Chuyên gia của VDSC cho rằng, nếu ông Donald Trump tái đắc cử, có thể sẽ có một khoảnh khắc vui mừng đẩy thị trường chứng khoán lên cao hơn.
“Nếu Donald Trump tái đắc cử sẽ đẩy thị trường chứng khoán lên cao hơn”

“Trong trường hợp Biden chiến thắng, các thị trường mới nổi có khả năng chứng kiến dòng tiền gia tăng do các nhà đầu tư sẽ đánh giá tình hình thế giới an toàn hơn” – Ảnh: Huyền Trâm.

Trao đổi với Nhịp sống doanh nghiệp – BizLIVE, ông Trần Hoàng Thế Kiệt, Chuyên gia phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC) nhìn về yếu tố độc lập của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, song song với sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ.

“Tôi tin tưởng rằng thị trường chứng khoán trong nước có nguồn nhà đầu tư đa dạng và sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn từ các tổ chức trên thế giới”, ông Kiệt nói.

Trước hết, trước khi nói về tính độc lập của thị trường trong nước, điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư hiện nay là bầu cử Tổng thống Mỹ. Sự kiện này ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam dự kiến như thế nào, theo ông?

Tổng thống Donald Trump đã hạ thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21% vào tháng 11/2017, chỉ một thời gian ngắn sau khi trở thành chủ nhân của Nhà trắng. Động thái này đã góp phần tăng thu nhập cho hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Theo đó, các nhà đầu tư tại Mỹ và trên thế giới đổ xô mua cổ phiếu.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số S&P 500 và Nasdaq ghi nhận những mức cao nhất lịch sử.

Dù ông Trump hay Biden giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Mỹ sắp tới, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Nếu Trump thắng, sẽ không có nhiều thay đổi về mặt thuế doanh nghiệp. Ngược lại, Biden trở thành Tổng thống Mỹ có lẽ thuế doanh nghiệp sẽ tăng trở lại, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Tác động của một trong hai kịch bản là khó dự đoán vào thời điểm này. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng thị trường chứng khoán trong nước có nguồn nhà đầu tư đa dạng và sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn từ các tổ chức trên thế giới.

Việt Nam hiện có tỷ trọng lớn nhất trong MSCI Frontier Market ở mức 12,8% và dự báo sẽ tăng lên 28,8% trong năm tới. Trong hai hoặc ba năm nữa, Việt Nam rất có thể sẽ gia nhập vào nhóm thị trường mới nổi MSCI và điều này sẽ trở thành phong vũ biểu cho các nhà đầu tư. Nó chỉ là một vấn đề để các cơ quan quản lý Việt Nam giải quyết.

Ông có thể nói rõ hơn về tác động của yếu tố MSCI nói trên?

Mức độ ảnh hưởng từ MSCI chưa rõ ràng nhưng hiệu ứng tâm lý vẫn tốt trong ngắn hạn.

Nền tảng vĩ mô vững chắc của Việt Nam trong quý 3/2020 cộng hưởng với thông tin MSCI đã phần nào hỗ trợ đà tăng trong thời gian qua. Thông tin việc giãn lộ trình khiến việc giải ngân của các quỹ cận biên lâu hơn dự kiến có thể là yếu tố cần xem xét trong trung và dài hạn tuy nhiên hiệu ứng tâm lý vẫn khá lạc quan khi thị trường vẫn tăng tốt trong tuần 22/10 – 27/10 trong lúc MSCI công bố thông tin.

Bên cạnh đó, các thông tin về sự rút ròng của các quỹ ETF có thể đã tạm lắng lại khi từ tháng 6 quỹ iShare MSCI Frontier 100 ETF đã ngừng bị rút ròng.

Tuy nhiên, các động thái tiếp theo của dòng vốn cận biên cần thêm thời gian để kiểm chứng. Diễn biến của thị trường trong thời gian sắp tới dự báo sẽ có nhiều biến động khi gần đây khối lượng giao dịch tăng mạnh trong nhóm VN30 và bắt đầu xuất hiện những phiên có điểm số tăng giảm trên 10 điểm.

Trở lại với cuộc bầu cử, theo ông nếu ông Donald Trump đắc cử thì thị trường tài chính sẽ phản ứng ra sao, cũng như nếu kết quả bầu cử theo hướng ngược lại?

Tôi tin rằng cả hai kịch bản đều đã được thị trường phản ánh vào giá. Trong ngắn hạn (6-12 tháng), bất kỳ ứng viên nào cũng sẽ rất khó có thể thay đổi theo hướng này hay hướng khác.

Nếu Trump tái đắc cử, có thể sẽ có một khoảnh khắc vui mừng đẩy thị trường chứng khoán lên cao hơn. Phố Wall sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không tăng hoặc thậm chí có thể giảm nhiều hơn – từ 21% xuống 15%.

Tuy vậy, đây là suy nghĩ không thực tế vì tình hình trong dài hạn khả năng là không mấy khả quan vì nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Trump sẽ gây ra nhiều xung đột hơn nữa với các đối tác thương mại như Canada, Trung Quốc, Mexico và EU, và có thể còn nhiều bên khác.

Chiến thắng của Biden có lẽ sẽ bị các nhà đầu tư ngắn hạn coi là tiêu cực, do đó thị trường chứng khoán có thể trải qua một số đợt bán tháo. Có thể sẽ có một đợt giảm khoảng 10% trên toàn cầu. Tuy nhiên, tôi cho rằng một nhiệm kỳ Tổng thống Biden sẽ mang lại cơ hội trong một số lĩnh vực như môi trường, năng lượng tái tạo, giáo dục. Tuy nhiên, các ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ không có tác động tích cực nếu tình huống này thành hiện thực.

Trong trường hợp Biden chiến thắng, các thị trường mới nổi có khả năng chứng kiến dòng tiền gia tăng do các nhà đầu tư sẽ đánh giá tình hình thế giới an toàn hơn.

Với thị trường trong nước, có đánh giá gì dòng tiền hiện nay, trong đó sự tham gia của nhà đầu tư mới (F0)?

Trong 2019, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân nội là 187.000 tài khoản. Con số này tính đến cuối tháng 9/2020 là 252.000 tài khoản, trong đó số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh kể từ cuối tháng 3, vượt con số của cả năm 2019.

Tốc độ mở mới của nhóm nhà đầu tư tổ chức nội duy trì ở mức trung bình như các tháng của năm 2019, trừ việc có lượng mở mới đột biến vào tháng 3/2020. Đối với nhà đầu tư ngoại, tốc độ mở mới của họ có phần giảm so với giai đoạn cuối năm 2019.

Trên sàn, số liệu từ Finpro cho thấy nhóm nhà đầu tư nội là nhóm mua ròng mạnh, đối ứng với lực bán ròng liên tục của khối ngoại, cho thấy nhóm nhà đầu tư mới thực sự là nhóm đã đóng góp lớn vào đà tăng của thị trường.

Để xem xét yếu tố nội lực của nhóm nhà đầu tư nội có được duy trì trong tương lai, cần tính đến các yếu tố như margin và lượng tiền gửi. Tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tổng tiền gửi của dân cư so với cuối năm trước là 5,5%, chậm hơn so với 8.4% cùng kỳ. Đặc biệt, số lượng tiền gửi giảm 32.400 tỷ vào tháng 3, còn số tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 28.200 tỷ vào tháng 4. Các số liệu trùng khớp với số lượng tài khoản mở mới của các nhóm trên.

Ví dụ như CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cũng đã rót 200 tỷ đồng tiền nhàn rỗi vào cổ phiếu vào Quý II. Việc lãi suất giảm đã thúc đẩy các nhóm nhà đầu tư nội tìm đến các kênh rủi ro hơn. Tiền gửi được rút ra từ kênh tiết kiệm sẽ được duy trì nhằm sinh lãi và không có áp lực phải rút ra, do đó đây được xem là nguồn vốn trung dài hạn.

Đối với dòng vốn margin, số liệu cuối quý 3 cho thấy lượng margin ở nhóm 20 công ty chứng khoán hàng đầu tăng mạnh 18,5%, tương đương 9.000 tỷ so với cuối quý 2. Con số này là 14.300 tỷ (+33%) so với cuối quý 1, tức thời điểm đáy của đợt sụt giảm. Rõ ràng một lượng lớn tiền margin đã hỗ trợ đà tăng của thị trường. Động lực một phần đến từ sự tham gia của tiền margin lãi suất thấp, được cung cấp từ nhóm công ty chứng khoán ngoại, khiến chi phí nắm giữ và sử dụng margin giảm đi nhiều.

Nhìn chung, động lực thị trường thời gian qua, bên cạnh các thông tin tích cực từ nâng hạng, dòng vốn ngoại, sự thành công của Việt Nam trong việc phòng chống dịch, thì sự dịch chuyển từ kênh tiết kiệm đóng vai trò rất lớn, bên cạnh lượng nhà đầu tư mới và lượng margin được bơm ra thị trường.

Sự dịch chuyển trong phân bổ tài sản sẽ còn duy trì trong môi trường lãi suất hiện tại. Lượng nhà đầu tư cá nhân nội tham gia thị trường dù tăng mạnh, nhưng vẫn còn chưa đạt mức mục tiêu của Chính phủ, và các sản phẩm mới như giao dịch T0, bán khống, còn chưa ra mắt, nên sẽ còn nhiều dư địa hấp dẫn nhóm này, đồng thời cũng sẽ thu hút nhóm nhà đầu tư tổ chức nội. Đây sẽ là một trong các dòng tiền lớn thúc đẩy chứng khoán trong trung dài hạn.

Ở chiều ngược lại, lượng margin tăng mạnh thời gian gần đây hỗ trợ rất tích cực cho thanh khoản thị trường làm chúng tôi lo ngại. Việc duy trì một mức margin cao để xoay vòng liên tục, hay còn gọi là “đảo hàng”, sẽ khiến thị trường nóng lên trong ngắn hạn. Do đó việc sụt giảm mạnh và kéo dài vài phiên tại một số thời điểm có thể sẽ diễn ra nhằm đưa mức margin về thấp hơn.

Còn về bức tranh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý cuối năm cũng như triển vọng TTCK, ông dự tính thế nào?

Cập nhật quan điểm của chuyên viên phân tích của VDSC về một số nhóm ngành như sau. Với thủy sản và dệt may, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu nhưng nhìn chung sẽ tốt hơn so với quý II do các thị trường không đóng cửa kinh tế trên quy mô lớn.

Phân bón: cạnh tranh nội địa tiếp tục gay gắt làm giảm giá bán nhưng các chương trình khuyến mãi có thể giúp ổn định sản lượng. Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường về chính sách thuế VAT sửa đổi có thể hỗ trợ giá cổ phiếu

Bảo hiểm: nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm ổn định trong khi mảng đầu tư tài chính có thể sẽ ghi nhận kết quả tích cực theo đà tăng thị trường chứng khoán.

Bất động sản dân dụng: hoạt động bàn giao và mở bán kỳ vọng sẽ tích cực hơn so với quý 3. Đà hồi phục của nguồn cung trong quý 3 là nền tảng cho sự sôi động hơn của thị trường trong 3 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng trong quý 4 việc bàn giao dự án sẽ tích cực hơn khi trong quý 3 kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản mà chúng tôi theo dõi chưa có nhiều chuyển biến khi đa phần chưa kịp bàn giao và để dành cho quý 3. Từ đó, kết quả kinh doanh nhìn chung sẽ tương đối tích cực trong quý cuối năm.

Ngân hàng: áp lực đè lên toàn bộ ngành, nhưng nhóm ngân hàng tư nhân được kỳ vọng sẽ có kết quả tốt hơn sau một Quý III khởi sắc. Nhóm ngân hàng quốc doanh chịu nhiều tác động hơn, đã mạnh tay trích lập trong năm khiến cho lợi nhuận cả năm được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ. Nhóm tư nhân tích cực hơn, khi một số ngân hàng như ACB, TCB có thể sẽ kết thúc năm với mức tăng trưởng nổi bật.

Nhìn chung, các nhóm ngành đã có cho thấy sự phục hồi nhất định trong quý 3 so với thời điểm quý 2, khi dịch còn tác động mạnh. Tuy nhiên, việc có mức tăng trưởng như thời điểm trước dịch cần có thêm thời gian trong những quý tiếp theo trong năm 2021.

Xin cảm ơn ông.


HUYỀN TRÂM