Cổ phiếu VGC đang bước vào vùng giá cao nhất kể từ thời điểm chào HOSE – tháng 5/2019. Đồng thời cũng là vùng đỉnh cũ mà VGC thiết lập được khi còn giao dịch trên HNX.
[Cổ phiếu nổi bật tuần] Đón đầu sự kiện thoái vốn, VGC trở lại vùng đỉnh thời còn trên HNX

Khu công nghiệp Yên Phong của VGC.
Giá cổ phiếu nhăm nhe phá kỷ lục
Kết thúc tuần giao dịch từ 21-25/9, cổ phiếu VGC đóng cửa tại mức giá 23.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau 2 tuần lập kỷ lục giá trong phiên là 24.450 đồng/cổ phiếu, VGC gần như đã vượt qua hầu hết các áp lực chốt lời. Hiện cổ phiếu còn chưa xi nhê so với mức giá đỉnh này.
vgc11 osip
Theo dữ liệu lịch sử giá của VGC, mức 24.450 đồng/cổ phiếu cũng là mức giá cao nhất của VGC kể từ ngày niêm yết trên HOSE, tính từ tháng 5/2019. Xa hơn, nếu gộp cả quãng thời VGC giao dịch trên HNX, mức giá này cũng tiệm cận mức đỉnh của chính VGC.
Hiện tại, VGC vẫn còn tiềm năng để chinh phục những cột mốc cao hơn khi giá vẫn được bên mua hấp thụ tốt. Thanh khoản của VGC cũng đang ở mức thấp với nhiều phiên chỉ dưới 300.000 đơn vị, thấp hơn mức bình quân 20 phiên là 550 nghìn đơn vị. Rõ ràng, bên mua đang có ý định nắm giữ thay vì kiếm tìm những khoản lợi nhuận trong ngắn hạn.
Câu chuyện thoái vốn và tham vọng thôn tính của GEX
Xét về yếu tố cơ bản, VGC vẫn luôn là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực rất “nóng” là Khu Công nghiệp (KCN). Dù cho tình kinh doanh hiện tại chưa phản ánh các con số tích cực, nhà đầu tư vẫn định lượng VGC dựa trên triển vọng trung và dài hạn tích cực. 
GELEX (GEX) hiện đã được chấp thuận chào mua công khai 95 triệu cổ phần của VGC để nâng sở hữu lên mức 46,15% và GEX cũng vừa nâng mức giá chào mua công khai đối với VGC lên mức 23.500 đồng/cổ phiếu.
Gần đây, GEX công bố quyết định thế chấp cổ phần VGC để đảm bảo cho nghĩa vụ của CTCP Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) đối với trái phiếu phát hành năm 2020. Nhiều khả năng đây sẽ là nguồn tài chính hỗ trợ cho kế hoạch thấu tóm VGC của GEX
Dự kiến, GEX sẽ nắm giữ hơn 119,8 triệu cổ phiếu GEX, tương ứng 26,73% vốn và Gelex Electric nắm giữ 87,1 triệu cp, tương ứng 19,43% vốn.
Trong khi đó, theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai việc thoái vốn tại VGC. Đại diện của Bộ Xây dựng cho biết việc thoái 38% vốn còn lại sẽ được thực hiện trong quý cuối năm 2020. 
Về tình hình kết quả kinh doanh, quý II/2020, doanh thu thuần của VGC đạt 2.466 tỷ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 155 tỷ đồng, giảm -22%. 
vgc kqkd 2020 09 28 uoeq
Trong kỳ, chỉ có mảng kinh doanh gạch ốp lát là ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu (+5,3%), trong khi các mảng hoạt động cốt lõi còn lại đều ghi nhận giảm, đáng chú ý mảng cho thuê KCN ghi nhận doanh thu giảm -14,3% và mảng kinh doanh kính xây dựng và sứ vệ sinh giảm -13,6%.
CTCK Yuanta cho biết, trong 6 tháng đầu năm, VGC đã cho thuê được 108 ha, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng cho thuê KCN cũng tăng nhẹ lên mức 32,1% từ mức 30,5% của cùng kỳ năm trước.
Năm 2020, VGC đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần đạt 8.300 tỷ đồng (-18,2%) và LNTT đạt 750 tỷ đồng (-22,7%). Công ty đặt kế hoạch thận trọng chủ yếu do mảng VLXD tiêu thụ khó khăn do nhu cầu yếu, ngoài ra một số dây chuyền sản xuất VLXD phải tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn để tiến hành bảo dưỡng. 
VGC dự kiến sẽ chi 1.900 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng cho mảng KCN, ngoài ra Công ty cũng dự kiến đầu tư cho nhà máy kinh siêu trắng tại Phú Mỹ với công suất thiết kế là 600 tấn/ngày. 
VGC sẽ tham gia đấu thầu làm chủ đầu tư và triển khai các bước chuẩn bị đầu tư các KCN mới như: Thuận Thành – Bắc Ninh (250ha), Huế (1,000 ha), Đồng Văn 4 mở rộng – Hà Nam (300 ha), Tiền Hải mở rộng – Thái Bình (270 ha), Đông Mai mở rộng – Quảng Ninh (140 ha), Phú Thọ (500 ha).
Theo đánh giá của Yuanta, điều này tiếp tục củng cố vị thế của VGC như là một trong những nhà phát triển bất động sản KCN lớn nhất tại miền Bắc.


MAI HƯƠNG