạng bết bát của SCB để nhà băng này không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, cáo trạng nêu.

Theo cáo trạng, hai “cánh tay đắc lực” được chủ tịch Vạn Thịnh Phát tin tưởng giao nhiệm vụ mang tiền đi hối lộ nữ cục trưởng là Đinh Văn Thành (chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (tổng giám đốc SCB).

Tiền được chuyển từ SCB Sài Gòn ra SCB Cầu Giấy (Hà Nội) rồi tổng giám đốc nhà băng này mang đến phòng làm việc của cục trưởng tại Ngân hàng Nhà nước và nhà riêng để đưa tận tay.

Cuu TGD SCB Vo Tan Hoang
Cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn bị truy tố trong vụ án – Ảnh: SCB

Kết quả điều tra xác định, tháng 7-2017, Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn báo cáo bà Trương Mỹ Lan về việc đoàn thanh tra liên ngành do bà Đỗ Thị Nhàn (cục trưởng Cục II – Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) làm trưởng đoàn sẽ tiến hành thanh tra tại SCB.

Quá trình thanh tra, hai lãnh đạo SCB trên đã tìm cách kết nối với nữ cục trưởng Đỗ Thị Nhàn. Hai “cánh tay đắc lực” này đã thiết kế cuộc gặp cho chủ tịch Vạn Thịnh Phát và trưởng đoàn thanh tra, một lần tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước và một lần tại khách sạn Daewoo (Hà Nội).

Tại cuộc gặp, Trương Mỹ Lan nhờ bà Nhàn cố gắng sớm kết luận và tìm cách “làm mờ” đi sai phạm của SCB để ngân hàng hoạt động ổn định và các đối tác nước ngoài đầu tư. Bà Nhàn đồng ý. Các cuộc gặp này đã “mở đường” cho phi vụ hối lộ 5,2 triệu USD.

Theo lời khai của ông Văn, bà Nhàn đã trao đổi với ông Văn về các vi phạm trong hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án theo đề án tái cơ cấu và cho vay nhóm khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Bà Nhàn nói SCB phải đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt” và muốn gặp bà Trương Mỹ Lan để yêu cầu làm rõ. Ông Văn đã báo cáo lại bà Lan và bà Lan đồng ý gặp.

Sau đó ông Văn sắp xếp để nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát và cục trưởng Đỗ Thị Nhàn gặp nhau tại tòa nhà Sherwood 127 Pasteur vào cuối tháng 10-2017.

Bà Nhàn thông báo cho bà Lan về việc đoàn thanh tra phát hiện ra thực trạng bết bát của SCB, những sai phạm nghiêm trọng liên quan hồ sơ tín dụng.

Sau khi biết diễn biến cuộc thanh tra với những kết quả không thuận lợi, bà Lan nhờ trưởng đoàn “hỗ trợ, giúp đỡ”.

Sau cuộc gặp, Văn nghe bà Lan nói lại rằng bà Nhàn yêu cầu phải bán bớt tài sản để trả nợ cho SCB tại các phương án, dự án tái cơ cấu có sai phạm và chủ động tất toán, “dọn sạch” dư nợ nhóm 71 khách hàng ở địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai thì đoàn thanh tra sẽ không xem xét vi phạm các khoản vay, chỉ xử lý hành chính.

Ô tô chở 5 triệu USD chất đầy 3 thùng xốp đi hối lộ

Ông Văn là người được bà Lan giao nhiệm vụ dẫn đoàn SCB ra Hà Nội để giải trình các nội dung thanh tra với bà Nhàn và đoàn thanh tra.

Nhận được “thông điệp” của bà Nhàn thông qua ông Văn, bà Trương Mỹ Lan đã bay ra Hà Nội gặp bà Nhàn để bàn cách tháo gỡ những vi phạm của SCB. Sau khi bà Nhàn và bà Lan trao đổi, thống nhất xong, bà Nhàn có báo lại ông Văn về việc bà Nhàn đồng ý.

Thực hiện theo chỉ đạo của nữ chủ tịch Vạn Thịnh Phát, Võ Tấn Hoàng Văn cùng lái xe riêng của mình nhiều lần dùng ô tô chở tiền đến hối lộ bà Nhàn tại phòng làm việc trong trụ sở Ngân hàng Nhà nước và nhà riêng.

Trong đó có 3 lần, 5 triệu USD được chất đầy ba thùng xốp đựng hoa quả do Văn chở đến “hối lộ” nữ cục trưởng. Sau mỗi lần đưa tiền cho Nhàn, Văn đều thông báo cho bà Trương Mỹ Lan biết.

Nhóm cán bộ thanh tra nhận “quà” gần 500.000 USD và gần 700 triệu đồng

Theo cáo trạng, quá trình SCB bị thanh tra, ngoài hối lộ 5,2 triệu USD cho nữ cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước, chủ tịch Vạn Thịnh Phát còn chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn chi tiền “lót tay” cho các thành viên trong đoàn thanh tra để được che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và sai phạm của nhà băng này.

Những người có thẩm quyền trong đoàn thanh tra sau khi nhận “quà” đã không báo cáo trung thực, không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, thậm chí còn kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho ngân hàng này được tiếp tục tái cơ cấu.

Ông Nguyễn Văn Hưng, phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, là người ra quyết định thanh tra, có trách nhiệm chỉ đạo giám sát hoạt động của đoàn thanh tra tại SCB.

Tuy nhiên ông Hưng “vì động cơ cá nhân” đã chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn, phó trưởng đoàn Nguyễn Thị Phụng và các cán bộ thanh tra của tổ tổng hợp xây dựng các báo cáo không trung thực để báo cáo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, cáo trạng nêu.

Cụ thể, nhóm cán bộ thanh tra đã báo cáo sai lệch về thực trạng tài chính yếu kém của SCB; che giấu các sai phạm của SCB; không chỉ đạo làm rõ sai phạm cho vay đối với khoản vay của 71 khách hàng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, không làm rõ việc cho vay để đảo nợ theo chỉ đạo của Chính phủ; khi dự thảo kết luận thanh tra đã bỏ ngoài và không kiến nghị đối với các sai phạm của SCB…

Do đoàn thanh tra báo cáo không trung thực và bưng bít các sai phạm dẫn đến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Hưng đã nhận nhiều lần tổng số tiền 390.000 USD từ lãnh đạo SCB. Bà Nguyễn Thị Phụng đã nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng cùng đồng hồ, túi xách, khăn từ SCB. Cả hai bị viện kiểm sát truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Các thành viên khác trong đoàn thanh tra cũng nhận số tiền từ 100 triệu đến 20.000 USD. Ngoài bà Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD, tổng số tiền các thành viên đoàn thanh tra nhận từ SCB là gần 500.000 USD và gần 700 triệu đồng.

Theo tuoitre.vn 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến