28.3 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 26/04/2024

HomeTài ChínhApple tạo dựng 'đế chế' nhờ Trung Quốc, nền móng đó đang...

Apple tạo dựng ‘đế chế’ nhờ Trung Quốc, nền móng đó đang rạn nứt? Bài 1: Một môi trường không còn thân thiện

1123

 

Ảnh: Sébastien Thibault - New York Times

Ảnh: Sébastien Thibault – New York Times

Đến hẹn lại lên, mỗi tháng Chín, Apple công bố một mẫu iPhone mới tại tổng hành dinh hiện đại ở Thung lũng Silicon, Mỹ. Vài tuần sau, hàng chục triệu điện thoại mang logo “Trái táo” được lắp ráp bởi một “đội quân” công nhân khổng lồ tại các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, rồi được phân phối đến thị trường trên khắp thế giới. 

Lịch trình bán ra hàng năm của iPhone được vận hành như một bộ máy trơn tru, minh chứng cho thấy công cuộc tích hợp hai nền kinh tế lớn nhất (Mỹ và Trung Quốc) của Apple, biến công ty này thành một “gã khổng lồ công nghệ” có lợi nhuận cao nhất thế giới.

Rạn nứt bắt đầu xuất hiện

Nhưng năm nay, quá trình tung ra iPhone mượt mà đó đã trở thành “nạn nhân” mới nhất của hai vấn đề nan giải từ Trung Quốc: Một chính sách cực kỳ nghiêm ngặt chống dịch Covid-19 và căng thẳng leo thang với chính quyền Hoa Kỳ. Điều này đã buộc Apple xem xét lại những khía cạnh chủ chốt trong mô hình kinh doanh của công ty này.

Tuần vừa qua, một ổ dịch mới bùng nổ ở vùng Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc – khu vực gần nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, đã khiến các nhà chức trách địa phương ra lệnh cách ly 7 ngày. Kết quả là Apple phải thông báo, họ có thể sẽ không đủ lượng iPhone để phục vụ cho mùa lễ mua sắm cuối năm.

Ở mặt khác, trong cả năm qua, Apple đã nằm trong “hồng tâm” của một động thái can thiệp lưỡng đảng từ Washington. Các hành động khiêu khích quân sự và tham vọng công nghệ của Bắc Kinh đã dần huỷ hoại mối quan hệ thương mại tự do Mỹ-Trung.

Từ hồi tháng Ba, có lời đồn rò rỉ rằng Apple đang thương thảo với hãng sản xuất chip bộ nhớ Dương Tử – Yangtze Memory Technology Corporation (hay YMTC), để cung cấp linh kiện cho iPhone 14. Điều này đối đầu với một liên minh của các nhà làm luật và trợ lý Quốc hội Mỹ, vốn đã bỏ ra nhiều tháng trời phân tích chuỗi cung ứng linh kiện cho Apple tại Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ đã công bố một loạt các lệnh hạn chế, cấm các công ty Mỹ bán máy móc cho YMTC, khiến Apple gặp khó khăn hoàn tất thương vụ với công ty này.

Apple cho biết, họ đã trong vòng thoả thuận với YMTC nhưng từ chối trả lời liệu sẽ tiếp tục theo đuổi khả năng làm việc với công ty sản xuất chip dữ liệu Trung Quốc này hay không.

Những sự kiện trên đã cho thấy quan hệ chặt chẽ của Apple với Trung Quốc, vốn được xem là lợi thế, đang trở thành một gánh nặng.

Không phải là tình cờ khi hành trình trỗi dậy thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới của Apple lại đi song song với công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những năm 1990. Hãng công nghệ này đã đi tiên phong trong mô hình kinh doanh lợi dụng hai môi trường kinh tế tốt nhất thế giới: Sản phẩm được thiết kế tại California, sau đó được sản xuất với giá rẻ mạt tại Trung Quốc và rồi bán cho tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng ở cùng thị trường nước này.

Apple bội thu trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc bay cao. Nhưng khi quan hệ Mỹ – Trung bắt đầu lung lay, chính phủ của cả hai nước cùng lúc nhúng tay can thiệp vào chuyện kinh doanh của Apple. Công ty “Trái táo”, từ một tấm gương thành công trong thời kỳ toàn cầu hoá, trở thành biểu tượng của sự rạn nứt thương mại thế giới.

“Apple lần đầu tiên nhận thấy chính trị thế giới điều khiển mô hình kinh doanh – chứ không phải ngược lại.” – Matthew Turpin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Hoover Institution, chuyên gia về chính sách ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, nhận định. 

Một môi trường không còn thân thiện

Gần đây, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến các chủ doanh nghiệp phải suy nghĩ lại cách làm việc với quốc gia này. Trong nhiều thập kỷ, sức tăng trưởng kinh tế đã là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc. Nhưng trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng các vấn đề về an ninh và theo đuổi đường lối của đảng cần phải được ưu tiên hơn các vấn đề hỗ trợ kinh doanh.

Tổng bí thư Tập Cận Bình. Ảnh: Getty Image.

Tổng bí thư Tập Cận Bình. Ảnh: Getty Image.

Chính sách “Zero Covid” của chính quyền Trung Quốc đã gây rất nhiều cản trở cho công suất sản xuất của các nhà máy, và “hãm thắng” đà phát triển nền kinh tế nước này. Tuy chịu áp lực từ giới kinh doanh và con số thị trường, các nhà cầm quyền Trung Quốc cho thấy họ vẫn chưa muốn thay đổi đường lối.

Nới lỏng các giới hạn phòng chống dịch vào lúc này có thể sẽ giúp Apple dần thoát khỏi vấn đề chuỗi sản xuất bị thiếu hụt, nhưng họ sẽ vẫn “tuột” mất kỳ mua sắm cuối năm, theo Jeff Fieldhack -nhà phân tích công nghệ thuộc Counterpoint Research.

Tuy nhiên, sẽ rất khó để Apple có thể tách dần khỏi mối quan hệ với Trung Quốc. Hãng công nghệ này đã bỏ ra hai thập kỷ làm việc với các đối tác sản xuất để xây dựng các nhà máy khổng lồ, được hỗ trợ bởi mạng lưới các nhà cung cấp nguyên liệu, linh kiện rộng khắp Trung Quốc. Sau thời gian dài, Apple đã sử dụng càng nhiều các linh kiện của Trung Quốc để được lợi từ giá thành thấp. 

Trong một nỗ lực mới để tìm cách giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, Apple đã bắt đầu sản xuất một số lượng nhỏ iPhone ở Ấn Độ, và chuyển dây chuyền sản xuất một số sản phẩm sang Việt Nam. Nhưng ở cả hai nơi này, Apple cũng chỉ có vài nhà máy với vài chục nghìn nhân công – một con số tí hon so với hệ thống sản xuất ở Trung Quốc, nơi các đối tác của Apple thuê khoảng 3 triệu lao động.

Apple dựa dẫm nhiều vào các nhà máy sản xuất iPhone ở Trịnh Châu, vận hành bởi Foxconn, đối tác sản xuất lớn nhất của họ. Khi các ca mắc Covid-19 bắt đầu manh nha xuất hiện trong vùng nhà máy, Foxconn nhanh chóng cô lập hai trăm ngàn công nhân trong xưởng sản xuất, vốn chịu trách nhiệm sản xuất ra 85% số iPhone trên thị trường (theo Counterpoint Research). Không lâu sau, Covid-19 bắt đầu lan rộng và Foxconn đã phải vất vả tìm cách cân bằng giữa yêu cầu sản xuất và các chính sách chống dịch Covid vô cùng nghiệm ngặt.

Trong bối cảnh các câu chuyện về bất bình xã hội, thiếu hụt lương thực tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc, các công nhân tại nhà máy Foxconn bắt đầu lo sợ. Hàng trăm người đã bỏ chạy. Công ty sản xuất này ban đầu tăng mức lương thêm 14USD/ ngày, nhưng sau đó phải tăng gấp bốn lần lên thêm 55USD/ngày để tìm cách giữ chân các lao động.

Các nhà cầm quyền địa phương đã ra lệnh “đóng cửa” các vùng xung quanh nhà máy của Foxconn, khiến họ chỉ có thể hoạt động với “một công suất vô cùng hạn chế” – Apple cho biết hôm Chủ nhật (6/11). Không rõ khi nào thì nhà máy của Foxconn có thể hoạt động trở lại như bình thường.

Sự kiện này buộc Apple phải cảnh báo các nhà đầu tư rằng doanh số sẽ lại bị ảnh hưởng bởi các lý do liên quan đến dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Đây là lần thứ ba trong vòng ba năm qua Apple phải ra cảnh báo như thế.

Bài 2: Áp lực từ Washington

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến