35.6 C
Ho Chi Minh City
Thứ Ba, 14/05/2024

HomeTài ChínhĐược gắn 'sao' OCOP, nhưng vì sao nhiều sản phẩm vẫn ......

Được gắn ‘sao’ OCOP, nhưng vì sao nhiều sản phẩm vẫn … vô danh?

1092

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, hiện hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai. Ảnh: TL.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, hiện hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai. Ảnh: TL.

Xây dựng đề án từ cách đây gần 10 năm, chính thức triển khai 4 năm, chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đang dần lan tỏa mạnh tại các địa phương và không ít sản phẩm chế biến từ nông sản đã được nâng tầm để phát triển.

Tính đến ngày 31/8/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Theo đó, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. 

Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Chương trình OCOP tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình OCOP của nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất không có đủ tiềm lực đầu tư để phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP; chất lượng sản phẩm chưa được đánh giá đồng đều…

Chỉ rõ thực trạng, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã đi tới trên 20 thị trường, tham dự tại các hội chợ quốc tế tại: Italy, Trung Quốc, Thái Lan… có sức lan tỏa rất cao, nhưng quy mô sản phẩm thực sự chưa cao.

“Một số vùng, sản phẩm còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có sự đồng đều. Sự đầu tư cho sản phẩm OCOP còn hạn chế từ nguồn lực, vốn vay và sự hỗ trợ của nhà nước. Mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP chưa thực sự phát triển theo hướng hàng hóa cho phân khúc cao cấp. Sản phẩm thì nhiều, nhưng sản phẩm sạch, chất lượng cao cung cấp cho thị trường không nhiều, cung không đủ cầu”, ông Nguyễn Thành Công cho hay.

Ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết toàn tỉnh có 52 sản phẩm được công nhận OCOP. Tuy nhiên, gần đây, sau khi rà soát, tỉnh đã mạnh tay thu hồi 5 sản phẩm, còn lại 47 sản phẩm đảm bảo đúng tiêu chí của chương trình. Điều này cho thấy các địa phương bên cạnh việc phát triển vẫn rà soát để chương trình đạt được hiệu quả cao.

“Ngoài việc tiếp tục tăng cường hỗ trợ các chủ thể sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại thì công tác truyền thông, thông tin về Chương trình OCOP cần được thực hiện mạnh hơn trên cả nước để lan tỏa sâu rộng, nhất là đối với người tiêu dùng để các sản phẩm được mở rộng thị trường, từ tiêu thụ trong nước đến xuất khẩu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đề xuất.

Tại Nghệ  An, nhiều Hợp tác xã cho biết, đã đầu tư khá nhiều tiền của, thời gian, công sức để sản phẩm được chứng nhận OCOP, tuy nhiên sau khi đưa sản phẩm ra thị trường thì giá cả bị cào bằng như những sản phẩm thông thường. Theo đó, dù gắn “sao” OCOP, song vẫn khó tìm được kênh tiêu thụ lớn…

Cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. Ảnh: TL.

Cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP. Ảnh: TL.

Là người nhiều tâm huyết về Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP và phát triển OCOP tại các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng, các địa phương cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và các sản phẩm OCOP phải đi theo tư duy chất lượng, chăm chút cho sản phẩm đặc trưng của địa phương mình.

Lấy ví dụ về quả măng cụt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng ở nước ta, măng cụt chủ yếu bán tươi, còn ở Thái Lan thì được chế biến rất đa dạng như: măng cụt sấy, nước ép măng cụt, nước măng cụt lên men, viên nén bổ sung chất chống ôxy hóa từ vỏ măng cụt…

Hay với quả xoài, người Thái Lan đã tạo ra các sản phẩm xoài sấy dẻo và tạo tác thành những bông hoa đựng trong hộp bảo quản trong suốt để đưa vào nhà hàng, khách sạn cho thực khách thưởng thức cùng nước trà, cà phê…

Từ những góc tiếp cận và cách làm sáng tạo ấy, Thái Lan có thể nâng giá trị sản phẩm lên gấp 10 lần sản phẩm thông thường.

“Thay vì sản xuất 10 sản phẩm để có 10 đồng, bà con mình hãy chăm chút, đào sâu nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, quảng bá xây dựng thương hiệu để bán 1 sản phẩm với giá 10 đồng, đó chính là tư duy kinh tế”, Bộ trưởng Hoan gợi mở.

Đồng thời, ông thẳng thắn nhìn nhận kết quả thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua là đáng khích lệ nhưng chưa có gì bảo đảm thành công lâu dài trong một thế giới cạnh tranh. Bởi theo ông, ngày nay là thời đại “bi kịch của người sản xuất” vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. 

Hiện nay ở nước ta, mật ong có từ Hà Giang đến Cà Mau, hay tưởng rằng trà hoa vàng chỉ có ở Quảng Ninh, ai ngờ Bắc Kạn cũng nhận đó là đặc sản của địa phương… Bởi vậy, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, chúng ta phải chăm chút, kể một câu chuyện đầy cảm xúc để bán hàng, phải chăm chút cho sản phẩm, không thể làm xuề xoà.

“Chẳng hạn chuyện bao bì của gạo. Gạo mỗi vùng miền đa dạng nên cách chế biến cũng khác nhau. Trên bao bì cần hướng dẫn cụ thể từ chế biến đến bảo quản, phải tinh tế với khách hàng, tránh tình trạng đặc sản khách mua về chế biến không đúng, không ngon thì họ lại chê đặc sản.

Phải phát triển thị trường, chúng ta có sản phẩm nhưng không có thị trường thì sẽ bị bỏ quên. Sẽ có không gian OCOP quốc gia, không chỉ trưng bày, mà còn huấn luyện, mời khách nước ngoài. Mỗi tỉnh, mỗi điểm du lịch cũng đều nên quảng bá, có thể mời gọi các nhà đầu tư đến địa phương mở không gian OCOP, quảng bá sản phẩm”, Bộ trưởng gợi mở và cho rằng, khi cùng đồng lòng, thay đổi tư duy thì mới phát huy hết các tiềm năng của sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, để hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 – 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, cần gắn sản phẩm OCOP vào “cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới”, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả và thực chất hơn.

Thực tế nói cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới là không quá huyễn hoặc, bởi người Nhật khi trồng rau sạch họ cũng nói đó là cuộc cách mạng, huống chi chúng ta tạo dựng nông thôn mới đầy nhựa sống, là nơi đáng sống, là nơi để quay về.

Nếu như đô thị là nơi so sánh đẳng cấp văn minh của một dân tộc này với dân tộc khác, thì nông thôn mới chính là nơi so sánh bản sắc của một dân tộc này với dân tộc khác. Giá trị xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở câu chuyện chúng ta đã làm mà còn đưa vào bao nhiêu giá trị văn hoá, lịch sử của đất nước.

Theo đó, các địa phương cần thay đổi tư duy, đầu tư hơn trong xây dựng sản phẩm đặc trưng để tạo ra sự khác biệt, nhằm tôn vinh giá trị sản phẩm. Đừng để các sản phẩm OCOP chỉ là “hữu danh vô thực”. Mỗi tỉnh, thành phố cần quan tâm, xây dựng các không gian để giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại những vị trí đắc địa, nơi có nhiều người qua lại. 

Đồng thời, các sản phẩm OCOP cần sự trợ lực, của các Bộ, ban, ngành trong các chính sách, cơ chế phát triển sản phẩm cho các địa phương trong quá trình triển khai để phát triển, chiếm lĩnh thị trường.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến