34.7 C
Ho Chi Minh City
Thứ Bảy, 27/04/2024

HomeThời SựChuyến công tác đặc biệt của Chủ tịch nước tại Liên Hợp...

Chuyến công tác đặc biệt của Chủ tịch nước tại Liên Hợp Quốc

1093

Chuyến công tác của Chủ tịch nước tại Liên Hợp Quốc diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam kỷ niệm 44 năm gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh (20.9.1977 – 20.9.2021).

44 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc

Từ ngày 21 đến 24.9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76. Chuyến công tác diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam kỷ niệm 44 năm gia nhập Liên Hợp Quốc.

44 năm qua, Việt Nam đã “trưởng thành” từ thành viên tham dự để trở thành đối tác mạnh mẽ, tin cậy của Liên Hợp Quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.

9h sáng ngày 20.9.1977, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Lễ thượng cờ Việt Nam được diễn ra theo nghi lễ gia nhập thành viên của Liên Hợp Quốc.

Ngày 20.9.1977, Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên Hợp Quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 20.9.1977, Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên Hợp Quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đây là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ.

Quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên Hợp Quốc trong 44 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của ta, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè và tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước. 

Mặt khác, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc, trong đó có đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên Hợp Quốc về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.

Việt Nam được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên Hợp Quốc, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên Hợp Quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên Hợp Quốc ở cấp độ quốc gia.

Đóng góp chủ động, tích cực

Xác định Liên Hợp Quốc là diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới, đồng thời luôn coi trọng và mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Hợp Quốc, Việt Nam ngày càng tích cực, chủ động gia nhập và có những đóng góp thực chất, hiệu quả đối với các thể chế của tổ chức này.

Việt Nam đã và đang đảm nhiệm hai lần vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2008-2009; 2020-2021). Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của Liên Hợp Quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý tuyên thệ trước Hiến chương Liên Hợp Quốc tại Lễ thượng cờ của 5 nước ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, bao gồm Estonia, Niger, Saint Vincent & Grenadines, Tunisia và Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý tuyên thệ trước Hiến chương Liên Hợp Quốc tại Lễ thượng cờ của 5 nước ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, bao gồm Estonia, Niger, Saint Vincent & Grenadines, Tunisia và Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trên cơ quan điểm đối ngoại chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” đến “tham gia định hình luật chơi”, Việt Nam đã tích cực ứng cử, tham gia một cách thực chất hơn vào các cơ quan chấp hành của các tổ chức phát triển lớn của Liên Hợp Quốc, từng bước tham gia vào các vị trí điều hành của các cơ quan này, như giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1997, Chủ tịch Đại hội đồng FAO, Phó Chủ tịch Hội đồng Chấp hành tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc/Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc…

Những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc như: Hội đồng Kinh tế và Xã hội (1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021)…

Đặc biệt, ngày 7.12.2020, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 đã thông qua Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua, lấy ngày 27.12 hàng năm là “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh”. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng khi đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì đề xuất thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công một nghị quyết tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong việc tham gia có trách nhiệm vào công việc chung của Liên Hợp Quốc và thúc đẩy các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm.

Trong 44 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc ý nghĩa to lớn từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hợp tác Việt Nam – Liên Hợp Quốc đạt kết quả tốt và có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên Hợp Quốc trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên Hợp Quốc trong thời kỳ mới.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến