Đây là khẳng định của Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
ĐHĐCĐ MSB: “Chắc chắn không có chuyện PGBank sáp nhập vào MSB”

ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của MSB.
Sáng nay (24/3), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã MSB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Kế hoạch lợi nhuận tăng 30%, bán hết công ty con
Tại đại hội, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 190 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm nay. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 106,2 nghìn tỷ đồng, tăng 25%. Vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn đạt 114,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. 
Lợi nhuận trước thuế trong năm nay dự kiến đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước trước. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 mục tiêu thấp nhất ở mức 15%.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết bên cạnh các mảng kinh doanh cốt lõi, ngân hàng sẽ tập trung phát triển hoạt động bán chéo bảo hiểm. Theo đó, trong năm tới, ngân hàng sẽ lựa chọn và ký hợp đồng bán bancassurance với đối tác bảo hiểm nhân thọ trong dài hạn, dự kiến hoạt động này sẽ tạo nguồn thu lãi tăng trưởng đều 30% qua các năm.
Đối với hoạt động của các công ty con, ông Linh cho biết,  trong năm 2020, công ty MSB AMC đạt doanh thu 150 tỷ đồnng, lợi nhuận trước thuế đạt 21,5 tỷ đồng. Cuối tháng 12/2020, HĐQT MSB đã có Nghị quyết về việc thoái vốn tại MSB AMC để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh ngân hàng cốt lõi.Dự kiến giao dịch này sẽ được thực hiện trong năm 2021.
Đối với Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM), với tổng tài sản gần 622 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 607 tỷ đồng, FCCOM có dư nợ tín dụng 322 tỷ đồng, đem về doanh thu trong năm 2020, đạt 149 tỷ đồng, ghi nhận 2,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng giám đốc MSB cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid – 19, cho vay tiêu dùng trong thời gian qua gặp rất nhiều rủi ro. Do vậy, MSB đang lên kế hoạch chuyển nhượng công ty cho vay tiêu dùng này.
“Hiện chúng tôi đang làm việc với một số đối tác nước ngoài, hy vọng việc chuyển nhượng FCCOM sẽ được hoàn thành trong năm nay”, ông Linh cho biết.
Trước đó, trong năm 2020, MSB  có ký kết với Hyundai Card bán 50% cổ phần tại FCCOM, ông Linh cho biết, toàn bộ quá trình đánh giá giữa hai bên đã kết thúc. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, Hyundai chuyển hướng kinh doanh tại Việt Nam và Châu Á nên giao dịch đã không hoàn thành, phía Hyundai cũng có khoản bồi thường cho MSB. 
Đối với đối tác đang thương thảo hiện tại, lãnh đạo MSB cho biết, hiện hai bên đã kết thúc quá trình Due Deligence – thẩm định chuyên sâu, hy vọng việc thoái vốn sẽ kết thúc trong năm nay và mang lại khoản lợi nhuận tương đối lớn để bổ sung vốn kinh doanh cho ngân hàng.
Quý 1/2021, lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ
Cập nhật nhanh kết quả quý 1/2021, Tổng giám đốc MSB cho biết, tiền gửi khách hàng đạt 92 nghìn tỷ đồng , tăng 11% so với đầu năm, dư nợ tín dụng đạt xấp xỉ mức phê duyệt của NHNN là 9%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ. Các chỉ số ROA và ROE đạt lần lượt 1,7% và 10,3%, hệ số CAR theo Thông tư 41 đạt 9,9%, nợ xấu dưới 2%.
Ông Linh cũng cho biết, hiện MSB đã hoàn tất ký độc quyền phân phối bảo hiểm kéo dài 15 năm với Prudential, đầu tháng 4 tới sẽ bắt đầu triển khai trên toàn quốc. Theo lãnh đạo MSB, việc hợp tác độc quyền với Prudential sẽ giúp ngân hàng có một khoản upfront tương đối lớn, giúp thực hiện xử lý một số khoản nợ xấu tồn đọng trong giai đoạn trước, ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ có vốn để thực hiện 2 dự án trọng điểm là nâng cấp corebanking và digital factory trong 2 năm tới, đồng thời, đảm bảo tăng trưởng trong hoạt động bancassurance.
Đối với nợ quá hạn do ảnh hưởng của Covid – 19, Tổng giám đốc MSB cho biết, nếu áp dụng theo thông tin 01 sửa đổi, ngân hàng chỉ phải thoái lãi chỉ 42 tỷ đồng.
Tăng vốn lên 15.275 tỷ đồng
Cũng tại đại hội, MSB trình cổ đông về việc tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho các cổ đông.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 352,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương với tỷ lệ tối đa là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành. 
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021, sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động và không quá 6 tháng kể từ ngày ĐHĐCĐ năm 2021 kết thúc.
Với số vốn điều lệ tăng thêm là 3.525 tỷ đồng, MSB dự kiến sử dụng vào việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống các điểm giao dịch; nâng cao năng lực tài chính để thích ứng với biến động của thị trường.
Không có chuyện sáp nhập PGBank
Câu chuyện khả năng sáp nhập PGBank vào MSB cũng là một trong những câu hỏi được nhiều cổ đông quan tâm tại đại hội, khi trong thời gian qua, trên thị trường có nhiều đồn đoán khi liên tục “người nhà” MSB sang nắm các chức vụ cao cấp tại PGBank.
Cụ thể, hồi đầu tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng – nguyên Phó tổng giám đốc MSB được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc PGBank.
Trước đó, ông Hoàng Xuân Hiệp, người từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB như Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc công ty quản lý và Khai thác tài sản MSB được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ tại PGBank.
Tuy nhiên, đáp lại thắc mắc này, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định, chắc chắc không có chuyện PGBank vào MSB. “Mặc dù có một số lãnh đạo cũ MSB đang làm việc tại PGBank nhưng những người này đã kết thúc hợp đồng làm việc tại MSB. Việc PGBank và MSB về một nhà là điều chắc chắn không thể xảy ra”, ông Linh nói.


TRẦN THÚY