28.2 C
Ho Chi Minh City
Chủ Nhật, 28/04/2024

HomeCông Nghệ - XeBước tiến vượt bậc của Thổ Nhĩ Kỳ trong sản xuất vũ...

Bước tiến vượt bậc của Thổ Nhĩ Kỳ trong sản xuất vũ khí

1109

Cách đây gần 20 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã muốn đặt mua 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 từ các tập đoàn quốc phòng Krauss-Maffei Wegmann (KMW) và Rheinmetall của Đức. Tuy nhiên, thương vụ này đã không thể thực hiện được.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan quyết định rằng nước này cần phải tự chủ về vũ khí để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh.

leftcenterrightdel
xe20tang 1
 Xe tăng chiến đấu chủ lực Altay do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: Anadolu Agency

Trong những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn hướng tới mục tiêunày thông qua các khoản đầu tư rất lớn. Ví dụ, trong năm 2021, Ankara đã đầu tư cho lĩnh vực quốc phòng với mức 2,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số này vượt quá mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thậm chí, mức chi cho quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều hơn đáng kể so với các quốc gia châu Âu trong liên minh quân sự này.

Cho đến nay, ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước tiến vượt bậc. Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, hai nhà sản xuất vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ là Aselsan và Turkish Aerospace Industries (TAI) được xếp vào danh sách 100 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới. Một loạt vũ khí quan trọng như máy bay không người lái (UAV), máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo phòng không và tàu chiến lần lượt được phát triển và sản xuất tại nước này. Tổng thống Erdogan đã thông báo rằng sẽ sớm cung cấp số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực Altay cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã gặt hái được những thành công lớn trên thị trường vũ khí quốc tế. Quân đội các nước đánh giá cao UAV Bayraktar TB2 do Công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Gần đây, Công ty này cũng thử nghiệm chuyến bay đầu tiên của UAV Kizilelma. Loại vũ khí này được cho là có thể hạ cánh trên tàu chiến và sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tham vọng tham gia thị trường cung cấp máy bay chiến đấu trong tương lai. Dự kiến, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 TF-X do nước này sản xuất sẽ được giới thiệu lần đầu tiên với công chúng thế giới vào tháng 3 tới.

Để chính thức đưa vào sử dụng, vẫn cần thêm thời gian thử nghiệm loại máy bay chiến đấu này. Die Welt nhận định, việc bị loại khỏi chương trình chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của NATO sau động thái mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ càng quyết tâm thúc đẩy chương trình phát triển máy bay chiến đấu của riêng mình. Bên cạnh đó, TF-X cũng là minh chứng cho thấy nỗ lực của Ankara trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại.

Theo Tổng thống Erdogan, năm 2023 là thời điểm lý tưởng cho những thông báo lớn. Ông Erdogan muốn cho thế giới và người dân nước mình thấy rằng, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây là một cường quốc công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia thành viên khác trong NATO có những rạn nứt vì một số vấn đề, ngành công nghiệp quốc phòng nước này không tránh khỏi việc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bởi lẽ, không phải mọi thứ Ankara đều có thể tự sản xuất được. Nước này đang phải nhập khẩu nhiều bộ phận quan trọng của vũ khí từ các nhà cung cấp nước ngoài. Đơn cử như các xe tăng chiến đấu chủ lực Altay được trang bị động cơ nhập khẩu từ Hàn Quốc. Khi Đức hay Mỹ không cung cấp bất kỳ công nghệ quan trọng nào cho các dự án vũ khí mới của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan phải nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung cấp linh kiện khác.

LÂM ANH

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến