37.3 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 26/04/2024

HomeThông Cáo Báo ChíThông tin nổi bật về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh...

Thông tin nổi bật về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế – xã hội tại TPHCM ngày 11/8

1100

Tham dự có Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú; Chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo Hồ Tấn Minh; Chánh văn phòng Sở Văn hoá Thể thao Ngô Lâm Hoàng Anh; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như; Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở TM-MT Trần Nguyên Hiền; Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà; Phó Trưởng phòng Kế hoạch và đầu Tư Sở GTVT Trần Quang Vĩnh An;… cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HUYỀN MAI 
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HUYỀN MAI 

Khuyến khích người dân đi làm CCCD gắn chip để thay thế sổ hộ khẩu

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thu hồi sổ hộ khẩu của người dân, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP (CATP) cho biết, qua thống kê của CATP, thực hiện Thông tư 55/2021 của Bộ Công an, từ ngày 1/7/2021 đến nay, CATP đã giải quyết 56.586 hồ sơ đăng ký thường trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu và thu hồi số sổ hộ khẩu này theo quy định.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, CCCD gắn chip có thể thay thế sổ hộ khẩu khi đi làm thủ tục hành chính. 
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, CCCD gắn chip có thể thay thế sổ hộ khẩu khi đi làm thủ tục hành chính. 

Đồng thời, CATP giải quyết cấp giấy xác nhận về cư trú cho 32.417 trường hợp. Ông Hà khẳng định, thủ tục này được giải quyết cho công dân khá thuận lợi. Khi có CCCD gắn chip, đây là giấy tờ pháp lý duy nhất về cư trú để đi làm thủ tục hành chính và không phải xin thêm giấy xác nhận nào khác.

Chính vì vậy, “CATP mong muốn người dân đi làm CCCD gắn chip để sử dụng và cũng tham gia ủng hộ lực lượng Công an, trong đó có CATP hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Hà nhấn mạnh.

Thu hồi, tạm ngưng hoạt động 12 doanh nghiệp vi phạm hoạt động viễn thông 

hó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Từ Lương trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: THÀNH NHÂN
Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Từ Lương trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: THÀNH NHÂN

Về tình hình xử phạt các cuộc gọi, tin nhắn rác trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Từ Lương cho biết, trong 7 tháng đầu năm, Sở đã xử lý hành chính đối với 2 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 15 triệu đồng. Các trường hợp bị lập biên bản với hành vi lợi dụng, sử dụng dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông, cung cấp thông tin có nội dung không đúng quy định, đòi nợ, quấy rối, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức và cá nhân.

Cùng với đó, Sở đã thu hồi, tạm ngừng hoạt động đối với 12 doanh nghiệp; ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông của 17 thuê bao di động.

Trước tình trạng đòi nợ, quấy rối người không có nghĩa vụ trả nợ gia tăng, trong thời gian tới, Sở Thông tin – Truyền thông tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện đúng quy định tham gia cung cấp thông tin trên không gian mạng; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài nhằm kịp thời xử lý hành vi vi phạm; tiếp tục phối hợp cùng Bộ Thông tin – Truyền thông, Công an TP để thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

TPHCM triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án y tế thông minh

Thông tin với báo chí về kết quả thực hiện “Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021 – 2025”, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao, ngành y tế TP đã thực hiện nhiều giải pháp.

Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cung cấp thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: HUYỀN MAI 
Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cung cấp thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: HUYỀN MAI 

Cụ thể, TP triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân thành phố. Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng thêm các tiện ích cho người bệnh tại các bệnh viện như: ứng dụng “Tra cứu nơi khám, chữa bệnh”; ứng dụng “Y tế trực tuyến”; ứng dụng “teleconsultation” kết nối bác sĩ trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện thành phố; …

Bên cạnh đó, triển khai ki-ốt “Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh”; ki-ốt tự đăng ký khám bệnh, tự tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám trực tuyến; phẫu thuật Robot ngoại tổng quát Da Vinci (1.572 BN) tại Bệnh viện Bình Dân;…

Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành y tế đã áp dụng hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19; hệ thống khai báo y tế điện tử trên điện thoại thông minh qua QR code; chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà.

Liên quan đến 2 vụ việc hành hung bác sĩ diễn ra ngày 27/7 và 6/8 tại khoa Cấp cứu bệnh viện Nhân dân Gia Định, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho hay, chiều ngày 10/8, lãnh đạo Sở đã có buổi làm việc với bệnh viện Nhân dân Gia Định, đại diện Ban Chỉ huy Công an quận Bình Thạnh.

Tại cuộc họp, Phó Trưởng Công an quận Bình Thạnh cho biết, lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ 2 vụ việc nêu trên, khi đủ chứng cứ sẽ khởi tố vụ án để xử lý nghiêm minh đúng theo quy định pháp luật.

TPHCM đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia giảng dạy

Thông tin về tình hình chuẩn bị năm học mới 2022-2023, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hồ Tấn Minh cho biết, năm học này, toàn TP tăng 21.825 học sinh, gồm: 15.282 công lập và 6.543 ngoài công lập. Nhìn chung, số học sinh tăng nhiều ở cấp tiểu học, tập trung tại Thành phố Thủ Đức và một số quận, huyện như: quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn – những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hồ Tấn Minh chia sẻ về giải pháp linh động trong điều kiện thiếu giáo viên. Ảnh: HUYỀN MAI
Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hồ Tấn Minh chia sẻ về giải pháp linh động trong điều kiện thiếu giáo viên. Ảnh: HUYỀN MAI

Về tình hình tuyển dụng giáo viên, ông Minh cho biết, nhu cầu tuyển dụng giáo viên năm học này ở khối mầm non là 892; tiểu học: 2355; THCS: 1698; THPT: 296. Hiện TP đang trong giai đoạn tuyển. Tuy nhiên, để triển khai chương trình phổ thông 2018, việc tuyển giáo viên ở một số môn học rất khó khăn. Đặc biệt là thiếu giáo viên môn tiếng Anh, Tin học cho các quận, huyện ở xa như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ…

Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên các trường trung học phổ thông thực hiện chương trình phổ thông 2018 đối với khối lớp 10. Vấn đề đáng chú ý là thiếu giáo viên nhóm môn Mỹ thuật. Hiện Sở đang phối hợp các các Trường ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Sài Gòn… đặt hàng nguồn giáo viên. Nhưng giải pháp trước mắt là đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các anh chị em nghệ sĩ, nghệ nhân có trình độ ĐH để cùng tham gia giảng dạy các môn nghệ thuật.

“Đến thời điểm này, ngành GD TP đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ bản cho năm học 2022-2023 diễn ra. Sáng 12/8, Bộ tổng kết năm học, triển khai nhiệm vụ năm học mới. Sau đó Sở sẽ bắt đầu triển khai nhiệm vụ cụ thể trọng tâm”, ông Minh cho biết.

Huỳnh Nhung – Huyền Mai

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến