28.3 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 26/04/2024

HomeKhác'Nàng Ốc' và những sản phẩm thay đổi số phận

‘Nàng Ốc’ và những sản phẩm thay đổi số phận

1173

Chị Trần Thị Ngọc Hiếu, một người khuyết tật bẩm sinh vươn lên bằng nghị lực vượt khó, tạo cho mình nghề làm tranh, sản phẩm thủ công từ các loại vỏ ốc, được mọi người thương mến đặt cho biệt danh “Nàng Ốc”.

Năm 2015, sau gần 7 năm gắn bó với công việc làm tranh đá quý, chị Hiếu muốn tạo ra một hướng đi mới từ nghề cơ bản có sẵn, cũng để thỏa sức sáng tạo của mình. Từ một cơ duyên, chị bắt gặp những vỏ ốc mang nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau nằm khắp nơi trên bãi biển, từ đó, ý tưởng tạo ra những sản phẩm từ loại nguyên liệu thiên nhiên này ra đời.

Dù đôi tay yếu ớt nhưng sau nhiều cố gắng, chị đã dần quen với công việc yêu thích của mình. Ảnh: Vĩnh Hy.

Dù đôi tay yếu ớt nhưng sau nhiều cố gắng, chị đã dần quen với công việc yêu thích của mình. Ảnh: Vĩnh Hy.

Chị Hiếu cho biết: “Tôi nhận thấy những vỏ ốc là vật liệu gắn liền với thiên nhiên, khi làm những sản phẩm từ vỏ ốc, tôi có cảm giác như được thoát ra khỏi vỏ ốc của đời mình. Từ khi sinh ra, tôi đã kém may mắn hơn mọi người nên cần cố gắng hơn để thay đổi số phận mình”.

Với một bàn tay yếu ớt, đôi chân di chuyển khó khăn do dị tật bẩm sinh nhưng qua thời gian, với nỗ lực không ngừng nghỉ, giờ đây chị có thể dễ dàng tạo nên những “đứa con” tâm huyết của mình. Qua từng sản phẩm, chị Hiếu cũng gửi vào đó tâm tư, nghị lực đến mọi người. Theo chị, những vỏ ốc được ví như góc khuất trong cuộc đời mỗi người, quan trọng họ có thoát khỏi lớp vỏ ấy hay không.

Từ bàn tay này, những đứa con mang đầy sức sống của chị Hiếu ra đời. Ảnh: Vĩnh Hy

Từ bàn tay này, những đứa con mang đầy sức sống của chị Hiếu ra đời. Ảnh: Vĩnh Hy

“Không ai không có vỏ ốc của riêng mình với những tự ti, mặc cảm…, nhưng quan trọng là họ có thoát ra được không. Như tôi, cũng vượt qua số phận khắc nghiệt và muốn chia sẻ đến mọi người thông qua những đứa con của mình”, chị chia sẻ.

Từ những ngày đầu làm sản phẩm từ vật liệu này, với sự khó khăn vì cơ thể thiếu may mắn như người bình thường, không có người hướng dẫn, phải tự mày mò, sáng tạo một mình nhưng chị đã vượt qua và xem đó là cơ hội để khẳng định mình.

Chị Hiếu bên đứa con tinh thần của mình. Ảnh: Vĩnh Hy

Chị Hiếu bên đứa con tinh thần của mình. Ảnh: Vĩnh Hy

Chị cũng thường xuyên dạy nghề cho những bạn kém may mắn giống mình, mong muốn phát triển hơn loại hình này và cũng tạo công ăn việc làm cho các bạn.

Những sản phẩm được chị lên ý tưởng, thiết kế theo cách riêng của mình. Trước đây, chủ yếu chị tạo ra những bức tranh treo tường nhưng do nhu cầu của khách hàng, những sản phẩm khác như bình hoa, hộp quà, đồ lưu niệm, khung hình… cũng được ra đời.

e068da98a4b46aea33a5
5bdd0f966ebaa0e4f9ab 1544
Một số sản phẩm từ đôi bàn tay của cô gái khuyết tật. Ảnh: Vĩnh Hy

Một số sản phẩm từ đôi bàn tay của cô gái khuyết tật. Ảnh: Vĩnh Hy

“Những sản phẩm như đứa con tinh thần của mình nên mình làm hết năng suất và lúc nào cũng trong tâm trạng rất vui, rất hy vọng. Mình làm nó với tình cảm thật và mong sẽ chạm đến mọi người bằng cái đẹp, cái tự nhiên vốn có của nó”, chị Hiếu tâm sự.  

Bình quân một thành phẩm được hoàn thiện từ 2 đến 3 ngày cho mọi công đoạn, với mức giá từ hơn 100.000 đồng đến hơn vài triệu đồng cho từng loại sản phẩm.

Về nguồn nguyên vật liệu vỏ ốc, chị thường chọn những vỏ ốc được sóng biển trôi dạt vào bờ và nhờ những người dân gom lại bán cho mình, qua đó cũng tạo được thu nhập cho những người dân sống ven biển. Sau khi mang về, các loại vỏ ốc được làm sạch và không dùng hóa chất để tạo màu hay tẩy trắng vì chị muốn giữ nguyên màu sắc của chúng.

Những vỏ ốc được làm sạch và phân loại để thực hiện. Ảnh: Vĩnh Hy

Những vỏ ốc được làm sạch và phân loại để thực hiện. Ảnh: Vĩnh Hy

Những sản phẩm của chị không chỉ được ưa chuộng, tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang một số quốc gia khác như Úc, Anh, Mỹ; số lượng đơn hàng được đặt giao cũng khá nhiều. Những sản phẩm của chị nhận được nhiều lời khen từ mọi người.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, chị đã làm tác phẩm “Trái tim hòa bình” tặng cho bộ đội biên phòng để bán đấu giá gây quỹ phòng, chống dịch, đây là một trong những kỷ niệm mà chị trân quý nhất: “Khi bức tranh được bán đấu giá để gây quỹ, mình rất vui vì đã góp chút sức để chung tay cùng chống dịch”.

Từ những khó khăn về khiếm khuyết bản thân, chị đã thay đổi cuộc đời mình sang một bước ngoặt mới, khởi sắc hơn và tạo thêm nhiều động lực cho những người kém may mắn cùng nỗ lực phấn đấu.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến