BizLIVE – Nhân sự cấp cao hay vị trí “ghế nóng” của ngân hàng luôn có sự biến động khi cơ cấu cổ đông thay đổi, hoặc người chủ ngân hàng muốn thay đổi chiến lược hoạt động nhưng “ghế nóng” lại không đồng điệu.
Tài chính 24h: Biến động nhân sự cao cấp tại hàng loạt ngân hàng

Ảnh minh họa.

Đầu năm 2020, ngân hàng lại biến động nhân sự cấp cao

Ngay đầu năm 2020, thông tin bất ngờ trên thị trường tài chính – ngân hàng là sự thay đổi vị trí Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank).
Ông Nguyễn Thanh Nhung, nguyên Tổng giám đốc Vietbank đã từ nhiệm vị trí này từ ngày 13/3/2020, theo nguyện vọng cá nhân. 
Sau hơn 6 năm gắn bó với Vietbank trên cương vị Tổng giám đốc, ông Nhung đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng Vietbank phát triển an toàn và lành mạnh từ ngân hàng nhỏ hoạt động thầm lặng trên thị trường.
Kết quả hoạt động kinh doanh gần đây nhất của Vietbank được thể hiện dưới sự lãnh đạo của ông Nhung trong năm 2019 với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. (Xem thêm)

Giá USD tiếp tục tăng mạnh

Sáng 18/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.232 VND/USD, tăng tiếp 5 đồng so với phiên liền trước.
Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.879 VND/USD (tăng 5 đồng so với phiên liền trước, tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD (không đổi).
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.929 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.535 VND/USD. (Xem thêm)

Giá vàng SJC tăng trở lại

Khảo sát lúc 10h sáng nay (18/3), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở ngưỡng 45,60 – 46,50 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng qua.
Chênh lệch giá mua vào – bán ra thu hẹp còn 900 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, đang niêm yết ở mức 45,70 – 46,30 triệu đồng/lượng. (Xem thêm)

“Ngân hàng Nhà nước có đủ năng lực, nguồn lực và các phương án cần thiết”

Từ ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm các lãi suất điều hành để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh có ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19.
Về quyết định điều chỉnh trên, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã nhận thức sâu sắc chủ trương của Chính phủ để từ đó đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi các tổ chức tín dụng sẵn sàng giảm lợi nhuận trong ngắn hạn nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. (Xem thêm)

LINH LINH