35.4 C
Ho Chi Minh City
Chủ Nhật, 28/04/2024

HomeĐịa ỐcNgân hàng 'bơm tiền' cho dự án có Golf Club Đà Lạt...

Ngân hàng ‘bơm tiền’ cho dự án có Golf Club Đà Lạt xây trái phép

1267

Bà Dương Trương Thiên Lý là vợ của ông Nguyễn Quốc Toàn – cựu Chủ tịch HĐQT Nam A Bank – đơn vị cam kết cấp tín dụng 1.652 tỷ đồng cho dự án của Hoàng Gia ĐL. Ông Toàn sau đó miễn nhiệm vào ngày 9.12.2022, thay thế cho ông Toàn là ông Trần Ngô Phúc Vũ.

golf club namabank dalat
Công trình của dự án tòa nhà câu lạc bộ Golf thuộc sân Golf Đà Lạt đã xây trái phép gần 8.000 m2

Nam Á Bank cấp tín dụng hàng nghìn tỷ đồng cho Hoàng Gia ĐL

Vừa qua, UBND TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm tại công trình xây dựng của dự án tòa nhà câu lạc bộ Golf thuộc sân Golf Đà Lạt.

Theo đó, UBND TP. Đà Lạt yêu cầu Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL chấp hành tự giác tháo dỡ các hạng mục xây dựng không phép, sai phép tại công trình xây dựng của dự án tòa nhà câu lạc bộ Golf thuộc sân Golf Đà Lạt.

Đồng thời, UBND TP. Đà Lạt xử phạt CTCP Hoàng Gia ĐL 130 triệu đồng về hành vi xây dựng sai phép với diện tích 3.300m2 và phạt 110 triệu đồng về hành vi xây dựng không phép diện tích 4.478m2.

Theo tìm hiểu, CTCP Hoàng Gia ĐL là chủ đầu tư dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt. Dự án này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 8.1991, chủ đầu tư là Công ty TNHH Khu nghỉ mát Đà Lạt (Công ty Đà Lạt).

Theo chấp thuận đầu tư ban đầu, dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt có quy mô sử dụng đất 71,5ha với tổng vốn đầu tư 842 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động dự án 50 năm, kể từ tháng 8.1991.

Chủ đầu tư được cho thuê đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi sân golf quốc tế 18 lỗ tại số 1 Phù Đổng Thiên Vương, TP. Đà Lạt, khách sạn Dalat Palace, khách sạn DuParc Dalat, biệt thự số 27A và số 27B Trần Hưng Đạo, TP. Đà Lạt.

Giai đoạn 2008-2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành hai quyết định cho Công ty Đà Lạt thuê đất để thực hiện dự án. Quy mô dự án cũng được điều chỉnh từ 71,5ha xuống còn 62,4ha. Trong đó, có 0,32ha là đất thương mại dịch vụ, 32,5ha đất sân golf và 29,6ha đất rừng phòng hộ nội ô.

Đến năm 2013, Công ty Đà Lạt bị thâu tóm bởi Công ty Danao Limited của doanh nhân người Thái Lan Yun Praset.

Theo giấy chứng nhận thay đổi lần thứ ba vào tháng 11.2013, 4 cá nhân được Danao Limited ủy quyền đại diện phần vốn góp tại Công ty Đà Lạt, gồm: Ông Yun Praset đại diện 32,451% vốn góp; ông Phan Đạo với 24,045% vốn góp; ông Ngô Quang Hùng 19,925% vốn góp và ông Dương Đình Khoa 24,579% vốn góp.

Sau khi Công ty Đà Lạt chuyển đổi thành CTCP Khu nghỉ mát Đà Lạt, rồi tiếp đó đổi tên thành CTCP Hoàng Gia ĐL như hiện nay, cơ cấu cổ đông của chủ đầu tư có nhiều thay đổi và dự án đã được điều chỉnh.

Theo giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ chín vào tháng 7.2018, ba cá nhân tại TP.HCM đã nhận chuyển nhượng 100% vốn góp tại CTCP Hoàng Gia ĐL.

Đó là bà Dương Trương Thiên Lý (SN 1989, ngụ Q. Bình Thạnh) nắm 78% vốn góp, bà Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1971, ngụ Q. Bình Thạnh) nắm 11% vốn góp và ông Nguyễn Hoàng Vũ (SN 1985, ngụ Q. Bình Tân) nắm giữ 11% vốn góp.

Từ đề nghị của CTCP Hoàng Gia ĐL, tháng 8.2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản thống nhất bổ sung hạng mục, chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc toà nhà câu lạc bộ golf tại dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt.

Đến tháng 6.2022, tổng mức đầu tư dự án này tăng lên 2.000 tỷ đồng, gồm 848 tỷ đồng vốn góp của các nhà đầu tư và 1.152 tỷ đồng vốn vay.

Sau đó, CTCP Hoàng Gia ĐL tiếp tục xin điều chỉnh mục tiêu, quy mô và tiến độ thực hiện dự án. Tổng mức đầu tư dự án được doanh nghiệp này xin tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.

Đánh giá về năng lực tài chính của CTCP Hoàng Gia ĐL vào tháng 9.2022, Sở Tài chính Lâm Đồng cho biết, vốn góp nhà đầu tư tại thời điểm ngày 31.12.2021 của doanh nghiệp này là 848 tỷ đồng.

Về vốn huy động, CTCP Hoàng Gia ĐL cho hay sẽ vay 3.352 tỷ đồng để thực hiện dự án. Thực tế, đến tháng 8.2022, chủ đầu tư này đã sử dụng 27,6 tỷ đồng để triển khai xây dựng.

Theo Sở Tài chính Lâm Đồng, để được điều chỉnh dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt, CTCP Hoàng Gia ĐL phải đảm bảo huy động vốn thêm 3.324,4 tỷ đồng.

Tháng 9.2022, Ngân hàng Nam Á có hai văn bản đồng ý xem xét cấp tín dụng cho CTCP Hoàng Gia ĐL lần lượt hạn mức 1.655 tỷ đồng và 1.670 tỷ đồng.

Trong đó, khoản tín dụng 1.670 tỷ đồng được cấp vào mục đích đầu tư xây dựng Khu nghỉ mát Đà Lạt và công viên giải trí chuyên đề, bãi đậu xe kết hợp trung tâm thương mại ngầm.

Thua lỗ triền miên công ty của vợ cựu Chủ tịch Nam Á Bank vẫn được bơm tiền làm dự án

Đi sâu về mối liên hệ giữa Hoàng Gia ĐL và Nam Á Bank có thể thấy, Tháng 4.2016, bà Dương Trương Thiên Lý đầu tư vào Hoàng Gia ĐL nắm giữ 78% vốn điều lệ và trở thành chủ sở hữu tổ hợp khách sạn, sân golf Đà Lạt. Ông Trần Khải Hoàn và bà Đào Thị Hiền mỗi người nắm giữ 11% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của công ty này là 848 tỷ đồng.

Theo công bố thông tin gần nhất (tháng 9.2019), bà Dương Trương Thiên Lý là cổ đông lớn nhất sở hữu 78% cổ phần (giá trị hơn 661 tỷ đồng). Hai cá nhân còn lại là ông Nguyễn Hoàng Vũ và bà Nguyễn Thị Kim Phượng sở hữu lần lượt 11% cổ phần.

Ông Nguyễn Hoàng Vũ cũng đồng thời đứng tên đại diện pháp luật cho vài công ty có liên quan tới Tập đoàn Hoàn Cầu: Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Đà Lạt.

Được biết, bà Dương Trương Thiên Lý là vợ của ông Nguyễn Quốc Toàn – cựu Chủ tịch HĐQT Nam A Bank – đơn vị cam kết cấp tín dụng 1.652 tỷ đồng cho dự án của Hoàng Gia ĐL. Ông Toàn sau đó miễn nhiệm vào ngày 9.12.2022, thay thế cho ông Toàn là ông Trần Ngô Phúc Vũ.

hoanggiadl namanabk

Thời điểm nhận được hậu thuẫn từ ngân hàng của chồng bà Dương Trương Thiên Lý, tổng tài sản của Hoàng Gia ĐL nhanh chóng vượt ngưỡng 1.500 tỷ đồng vào năm 2017. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp này sau đó đã liên tục bị thu hẹp và chỉ còn hơn 1.100 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Dù sở hữu khối tài sản cả nghìn tỷ đồng nhưng Hoàng Gia Đà Lạt lại kinh doanh khá “bết bát” với những khoản lỗ triền miên hàng trăm tỷ đồng. Doanh thu cũng không thể bứt lên, mức cao nhất ghi nhận vào năm 2019 cũng chưa đến 150 tỷ đồng.

Giai đoạn 2018-2020, các khoản lỗ của Hoàng Gia ĐL liên tục bị đào sâu qua từng năm từ 90,9 tỷ năm 2018 lên 134,8 tỷ năm 2019 và 176,1 tỷ năm 2020. Kéo theo đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cũng bị ăn mòn hết, thậm chí âm đến 360 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Có thể thấy, quy mô tài sản bị thu hẹp qua từng năm chủ yếu do các khoản lỗ ăn mòn vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, nợ phải trả gần như không thuyên giảm và thường xuyên duy trì trên mức 1.500 tỷ đồng trong suốt 4 năm từ 2017 – 2020. Điều này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về sự ưu ái mà Nam Á Bank dành cho Hoàng Gia ĐL.

Theo daibieunhandan.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến