Gần tết, nhiều người dùng phản ánh việc có một trang web giả mạo Lazada, sau đó mua quảng cáo trên Facebook để bán điện thoại với giá một nửa.
Mạo danh Lazada bán Samsung Galaxy A9 giá rẻ một nửa

Mẩu quảng cáo mạo danh Lazada trên Facebook.
Gần đây, nhiều mẩu quảng cáo bán điện thoại từ Lazada xuất hiện trên mạng xã hội Facebook với giá thấp khó tin. Ví dụ, mẫu điện thoại Samsung Galaxy A9 được quảng cáo với giá 3 triệu đồng, rẻ hơn một nửa so với giá thị trường.
Mẩu quảng cáo này được mua bởi trang Lazada_Mua sắm thả ga, một website nhái sàn thuơng mại điện tử Lazada.
“Trang này đầu tư hình ảnh, chạy quảng cáo kiểu gian hàng, thiết kế không khác gì Lazada. Người dùng nếu thiếu cảnh giác có thể hiểu nhầm đây là sản phẩm của Lazada và dính bẫy”, Mai Thanh Phú, chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo Facebook tại TP.HCM chia sẻ.
Khi bấm vào mẩu quảng cáo, người dùng sẽ được dẫn đến trang web giống hệt sàn thương mại Lazada. Tuy vậy, nếu để ý, người dùng sẽ phát hiện liên kết của trang này không phải Lazada.vn.
Mao danh Lazada ban Samsung Galaxy A9 gia re mot nua hinh anh 2 6c63bd882285dadb8394.jpg
Trang web được thiết kế không khác gì sàn thương mại điện tử Lazada.
Phóng viên đã thử điền thông tin gồm tên, địa chỉ, số điện thoại vào trang web trên. Sau 30 phút, một người tự nhận là nhân viên Lazada gọi để xác nhận đơn hàng.
Trong cuộc gọi người này khẳng định là nhân viên của Lazada và yêu cầu người dùng khi nhận được hàng phải thanh toán sau đó mới khui hàng.
“Máy được bảo hành bởi Lazada và Thế giới di động nên anh cứ yên tâm sử dụng. Bên em cho đổi trả trong 30 ngày đầu”, người tự nhận là nhân viên Lazada nói qua điện thoại.
Tuy vậy, khi kiểm tra ứng dụng Lazada, không có bất cứ đơn hàng nào liên quan đến mẫu điện thoại này. Theo một diễn đàn chuyên về bán hàng trực tuyến, đây là chiêu lừa đảo có từ lâu nhưng giờ đây được thực hiện trên nền tảng Facebook.
Mao danh Lazada ban Samsung Galaxy A9 gia re mot nua hinh anh 3 Screenshot_126.jpg
Đặt hàng đồ điện tử nhưng người dùng chỉ nhận được cục gỗ.
Chiêu trò lừa đảo này đã được áp dụng từ sau khi Lazada, Shopee thông báo không đồng kiểm hàng khi giao. Các shop lừa đảo thường dựa vào lý do sàn thương mại không cho kiểm hàng. Nếu có hư hao hay không đúng hàng, Lazada sẽ đứng ra giải quyết.
Việc này được các shop lừa đảo sử dụng nhuần nhuyễn theo công thức: hủy đơn > giao hàng không thông qua Lazada/Shopee > nhận tiền > nếu có sự cố thì yêu cầu khách liên hệ Lazada/Shopee và chối bỏ trách nhiệm.
“Nhờ công thức này mà các shop bán hàng giả, nhái, lừa đảo trên Lazada tha hồ phóng đại, quảng cáo lố, đặt giá sốc các sản phẩm bởi họ sẽ không phải chịu trách nhiệm. iPhone nhái họ có thể thoải mái nói là chính hãng. Google Home Mini thì giá chỉ 1/3. Quan trọng nhất là bước hủy đơn và ship ngoài không bị người dùng phát hiện là họ có thể tiếp tục tồn tại. Nếu bị phát hiện thì Lazada cũng chưa có quy trình xử lý việc này”, ông Lê Minh Hiệp, một người chuyên bán hàng trực tuyến ở Đồng Nai, chia sẻ.
Từ tháng 5 đến nay, không dưới 10 mặt hàng được các gian thương sử dụng hình thức “ship gạch” lừa đảo người dùng. Các sản phẩm được nhiều người quan tâm như đồng hồ Xiaomi, loa Google Home Mini, tai nghe Airpods, Apple Watch, iPhone X…
“Về lý thuyết các sàn thương mại điện tử không có quan hệ mua bán với người dùng khi đơn hàng đã bị hủy. Tuy nhiên, các sàn này tạo ra công cụ để gian thương lừa người dùng”, Thế Hải, người có nhiều năm kinh nghiệm bán hàng online chia sẻ.

Theo Zing News