BizLIVE – Các công ty chứng khoán đang mất phương hướng sau khi thị trường biến động tiêu cực đầy bất ổn. Biến động chỉ số sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của tiền lớn tới một số mã trụ.
Nhận định chứng khoán 12/3: Biến động phụ thuộc hết vào ý chí tiền lớn

Sẽ còn các nhịp rung lắc (Trung lập)
(Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC)
VN-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 780-800 điểm trong những phiên cuối tuần. BVSC vẫn giữ quan điểm cho rằng, thị trường có thể sẽ còn các nhịp rung lắc để kiểm định vùng hỗ trợ này thêm một vài lần nữa nhưng với việc nhiều nhóm cổ phiếu đang rơi vào trạng thái quá bán sau nhịp lao dốc mạnh trước đó có thể sẽ giúp thị trường sớm bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn từ vùng hỗ trợ trên.
Vẫn có khả năng hồi (Tăng)
(Công ty chứng khoán MB – MBS)
Tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định khi thị trường đang ở giai đoạn dao động mạnh, những phiên tăng/giảm mạnh có thể đan xen trong giai đoạn này. Nhà đầu tư nên bình tĩnh, không bán bằng mọi giá, khả năng cao thị trường sẽ có những phiên hồi kỹ thuật sau những nhịp giảm sâu. Yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư sẽ được ổn định khi chính phủ các nước sẽ nỗ lực hỗ trợ tác động kinh tế do virus Covid-19.
Khả năng giảm tiếp (Giảm)
(Công ty chứng khoán SSI-SSI)
Cầu mua khá tốt trong phiên nhưng lượng bán ra mạnh hơn khiến chỉ số Vn-Index tiếp tục xuyên qua vùng hỗ trợ ngắn hạn với KLGD tăng mạnh. Chỉ số VN-Index đã không hồi phục thêm 1 phiên nữa như SSI kỳ vọng và như vậy khả năng sẽ kiểm định vào vùng hỗ trợ dưới ở mức 777-800 điểm vào phiên kế tiếp.
Khó để dự báo (Trung lập)
(Công ty chứng khoán VNDIRECT – VND)
Rất khó để dự báo đâu là điểm dừng về mặt điểm số bởi thị trường biến động mạnh theo tâm lý và các ngưỡng hỗ trợ trở nên thiếu hiệu quả. Cách phán đoán vùng đáy khả thi là quan sát trạng thái của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn để đánh giá góc nhìn từ dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức và hiện VND vẫn chưa nhận thấy có sự cải thiện đáng kể nào.
Hồi phục ít nhất trong phiên sáng (Tăng)
(CTCP Chứng khoán Bản Việt – VCSC)
Tín hiệu kỹ thuật của thị trường không có sự thay đổi so với phiên trước đó. Cụ thể, tín hiệu ngắn hạn của tất cả các chỉ số hai sàn đều ở mức Tiêu cực; ngược lại tín hiệu trung hạn có sự phân hóa giữa HNX-Index (Tích cực) và phần còn lại (Tiêu cực). Dự báo trong phiên ngày mai, cấu trúc nến hammer tại VN30 hay Spinning top tại HNX-Index có thể thúc đẩy lực cầu ở vùng giá cao, giúp thị trường tiếp tục có sự hồi phục, ít nhất là trong phiên sáng.
Ưu tiên quan sát (Trung lập)
(CTCP Chứng Khoán Kiến Thiết Việt Nam -VNCS)
VNCS khuyến nghị quý nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát, giữ tâm lý thận trọng, và hạn chế các hành động bắt đáy trước khi có những tin tức hỗ trợ tiếp theo từ thị trường, cũng như diễn biến của dịch bệnh Covid-19. 
Đầy rủi ro (Trung lập)
(Công ty chứng khoán BOS – ART)    
Về mặt kỹ thuật, ngưỡng 800 điểm tiếp tục là ngưỡng hỗ trợ mạnh của thị trường với lực cầu bắt đáy khá tốt. Dòng tiền tiếp tục bùng nổ là cơ sở cho khả năng giữ nhịp của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, tâm lý thị trường yếu và chịu ảnh hưởng nhiều từ những thông tin bên ngoài khiến thị trường đang trong giai đoạn diễn biến khó lường. Do vậy, các quyết định đầu tư trong giai đoạn hiện tại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát thị trường. 
Vẫn xu hướng giảm (Giảm)
(CTCP Chứng Khoán Yuanta Việt Nam)
Hệ thống chỉ báo xu hướng của Yuanta vẫn duy trì mức GIẢM xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số với mức kháng cự ở mức 860,83 điểm của chỉ số VN-Index và 112,09 điểm của chỉ số HNX-Index.
Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh và ưu tiên hạ tỷ trọng cổ phiếu ở nhịp hồi phục. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư ưa thích lướt sóng T+ thì có thể xem xét mua với tỷ trọng rất thấp ở các nhịp giảm trong phiên tới.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được BizLIVE trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định. BizLIVE và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

MAI HƯƠNG