Tiền ngoại không phải nhân tố chính đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa thời gian qua. Tuy vậy, nếu dòng vốn này thiết lập được xu hướng trở lại mua ròng, đà thăng tiến của VN-Index sẽ khó có thể dừng lại.
Giai đoạn đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có lúc tưởng như sẽ phải chứng kiến bức tranh đầy u ám khi VN-Index đã xuống dưới 650 điểm vào cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, dòng vốn nội dồi dào đã đổ vào nâng đỡ thị trường hồi phục mạnh mẽ còn tín hiệu từ dòng vốn ngoại mới có sự khởi sắc khi hoạt động mua ròng chớm trở lại kể từ tháng 11/2020.
Sau các phiên mua vào đầu tháng 11, khối ngoại lại tiếp tục bán ra để chốt NAV trong các phiên cuối năm. Họ chỉ mua ròng trở lại vào đúng phiên 31/12 với giá trị giải ngân vào HOSE là 209,42 tỷ đồng trong khi vẫn bán ròng trên HNX 28,46 tỷ đồng. Năm 2020, khối ngoại bán ròng 17,84 nghìn tỷ đồng trên HOSE và HNX. 

Nếu loại đi giao dịch thỏa thuận VHM, khối ngoại đã rút ra khỏi 2 sàn gần 1,5 tỷ USD

USD XUỐNG GIÁ CÙNG NỖ LỰC CHỐNG DỊCH HIỆU QUẢ GIÚP HÚT VỐN NGOẠI TRỞ LẠI

Ông Vũ Văn Cường, Giám đốc đầu tư CTCK Everest cho biết, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ giữa tháng 11/2020, dù giá trị chưa nhiều nhưng là tín hiệu tích cực cho thấy khối này sẵn sàng việc đảo ngược từ trạng thái bán ròng sang trạng thái mua ròng.

Có nhiều lý do để dòng vốn ngoại có thể trở lại với thị trường. Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS), chỉ số USD sau khi tăng mạnh nửa đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 ở mức trên 102 đã giảm sâu trở lại vùng 93 điểm. Đây là một hiệu ứng tích cực giúp thiết lập lại xu hướng dòng vốn có thể sẽ quay trở lại thị trường mới nổi (EM) sau khi khu vực này bị rút vốn mạnh trong hơn 10 tháng qua. 

“Việc Kuwait được đưa lên thị trường mới nổi giúp cho tỷ trọng của các cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số cận biên tăng lên gần gấp đôi so với trước đây cũng là một yếu tố kích thích các dòng vốn thụ động tăng cường mua cổ phiếu Việt Nam”.

Ông Trần Bá Trung, Khối Phân tích VNDirect

Với tín hiệu sụt giảm sâu của USD Index và đà phục hồi kinh tế của nhiều nước trong khu vực thị trường mới nổi, đồng thời với đó là khả năng chống dịch tốt của một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, dòng vốn quốc tế đã bắt đầu quay trở lại mua ròng kể từ đầu tháng 11 trở lại đây. 
Còn theo ông Trần Bá Trung, Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán VNDIRECT, những diễn biến tích cực của nền kinh tế Việt nam vừa qua đã thu hút dòng vốn khối ngoại quay trở lại ở cả kênh chủ động và thụ động trong bối cảnh các nước vẫn đang trong xu hướng bơm tiền để cứu nền kinh tế và dòng vốn đầu tư tìm nơi đầu tư triển vọng nhất trong năm 2021 và ông Trung cho rằng đây sẽ là dòng vốn bền vững. Việc Kuwait được đưa lên thị trường mới nổi giúp cho tỷ trọng của các cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số cận biên tăng lên gần gấp đôi so với trước đây cũng là một yếu tố kích thích các dòng vốn thụ động tăng cường mua cổ phiếu Việt Nam.  
ETF VN DIAMOND ĐANG ĐƯỢC ƯU ÁI
Quỹ ETF VN Diamond là sản phẩm rất mới nhưng đã thu hút được dòng tiền ngoại. Theo thống kê của ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư CTCK Everest, phần lớn dòng tiền nước ngoài mua mạnh trong thời gian qua chủ yếu đến từ các quỹ ETF đặc biệt là quỹ mô phỏng theo rổ VN Diamond với quy mô tổng giá trị quỹ ở thời điểm hiện tại gần 4.700 tỷ đồng.
“Xu hướng dòng vốn vào TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn bởi trong 3 năm gần nhất, Việt Nam đã thu hút được 513,58 triệu USD”Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, MBS

Còn theo ông Trần Hoàng Sơn, trong gần nửa đầu năm 2020, dòng vốn này bị rút ròng mạnh hơn 64,64 triệu USD, tập trung ở quỹ ETF VanEck, VFMVN30 và FTSE Vietnam. Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng dòng vốn tiếp tục quay lại các quỹ ETFs nội mới thành lập như VFMVN Diamond (+64 triệu USD), Finlead (+22.50 triệu USD) là một trong những tín hiệu tích cực. Theo số liệu kể từ đầu năm 2020, các quỹ ETF đã trở lại mua ròng 60,8 triệu USD.  

kngoai153 ered

Nguồn MBS.
Và về dài hạn, ông Sơn cho rằng xu hướng dòng vốn vào TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn bởi trong 3 năm gần nhất, Việt Nam đã thu hút được 513,58 triệu USD.
CÂU CHUYỆN TRƯỚC NÂNG HẠNG VẪN SẼ ĐỘNG LỰC CHO TIỀN NGOẠI

Theo các chuyên gia, câu chuyện nâng hạng thị trường thực tế không hề mới và thường rộ lên trước mỗi kỳ xếp hạng của MSCI và FTSE. Hiện Việt Nam đã đáp ứng được hầu hết các tiêu chí định lượng và sẽ cần hoàn thiện các tiêu chí định tính để được nâng hạng. 

Theo ông Trần Hoàng Sơn, có 3 vấn đề chính đang cần giải quyết. Thứ nhất, mở rộng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) nhưng không phải rào cản lớn nhất đối với triển vọng nâng hạng của Việt Nam. Một quốc gia vẫn có khả năng được nâng hạng chỉ với 3 cổ phiếu thỏa mãn các điều kiện về vốn hóa và thanh khoản. Bên cạnh đó, có những biện pháp thay thế khác cải thiện vấn đề này như: Cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVS), chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR)…
Thứ hai, vấn đề khó hơn là cơ chế thanh toán DvP (Delivery versus payment), không yêu cầu ký quỹ thanh toán (pre-fund trades). Các nhà quản lý quỹ nước ngoài không thể nắm giữ ngoại tệ trong danh mục do đó yêu cầu ký quỹ thanh toán để mua cổ phiếu là một điểm trừ cho tiêu chí vận hành thị trường. Dự kiến hạ tỷ lệ ký quỹ thanh toán từ 100% xuống 10-20% của VSD được kỳ vọng sẽ cải thiện đánh giá của các NĐTNN cho tiêu chí này.
Cuối cùng là việc cấu trúc tài khoản tổng (omnibus account), cho phép đại diện các quỹ đầu tư nước ngoài được giao dịch đồng thời cho nhiều tài khoản ẩn danh. Cấu trúc tài khoản tổng đã trở thành một điều kiện nâng hạng đối với trường hợp của Kuwait, trong khi các quốc gia được nâng hạng trước đây như UAE, Qatar và Arab Saudi không cần điều kiện này.
Với những vấn vướng mắc còn lại cho nâng hạng, ông Sơn dự báo Việt Nam chính thức được vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE vào tháng 3/2022 trong khi đó MSCI đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ tháng 6/2022.
Dự báo của ông Trần Bá Trung, CTCK VNDIRECT, Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI vào tháng 5/2023. Nếu Việt Nam hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong nửa đầu năm 2021, VNDIRECT cho rằng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021. Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ review thị trường thường niên của MSCI vào tháng 5/2022, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó vào tháng 6/2023. 
Với FTSE, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên Thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường vào tháng 9/2021.
Dù vậy, một vấn đề mà cơ quản lý và nhà đầu tư cũng đang rất quan tâm là tính biến động của dòng vốn ngoại khi nâng hạng. Dòng vốn ngoại đổ đã giúp cho nhiều chỉ số tăng rất ấn tượng nhưng cũng đều có sự thoái lui kéo theo sự suy giảm hậu nâng hạng.
 

 Nguồn MBS.

Điển hình như thị trường chứng khoán Saudi Arabia đã có lúc tăng tới hơn 100% hay như Pakistan và UAE cũng tăng hơn 90%. Các thị trường này đều phải chứng kiến sự điều chỉnh làm giảm đi thành quả trước đó.

Tuy nhiên, trước mắt, câu chuyện nâng hạng vẫn còn nguyên giá trị, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ còn dư địa để tăng. Mức kỳ vọng 1.800 điểm của quỹ đầu tư Phần Lan Pyn Elite liên tục đưa ra trong thư gửi nhà đầu tư có lẽ không phải điều không có tính khả thi.


MAI HƯƠNG