37.4 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 27/04/2024

HomeĐời sống - Xã hộiCần nguồn vay từ WB 115,6 triệu USD cho dự án phát...

Cần nguồn vay từ WB 115,6 triệu USD cho dự án phát triển thủy sản bền vững

1155

Triển khai chủ trương đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững, trong nửa đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Việt Nam cần đầu tư xậy dựng và nâng cấp nhiều cảng cá.

Từ tháng 6/2024, Bộ và các địa phương tham gia dự án sẽ phối hợp đàm phán với WB, dự kiến ký Hiệp định vào tháng 9/2024…

Chiều 8/1/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì họp trực tuyến và trực tiếp Ban Chỉ đạo chuẩn bị dự án Phát triển thủy sản bền vững, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

ĐẦU TƯ, NÂNG CẤP NHIỀU CẢNG CÁ

Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 592/QĐ-TTg phê duyệt Chủ trương đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững, vay vốn WB. Dự án nhằm tăng cường quản lý ngành thủy sản và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng thông minh.

Theo đó, thời gian thực hiện Dự án là 6 năm kể từ thời điểm Dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn. Tổng vốn đầu tư Dự án: 115,6 triệu USD (tương đương 2.679.614.717 nghìn đồng). Trong đó: Vốn vay IBRD của WB 83,6 triệu USD (tương đương 1.938.471.938 nghìn đồng); vốn viện trợ không hoàn lại của IDH và WWF 1,61 triệu USD (tương đương 37.321.410 nghìn đồng); Vốn đối ứng 703.821.370 nghìn đồng (tương đương 30,4 triệu USD).

Mục tiêu tổng quát của Dự án Phát triển thủy sản bền vững nhằm tăng cường quản lý ngành thủy sản và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng thông minh.

Theo Quyết định 592/QĐ-TTg. 

Dự án Phát triển thủy sản bền vững được Thủ tướng giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, triển khai và thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang.

Mục tiêu tổng quát của Dự án nhằm tăng cường quản lý ngành thủy sản và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng thông minh.

Dự án đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất: Đầu tư hạ tầng phục vụ khai thác hải sản gồm xây dựng, nâng cấp các cảng cá động lực thuộc các Trung tâm nghề cá lớn, các cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu.

Thứ hai: Xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành kiểm ngư phục vụ khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản hiệu quả, bền vững.

Thứ ba: Tăng cường năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản.

Thứ tư: Giảm tổn thất sau khai thác hải sản, giảm dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ năm: Nâng cao năng lực quản lý ngành thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp chiều 8/1/2024.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp chiều 8/1/2024.

Dự án được chia làm 3 hợp phần. Hợp phần 1 – Đầu tư cơ sở hạ tầng (7 tiểu dự án) phục vụ phát triển thủy sản bền vững: (i) xây dựng mới 2 cảng cá động lực tại các trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa và Kiên Giang; (ii) nâng cấp, sửa chữa 03 cảng cá loại I và cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão: cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Bạch Long Vĩ – thành phố Hải Phòng; cảng cá Lạch Hới tỉnh Thanh Hóa, cảng cá Lạch Bạng tỉnh Thanh Hóa; (iii) xây dựng mới 1 cảng cá loại I: cảng cá Thụy Tân – tỉnh Thái Bình và 1 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng Tam Quan – tỉnh Bình Định.

Hợp phần 2 gồm các hạng mục phi công trình: (i) Nâng cao năng lực quản lý khai thác hải sản thực hiện chống đánh bắt bất hợp pháp IUU; (ii) Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống nuôi biển, tôm giống; (iii) Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm thương phẩm; (iv) Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; (v) Hỗ trợ quản lý, giảm rác thải nhựa trong khai thác, nuôi trồng thủy sản. Hợp phần 3 là Quản lý dự án.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI DỰ ÁN

Báo cáo về kết quả thực hiện năm 2023 và dự kiến kế hoạch triển khai năm 2024 về việc chuẩn bị Dự án Phát triển thủy sản bền vững (vay vốn WB), ông Lê Văn Hiến, Trưởng ban Quản lý các dự án Nông nghiệp (Ban CPO Nông nghiệp) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bắt đầu từ tháng 6/2024, Bộ và các địa phương tham gia dự án sẽ phối hợp đàm phán với WB; dự kiến ký Hiệp định tháng 9/2024.

“Mặc dù dự án gặp khó khăn do thời gian chuẩn bị ngắn nhưng vẫn đáp ứng được tiến độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra và yêu cầu của WB. Dự án đã trao hợp đồng toàn bộ 10 gói thầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án với tổng giá trị là 31,1 tỷ đồng”, ông Lê Văn Hiến thông tin.

 

Đối với nhà tài trợ, từ ngày 18-21/12/2023, nhóm kỹ thuật của WB đã làm việc với Ban CPO Nông nghiệp, tư vấn thiết kế, các tỉnh Thanh Hóa, Sóc Trăng và Kiên Giang về tiến độ chuẩn bị dự án. Đoàn kỹ thuật của WB đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và hài lòng với tiến độ thực hiện trong thời gian qua của Bộ.

Ông LÊ VĂN HIẾN, Trưởng ban Quản lý các dự án Nông nghiệp.

Theo đại diện Ban CPO Nông nghiệp, sau 2 tháng ký hợp đồng, nhà thầu thiết kế đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất và thủy văn tại hiện trường cũng như báo cáo khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn đủ điều kiện để nghiệm thu thanh toán, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Ông Lê Văn Hiến giải trình, với 4 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại GEF chu kỳ 8, tiến độ chậm do các thủ tục nội bộ phía WB, các thủ tục phía WB sẽ được đẩy nhanh vào đầu năm 2024. Dự kiến tháng 1/2024, nhóm kỹ thuật WB sẽ huy động tư vấn để hỗ trợ Ban CPO Nông nghiệp và các tỉnh chuẩn bị nghiên cứu khả thi đặc biệt là môi trường, xã hội và tái định cư theo khung chính sách của WB.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đối với yêu cầu, chủ trương của Bộ và nhu cầu của ngành thủy sản, Vụ sẽ phải hoàn thiện khối lượng công việc rất lớn để kết thúc công việc trong thời gian yêu cầu đến quý 2/2024. WB dự kiến sẽ cử đoàn kỹ thuật làm việc cùng Bộ và trực tiếp tại các địa phương tham gia dự án.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị cần khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh vốn của Bộ tại khu vực tiểu dự án Hải Phòng, Hà Tĩnh. Đối với Thanh Hóa cần điều chỉnh một số hạng mục vướng mắc và sắp tới, cần tổ chức một buổi làm việc với Thái Bình để giải quyết những tồn đọng, khó khăn đối với dự án.

Thứ trưởng yêu cầu các bên cần phối hợp linh hoạt để đẩy nhanh kế hoạch lập báo cáo dự án, lập kế hoạch và bảo đảm tiến độ theo từng tháng. Đồng thời chỉ đạo Vụ Hợp tác quốc tế nghiên cứu, làm việc cùng phía đối tác để đảm bảo công tác tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật được suôn sẻ và hiệu quả.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến