Dòng tiền ngoại vẫn sẽ được dự báo còn nhiều biến động khó dự báo trong khi tiền của nhà đầu tư F0 trong nước đã không còn đáng kể trên thị trường.
Dòng tiền ngoại biến động chủ yếu đến từ Hàn Quốc và Thái Lan, tiền F0 hiện đã hết

Chiều 13/8, Fiingroup đã tổ chức tọa đàm FiinTrade Talk: TRIỂN VỌNG VÀ CƠ HỘI CHỨNG KHOÁN ĐẾN CUỐI NĂM 2020.
Đánh giá về điều kiện vĩ mô, các chuyên gia cho rằng lãi suất vẫn có thể giảm chút ít, và nền kinh tế vẫn còn sức bật nhờ câu chuyện đầu tư công các tháng cuối năm. Tuy nhiên, các quan điểm về sự rút lui dòng tiền ngoại và sự xuất hiện của dòng tiền F0 cân đối lại thời gian qua đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía nhà đầu tư.
Theo ông Đào Phúc Tường, Nguyên Giám đốc đầu tư quỹ APS Singapore, so với các thị trường cận biên (frontier) và trong khu vực, Việt Nam vẫn là điểm sáng về đầu tư trừ yếu tố nhân khẩu học có thể là rủi ro trong một vài năm tới.
Tuy nhiên, song song với giải ngân, nhà đầu tư cũng rút trong các đợt khủng hoảng chứ không có chuyện chỉ giữ nguyên tiền. Trong đợt khủng hoảng trước, nhà đầu tư rút khỏi thị trường là đối tượng thực hiện carry trade với trái phiếu chính phủ và nhiều nhà đầu tư vào đúng đỉnh của chứng khoán. Nên việc rút ròng là rất lớn lên tới 5-6 tỷ USD. Còn trong giai đoạn này, dòng tiền Hàn Quốc và Thái Lan đến từ cá nhân là chính nên rút ra chậm.
Ông Tường cho rằng rất khó để phán đoán hành vi của nhà đầu tư ngoại nhưng nên đặt vào vị trí của họ. Có 2 lý do khiến nhà đầu tư ngoại rút tiền là để xử lý vấn đề tại nước sở tại và việc phân bổ theo tương quan các thị trường.
Vừa qua, dòng tiền rút mạnh do một CTCK Hàn Quốc phải giải quyết nội tại. Họ đã gặp vấn đề tài chính với sản phẩm cơ cấu tài chính (Structure financing) dùng để huy động tiền.
Còn các quỹ Global buộc phải đánh giá lại rủi ro, tái cơ cấu (rebalancing) trên toàn cầu. Khi các thị trường khác cũng xuống thì thị trường Việt Nam không còn hấp dẫn nữa. 
Trong 2-3 năm vừa qua, các quỹ đã đầu tư mạnh vào Việt Nam vì điểm sáng vĩ mô và lãi suất tại các nước sở tại rất thấp. Và khi họ rút tiền thì đến từ những nguyên nhân ở trên.
Với các quỹ đầu tư thụ động, trong tháng 10-11 tới, hoạt động cơ cấu của MSCI sẽ có ảnh hưởng tới tỷ trọng phân bổ của các quỹ này tới thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, với các quỹ đầu tư chủ động, các quỹ vẫn đang trong giai đoạn ổn định lại sau giai đoạn bất ổn do COVID-19 nên mới ra quyết định tái cơ cấu, có tăng tỷ trọng cho thị trường Frontier hay Emerging trước khi có quyết định vào thị trường Việt Nam hay không.
Trong thời gian tới, vẫn có thể sẽ xuất hiện dòng vốn ngoại mang tính chất Private Equity như các thương vụ KKR mua VHM hay GIC đầu tư MSN. Đây là những giao dịch sẽ chỉ mang lợi ích ngắn hạn cho nhà đầu tư trong nước. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc đầu tư PVIAM lại chia sẻ những đánh giá về dòng tiền đối trọng của khối ngoại là dòng tiền cá nhân.
Ông Linh cho rằng tại thời điểm tháng 8, dòng tiền mới không còn so với thời điểm tháng 4-5 bởi giá đã lên rồi không còn kích thích người mới vào. 
Một số nhà đầu tư F0 trở lại thị trường đầu tư nhiều tiền và xác định nắm giữ 2-3 năm nhưng không ngờ đã lãi trong 2-3 tháng lãi. Đây mới là dòng tiền mới thực sự và có tính bền vững.
Vì vậy, kể cả khi lãi suất có giảm cũng khó kích thích thêm bởi những người đầu tư thì đã đầu tư rồi và hai là mặt bằng giá cao.
“Nếu có tiền mới, hy vọng quỹ mới đầu tư trái phiếu, cổ phiếu có khả năng Sales giỏi hút tiền từ người nội trợ kéo tiền từ kênh tiết kiệm sang kênh chứng khoán. Điều đáng tiếc là ở thời điểm hiện tại là kênh dẫn tiền này lại chưa nhiều”, ông Linh nói. 
Để có thể có dòng tiền nội bùng trở lại, ông Đào Phúc Tường và ông Nguyễn Đức Hùng Linh đều cho rằng cần có “mồi lửa” về chính sách hoặc về triển vọng kinh doanh sáng bất ngờ từ doanh nghiệp trong 12-18 tháng tới.


MAI HƯƠNG