Trong khi các mã TNG, MSH còn khá chật vật với nhiệm vụ lấy lại mặt bằng giá đầu năm, GIL đã tăng giá “thần tốc” và đang leo lên sát vùng đỉnh lịch sử.
[Cổ phiếu nổi bật tuần] Không thuần túy là cổ phiếu Dệt may, GIL “vọt” nhanh hơn cả TCM, TNG, MSH

Cổ phiếu GIL ấn tượng nhất nhóm Dệt may
Tuần qua, cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh đã đi ngược cả diễn biến VN-Index (-3,72%) để tăng 11,21% lên 30.750 đồng/cổ phiếu. Đây là diễn biến hoàn toàn ngược chiều của GIL và vượt trội hơn so với phần lớn các cổ phiếu trên sàn.
Đồng thời, so với các cổ phiếu Dệt may, GIL thật sự là gương mặt ấn tượng nhất khi nhìn chung các cổ phiếu như TNG, MSH vẫn đang chật vật trở lại mặt bằng giá trước đợt bùng phát COVID-19 vào tháng 3. Ngay cả, cổ phiếu hàng đầu ngành Dệt may là TCM tăng lại 123,5% – sự hồi phục rất tốt so với mức giá đóng cửa ngày 31/3 nhưng cũng thua GIL.
gil211 mvwi
Sau phiên thứ Sáu vừa qua, GIL đã tăng 126,77% và đang giao dịch ở vùng giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Hiện GIL không đơn thuần là một cổ phiếu ngành Dệt may mà còn đang mở rộng sang mảng Khu Công nghiệp. Các yếu tố này sẽ dẫn đến việc định giá GIL có sự pha trộn của một cổ phiếu Dệt may và Khu công nghiệp.
Dù vậy, với việc đang giao dịch ở vùng đỉnh, nhà đầu tư sẽ cần đặc biệt thận trọng trong giải ngân. GIL vẫn có thể phá mức đỉnh lịch sử 35.000 đồng/cổ phiếu. Trong trường hợp điều chỉnh lấn lướt, nhà đầu tư cũng cần phải lưu ý về mốc hỗ trợ 28.500 đồng/cổ phiếu.
Tham vọng lấn sân mảng Khu Công nghiệp
Gilimex sản xuất đa dạng các mặt hàng dệt may: sản phẩm trong gia đình, túi xách, balo, đồ dùng ngoài trời, quần áo. GIL đang có 36 dây chuyền may ở hai nhà máy Bình Thạnh & Thạnh Mỹ. Ngoài ra, GIL có hệ thống gia công 36 dây chuyền khác. Mục tiêu của GIL là phát triển hệ thống dây chuyền may nội bộ lên 37 trong năm 2020 và tăng số lượng dây chuyền gia công bên ngoài lên mức 58.
Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho biết hai đối tác lớn nhất của GIL là Amazon và IKEA. Đây là những doanh nghiệp tài chính mạnh, vẫn đang hoạt động kinh doanh ổn định với hướng kinh doanh online là chủ đạo trong thời gian vừa qua. Điều này giúp GIL tránh được áp lực trong năm 2020, khác với các doanh nghiệp dệt may trong ngành.
gil kqkd 2020 11 02 tlfj
Doanh thu và lãi ròng 9 tháng đạt 2.545 tỷ và 190 tỷ đồng, lần lượt tăng 45% và 110% so với cùng kỳ. Cụ thể, biên lợi nhuận tăng mạnh lên mức 16,7% so với mức 14,5% cùng kỳ còn doanh thu tài chính đạt 44 tỷ đồng, tăng 55% trong khi chi phí lãi vay giảm 25%, dừng ở mức 11 tỷ đồng.
Năm 2021, GIL kỳ vọng tiếp tục nhịp tăng trưởng mảng xuất khẩu sản phẩm dệt may truyền thống nhờ sự tăng trưởng từ mảng online.
Đáng chú ý, GIL dự kiến sẽ triển khai dự án khu công nghiệp Phú Bài 4 theo tiêu chuẩn Singapore với vốn góp là 255 tỷ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ. Quy mô dự án ở mức 420 ha giai đoạn 1, và thêm 87 ha ở giai đoạn 2. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến ở mức 3.000 tỷ đồng.
MAS cho rằng doanh thu và lãi ròng năm 2020 có thể đạt 3.425 tỷ và 253 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 34,9% và 57,5% so với cùng kỳ.
Doanh thu và lãi ròng năm 2021 ước đạt 3.840 tỷ và 297 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 12,1% và 17,5% so với cùng kỳ. Mảng khu công nghiệp kỳ vọng ghi nhận doanh thu mới đạt 244 tỷ đồng, tương ứng 30ha cho thuê với mức giá cho thuê giả định đạt 35 USD/m2. Còn mảng hàng hóa dệt may thông thường kỳ vọng mức doanh thu tăng 5% và biên lợi nhuận gộp tăng lên mức 17,9% chủ yếu đóng góp từ mảng khu công nghiệp.


MAI HƯƠNG