29.5 C
Ho Chi Minh City
Thứ Ba, 07/05/2024

HomeThời SựĐể không còn lăn tăn chuyện “đường sữa - cuốc xẻng”

Để không còn lăn tăn chuyện “đường sữa – cuốc xẻng”

1151

Đã có lúc, khi nói về câu chuyện khen thưởng người ta hay buông câu “Đường sữa từ trên xuống/cuốc xẻng từ dưới lên”.

“Đường sữa” –  có thể hiểu là những thứ ngon ngọt, bổ dưỡng, tốt lành; còn “cuốc xẻng” là các dụng cụ dành cho hoạt động lao động chân tay nặng nhọc. Câu: “Đường sữa từ trên xuống” thường gắn với việc biểu dương, khen thưởng, ghi nhận công lao, thành tích của một tổ chức hay cá nhân nào đó. Và khi đề xuất trao Bằng khen, Giấy khen hay bất cứ một hình thức “đường sữa” nào đó, người ta thường tuân theo một cái lệ từ  trên xuống dưới, cấp trưởng trước, cấp phó sau rồi mới đến hàng lãnh đạo phòng, ban, cuối cùng mới đến hàng nhân viên. 

Hiện nay hoạt động thi đua, khen thưởng đã được cụ thể hoá bằng Luật.

Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng khi đi vào đời sống cũng gặp những vấn đề ở một số nơi, một số chỗ. Đó là việc khen thưởng thường hướng vào đội ngũ lãnh đạo quản lý hoặc cách đánh giá còn thiếu khách quan, công tâm. Luật vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập, như: Tiêu chí xét tặng, thẩm quyền và việc công nhận danh hiệu thi đua có điểm chưa thống nhất; quy định đối tượng, tiêu chuẩn của một số hình thức khen thưởng còn chưa cụ thể, khó áp dụng; chưa thực sự chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác và khen thưởng tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo…

Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây đã rõ: Đó là việc khen thưởng phải hướng về cơ sở, mở rộng đối tượng khen thưởng là công nhân, người lao động.

Tinh thần này đã được bàn bạc nhiều tại thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) diễn ra ngày hôm qua, 28.10.

Giải trình vấn đề các đại biểu nêu xung quanh Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, 

Giải trình về những nội dung các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi lần này có diện bao phủ rất rộng, cả hệ thống chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, tập thể, cá nhân, gia đình người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nguyên tắc đầu tiên Ban soạn thảo đã quán triệt rất rõ và thể hiện đồng bộ, đó là phải đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hợp lý, công bằng, bình đẳng, khoa học, thực tiễn và tạo ra tâm lực mới cho thi đua, khen thưởng.

Dự thảo lân này hướng mạnh hơn về khu vực ngoài nhà nước và khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, nhất là đối tượng là công nhân, nông dân, doanh nghiệp, doanh nhân trí thức, nhà khoa học… Đặc biệt là hướng về cơ sở để khen thưởng cho các tập thể cơ sở và chú trọng hơn tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Rõ ràng, để tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển, không cách nào hơn công tác thi đua, khen thưởng phải công tâm khách quan, đánh giá kết quả công tác của mỗi cá nhân đúng theo những gì mà họ xứng đáng. Việc tôn vinh đúng người, khen đúng việc không chỉ mang lại động lực cho từng cá nhân mà sẽ tạo ra cú hích mạnh  mẽ cho phong trào thi đua của đơn vị, doanh nghiệp. Để không còn lăn tăn “Đường sữa từ trên xuống/cuốc xẻng từ dưới lên”.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến