32 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 26/04/2024

HomeTài ChínhDuy trì xuất siêu, cơ hội 'bỏ túi' 800 tỷ USD cho...

Duy trì xuất siêu, cơ hội ‘bỏ túi’ 800 tỷ USD cho xuất khẩu đang rất gần?

1113

Xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đất nước trong những tháng cuối năm 2022. Ảnh: TL.

Xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đất nước trong những tháng cuối năm 2022. Ảnh: TL.

Mặc dù bất ổn địa chính trị, lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động và tín dụng thắt chặt…, đang là những thách thức đà tăng trưởng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu… Song, trong thời gian qua, nhờ nâng cao khả năng thích ứng trước những tác động bất lợi của thị trường, nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam vẫn có mức tăng ấn tượng, ghi tên mình tại nhiều thị trường lớn.

Kim ngạch xuất khẩu đã có sự hồi phục mạnh mẽ, giúp cán cân thương mại của cả nước sau 2/3 chặng đường của năm 2022 đã đạt thặng dư ở mức cao. Trong đó, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều đạt mức tăng trên 2 con số, giúp hàng hóa của Việt Nam nâng cao được vị thế và khả năng đáp ứng trong các chuỗi giá trị.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 9 đạt 12,75 tỷ USD, lũy kế đến 15/9 đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,8% tương ứng tăng 40,14 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 7,3 tỷ USD, tương ứng tăng 29,7%; hàng dệt may tăng 5,35 tỷ USD, tương ứng tăng 24,1%; đặc biệt, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng xuất nhập khẩu lớn nhất của nước ta, cập nhật đến 15/9 kim ngạch sắp đạt 100 tỷ USD.

Đánh giá chung cho thấy các thị trường chủ lực đều ghi nhận mức tăng cao. Đơn cử, xuất khẩu vào Hoa Kỳ ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Còn tại thị trường EU, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 32 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 23,5 tỷ USD, tăng 27,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,4%…

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu và định hướng về chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu nói riêng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp và nông nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng tốt…

Nhìn lại khoảng thời gian này năm trước (2021), Việt Nam đang nhập siêu 3,52 tỷ USD nhưng hiện nay cán cân thương mại đang nghiêng về phía xuất siêu. Thành công này giúp tăng cường dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô. 

“Việc suy thoái và lạm phát có thể gây ra biến động về tỉ giá, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Lạm phát cũng khiến nhu cầu về tiêu dùng của nhiều thị trường thắt chặt hơn. Trong bối cảnh như vậy thì việc chúng ta đạt được mức xuất siêu như hiện nay là yếu tố rất tốt để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm”, các chuyên gia nhìn nhận.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội 2022 diễn ra mới đây, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay: Trong 8 tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng mà trong hơn 10 năm qua chưa bao giờ mơ tới, cho thấy khả năng tận dụng tốt những cơ hội của ngành.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bước vào tháng 9, nguồn cung nguyên liệu đã không chịu biến động lớn do tác động tích cực từ giá xăng dầu giảm. Nhu cầu tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho. Đồng thời có thêm tín hiệu tích cực từ các thị trường.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết: Hy vọng cuối năm 2022 thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại sau chính sách Zero Covid. Đây là chỉ số rất quan trọng. Nếu thị trường này mở cửa, xuất khẩu sẽ đi vào ổn định và phát triển tốt cho năm 2023.

“Với cú “lội ngược dòng” và nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD, với mức tăng trưởng 10 – 12%, được dự báo có thể về đích sớm vào cuối tháng 11 tới”, ông Hòe cho hay.

Để có được “trái ngọt” này, theo đánh giá của các chuyên gia, ngay từ thời điểm đầu năm 2022, cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực, mở rộng hơn cánh cửa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia thành viên.

Hơn nữa, RCEP có sự tham gia tích cực của Trung Quốc nên giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, từ đó sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường lớn tại châu Âu, châu Mỹ… có thể tăng thêm lợi nhuận và thị phần.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đã và đang bước vào giai đoạn cắt giảm mức thuế quan lớn hơn, ưu đãi nhiều hơn cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 thuyên giảm nên càng giúp thúc đẩy thương mại đi vào chiều sâu…

Dẫn số liệu tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm đạt trên 17% và tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới trên 370 tỷ USD, gấp gần 2 lần GDP, bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) nhận xét, các doanh nghiệp đã nhanh chóng bứt phá tăng trưởng trở lại sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Đến thời điểm hiện tại, năng lực tài chính khách hàng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và họ có thể đứng vững được sau những gì đã trải qua. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có sự năng động và linh hoạt khi nhanh chóng điều chỉnh về thị trường. Trong dịch bệnh, doanh nghiệp xem xét và thay đổi chiến lược, đa dạng hóa thị trường để tránh vào những thị trường đang gặp khó khăn. Về mặt hàng, các doanh nghiệp cũng liên tục điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Đặc biệt, dù EU là thị trường khó tính với hàng rào kỹ thuật nhưng doanh nghiệp vẫn đáp ứng yêu cầu cao để vào thị trường. Đó là điểm lớn cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu của EU và đưa hàng vào một cách bài bản, đây là yếu tố tiên quyết làm đẹp cho bức tranh xuất khẩu”, bà Hương nhìn nhận.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng tốc, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra. Sự hỗ trợ từ Chính phủ là liều thuốc quý cho doanh nghiệp bứt phá trong giai đoạn nước rút. Ảnh: TL.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng tốc, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra. Sự hỗ trợ từ Chính phủ là liều thuốc quý cho doanh nghiệp bứt phá trong giai đoạn nước rút. Ảnh: TL.

Với khí thế lạc quan cùng những nỗ lực tận dụng tốt các FTA mang lại và sự điều hành chính sách vĩ mô của nhà nước đã hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của doanh nghiệp, các chuyên gia dự báo nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 đạt 800 tỷ USD sẽ không phải là con số quá xa xỉ. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.

Tuy nhiên, cơ hội song hành cùng thách thức, thẳng thắn thừa nhận tình hình lạm phát, suy thoái còn nhiều bất định, nhất là tại châu Âu và Mỹ. Hơn nữa, tình hình chiến sự giữa Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lương thực còn kéo dài, đe đọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực khiến mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam không còn dễ dàng như trước.

Đặc biệt, về các mặt hàng công nghiệp thì những tác động của thị trường, của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí logistics… trong thời gian vừa qua cũng những điều mà các doanh nghiệp lo lắng.

Để hoàn thành kế hoạch năm, cũng như nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trước những khó khăn này, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang rất tích cực vào cuộc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung trong các ngành hàng.

Mới đây, hàng loạt sự kiện xúc tiến thương mại được Bộ Công thương tích cực triển khai trên khắp các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ tổ chức đoàn cho các chủ doanh nghiệp Ấn Độ tham dự sự kiện lớn ở Bình Dương. Cục Xúc tiến thương mại còn định kỳ tổ chức hội nghị trực tuyến tham tán thương mại tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, đối thoại trực tiếp với đại diện hiệp hội và các doanh nghiệp để cập nhật thông tin mới liên quan đến thị trường xuất khẩu.

“Trong nguy có cơ” chính sách thương mại, sản xuất sẽ chủ động đánh giá, dự báo các mặt hàng có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có phương án điều tiết về nguồn cung hàng hóa, sản xuất trong nước nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023″, Bộ công thương cho hay.

Ở góc độ chuyên gia, theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần năng động hơn trong việc tìm kiếm thị trường, đối tác mới vì sắp tới sẽ là giai đoạn hết sức khó khăn.

Đồng thời, chia sẻ về biến động tỷ giá với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu, ông Thịnh cho rằng, nguồn cung vốn của các doanh nghiệp lúc này cũng đang bị siết chặt hơn và trở thành vấn đề rất đáng quan ngại trong giai đoạn phục hồi sản xuất, vì vốn lưu động được ví như máu tạo nên dòng tiền để doanh nghiệp tồn tại.

“Cần tạo điều kiện cung vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mang về ngoại tệ, góp phần cân bằng cán cân thương mại cho vĩ mô”, ông Thịnh kiến nghị.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến