Đã hơn 7 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực, yêu cầu đủ vốn đáp ứng Basel II tại nhiều ngân hàng vẫn còn chật vật.

Trước áp lực Basel II, nhiều ngân hàng chật vật tăng vốn

Ảnh minh họa.

Câu chuyện tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng chuẩn Basel II đã được nhiều ngân hàng lớn, nhỏ lên kế hoạch trong những năm gần đây. Áp lực này càng trở nên cấp thiết, không chỉ với cạnh tranh mở rộng hoạt động mà còn phải đáp ứng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đã quy định.
Thông tư 41 (áp dụng Basel II – phương pháp tiêu chuẩn) đã có hiệu lực từ 01/01/2020. Đáng lưu ý, Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện về mặt thời gian, ấn định lộ trình sau hai năm kể từ khi ban hành thông tư này để các ngân hàng chuẩn bị.
Nhưng, đến nay vẫn nhiều thành viên chưa đáp ứng được. Trong đó, tăng vốn để đáp ứng yêu cầu đủ vốn theo Basel II là một khó khăn.
VƯỢT KHÓ TRONG ĐẠI DỊCH
Trong chuyển động mới nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa hối thúc các ngân hàng trong nhóm “Big 4” khẩn trương lên kế hoạch tăng vốn, qua phối hợp với các đầu mối cơ quan chức năng. Bộ Tài chính cũng đang lên kế hoạch dự thảo nghị định sửa đổi cơ chế liên quan.
Tuy vậy, giữa mong muốn, dự tính và kế hoạch cho đến cụ thể hóa dự kiến vẫn còn một quãng thời gian rất dài. Bởi từ xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi cơ chế, đến tổ chức lấy ý kiến, được thông qua rồi ban hành, thời điểm có hiệu lực… đòi hỏi quy trình nhiều thời gian.
Trong khi đó, ở các ngân hàng tầm trung và nhỏ, việc cấp phép tăng vốn cũng được NHNN liên tục phê chuẩn. Tuy nhiên, việc tăng vốn là điều không dễ dàng đối với các ngân hàng nhỏ trong nhiều năm qua, và hiện tại càng khó khăn hơn trong bối cảnh thị trường và các dòng vốn chịu ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch Covid-19.
Dù vậy, NHNN vừa chấp thuận cho hàng loạt ngân hàng được tăng vốn điều lệ. Cụ thể, Ngân hàng Á Châu (ACB) được tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên 21.615 đồng; Ngân hàng Bắc Á (BacA Bank) tăng từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng; VIB từ 9.245 tỷ đồng lên 11.094 tỷ đồng; SeABank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng… Trong đó, đáng chú ý là việc tăng vốn của các ngân hàng nhỏ.
Với BacA Bank, việc tăng điều lệ từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua tại kỳ họp cổ đông thường niên 2020.
Nam A Bank cũng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu chào bán riêng lẻ tăng vốn theo phương án đã được ĐHĐCĐ thông qua tại kỳ họp cổ đông thường niên 2020. Ngoài tăng vốn, Nam A Bank còn đặt mục tiêu niêm trên yết sàn HOSE và kỳ vọng thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài để tăng vốn.
Tương tự, sau nhiều năm lỡ hẹn cuối cùng Ngân hàng Việt Á (VietA Bank) cũng được NHNN chấp thuận cho tăng vốn từ gần 3.500 tỷ đồng lên hơn 5.000 tỷ đồng.
Điểm chung trong kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng năm nay là từ chia cổ tức bằng cổ phiếu. NHNN cũng đã quy định cụ thể việc “cấm” trả cổ tức bằng tiền mặt trong bối cảnh phải đối phó với tác động của Covid-19.
Trong khi đó, năm nay hệ thống ghi nhận một số thành viên không tiến hành chi trả cổ tức, và qua đó không tăng vốn điều lệ, như trường hợp Techcombank, VPBank…
CHIỀU HƯỚNG KHÓ KHĂN CÒN KÉO DÀI…
Không chỉ nhóm “Big 4” vướng cơ chế, mặc dù lên kế hoạch và mục tiêu nhưng việc tăng vốn của các ngân hàng tầm trung và nhỏ vẫn khá chật vật những năm qua và cho đến nay.
Tại BacA Bank, kể từ sau khi nâng mức vốn điều lệ bằng vốn pháp định lên mức 3.000 tỷ đồng vào năm 2010, đến 2014 ngân hàng này mới tăng lên được 3.700 tỷ đồng.
Vốn điều lệ sau đó được tăng “nhỏ giọt” từng bước, đến cuối năm 2019 mới lên được mức 6.500 tỷ đồng thông qua phát hành 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Năm nay, như trên, NHNN đã chấp thuận bước tăng tiếp theo với kế hoạch vượt mốc 7.000 tỷ đồng.
Với Nam A Bank, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng vốn từ 3.353 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019, tuy nhiên chỉ thực hiện tăng vốn đợt 1 lên 3.890 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức.
Đầu năm 2020, Nam A Bank được NHNN cấp phép tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, nhưng dự kiến trong quý III/2020 mới hoàn tất.  
Sau khi hoàn tất kế hoạch trên, Nam A Bank sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng với phương án dự kiến là phát hành 57 triệu cổ phiếu chia cổ tức 14,65%; 143 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ. Thời gian phát hành cụ thể sẽ do HĐQT ngân hàng quyết định sau khi được NHNN và UBCKNN chấp thuận phương án phát hành.
Tại VietABank, ngân hàng này vừa công bố hoàn tất đợt chào bán gần 93,4 triệu cổ phiếu ra công chúng (trong tổng số 150,5 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu) thu về gần 974 tỷ đồng để tăng vốn, nâng mức vốn điều lệ lên 4.473 tỷ đồng. Ngân hàng này sẽ phải tiếp tục thực hiện việc chào bán 57 triệu cổ phiếu còn lại để tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng.
Viet A Bank cũng một trong những trường hợp chật vật nhất trong khả năng tăng được vốn; kế hoạch được cổ đông thông qua từ năm 2013, nhưng mãi đến nay mới thực hiện được. 
Tương tự, ngân hàng Saigonbank cũng đã được NHNN chấp thuận kế hoạch tăng vốn từ mức hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng từ giữa năm 2014, song đến nay vẫn chưa thể triển khai. 
Nguyên nhân do hoạt động của Saigonbank những năm qua kém hiệu quả, nợ xấu tăng và áp lực thoái vốn của các cổ đông lớn như: Vietcombank, VietinBank…
Sau nhiều năm tự tái cơ cấu bằng chính nội lực, Saigonbank vẫn chưa có được sức bật mới, trong đó cả với kế hoạch tăng vốn cũng không thể triển khai. Vì vậy, cho tới nay, vốn điều lệ của Saigonbank chỉ nhỉnh hơn mức vốn pháp định 3.080 tỷ đồng.
Trước đại dịch Covid-19, việc tăng vốn tại nhiều ngân hàng thương mại như trên đã khó khăn, nay triển vọng sẽ tiếp tục chật vật hơn. Trong khi đó, việc chưa đáp ứng được Basel II theo yêu cầu của NHNN (các tiêu chuẩn trong Thông tư 41) sẽ khiến họ càng khó mở rộng, phát triển hoạt động, khi mà áp lực cạnh tranh với các thành viên khá đã xong Basel II, hoặc đã tăng mạnh được vốn sẽ càng lớn.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn hơn 1/3 các ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được Basel II, Thông tư 41. “Vùng khó khăn” này dự kiến sẽ tiếp tục khó khăn khi mà ảnh hưởng bất lợi của Covid-19 đang có chiều hướng kéo dài.



HỒNG VINH