Một số nhà đầu tư chứng khoán vừa nhíu mày với một trường hợp có thể khó giải thích nhưng lại logic…
Ngân hàng vượt ải thanh tra

Ảnh minh họa.
Họ nhíu mày, bởi ngày 17/3 là tròn 6 tháng kể từ ngày Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB, mã cổ phiếu SHB – sàn HNX).
Trên diễn đàn trực tuyến trao đổi giữa các nhà đầu tư, có ý kiến nhìn lại mốc 6 tháng đó và đặt câu hỏi: Liệu qua khoảng thời gian đó mà không có thông tin chấp thuận SHB được chuyển sang sàn HOSE thì có vấn đề gì không?
Trước đó, một số ngân hàng khác chuyển cổ phiếu sang niêm yết ở HoSE được xử lý thủ tục khá nhanh chóng, như VIB, LPB, ACB. Tuy nhiên, trường hợp của SHB lại có câu hỏi trên.
Nửa đầu năm 2020, SHB thực hiện các đợt tăng vốn điều lệ. Tăng vốn xong, ngân hàng này nhanh chóng nộp hồ sơ chuyển sàn niêm yết cổ phiếu sang HoSE. Ngày 17/9/2020 HoSE thông báo nhận được hồ sơ.
Câu hỏi trên đặt ra. Và tại thời điểm này có một sự kiện liên quan. Ngày 10/3/2021, Ngân hàng Nhà nước có quyết định chấp thuận SHB sửa đổi mức vốn điều lệ trong Điều lệ ngân hàng. Như vậy, phải sau một thời gian dài ngân hàng này mới hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ trước đó và chính thức được ghi nhận.
Logic kết nối các miếng ghép: đến nay Ngân hàng Nhà nước mới chấp thuận sửa đổi mức vốn điều lệ nói trên, nếu trước đó HoSE chấp thuận cho niêm yết thì có thể việt vị về quy trình và thủ tục (?).
Trong quy trình thủ tục, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại đều phải qua khâu thẩm định của Cơ quan Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Từ thực tiễn đến quyết định cuối cùng chấp thuận nói trên đã trải qua một thời gian dài.
Vậy cơ quan thanh tra đã làm gì, vì sao có một quá trình dài đó, vướng mắc ở đâu?
Câu hỏi đó để ngỏ. Còn với SHB và cổ đông, thay vì được chuyển sàn nhanh chóng như LPB, VIB, ACB…, họ có thể đã bị bỏ lỡ yếu tố cơ hội.
Làm sao để gọn, nhẹ?
Phải một thời gian dài ví dụ trên mới có thể đạt đích. Trong quá trình đó hẳn có nhiều thủ tục, quy trình với cơ quan thanh tra mà các chủ thể liên quan phải đáp ứng.
Trong một lần trò chuyện với BizLIVE, lãnh đạo một công ty tài chính tiêu dùng chia sẻ: Hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm, công ty thường vấp những sự cố ngoài mong muốn và phải báo cáo, giải trình cơ quan thanh tra.
Tất nhiên việc báo cáo, giải trình tuân thủ các quy định, các bước và hồ sơ giấy tờ đầy đủ. Thế nhưng, có những sự việc phức tạp, nhiều thông tin đan xen không dễ gói gọn để báo cáo và giải trình.
“Có những sự việc chúng tôi mất khá nhiều thời gian để cán bộ thanh tra nắm được tổng thể vấn đề, từ đó để giải quyết và đưa ra kết luận. Nhưng có trường hợp, khi sắp báo cáo xong và có thể đến kết luận thì cán bộ đó lại thay đổi phòng ban, hoặc nhân sự mới thay thế… Vậy là gần như chúng tôi lại phải báo cáo, trình bày lại từ đầu. Nên có những việc khó nói vậy, khách hàng không rõ nên họ khó thông cảm”, vị lãnh đạo công ty tài chính trên cho biết.
Đó cũng là một thực tế. Những năm gần đây nhân sự ngạch thanh tra ngân hàng có nhiều thay đổi ở cấp quản lý cao, đến các vụ, cục chức năng… Độ trễ chuyển giao các vụ việc ở đây khó đong đếm cụ thể.
Trong khi đó, hàng năm, cơ quan thanh tra ngân hàng phải xử lý hàng nghìn sự việc, hàng trăm cuộc thanh tra. Nhân lực thì có hạn.
Một số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan này đã triển khai 360 cuộc thanh tra và 203 cuộc kiểm tra; đưa ra 3.434 kiến nghị, yêu cầu tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại, sai phạm; ban hành 105 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt 10.385 triệu đồng.
Vậy làm sao để công tác trên trở nên gọn, nhẹ hơn và các ngân hàng thương mại vượt ải thanh tra tốn ít thời gian hơn?
Trong một tài liệu gửi về Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Công tác giám sát ngân hàng thường xuyên được đổi mới và tăng cường trên cơ sở hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống tiêu chí giám sát nhằm nâng cao khả năng cảnh báo sớm của Ngân hàng Nhà nước đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngân hàng của các tổ chức tín dụng”.
Như vậy, một hướng xử lý được nêu ở trên là việc đổi mới công tác thanh tra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu… Đây cũng chính là những cơ sở để Ngân hàng Nhà nước 5 lần liên tiếp dẫn đầu các bộ và cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính.


MINH ĐỨC