35 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 02/05/2024

HomeKhácĐề bài của các ‘đại bàng’ bán dẫn và lời giải từ...

Đề bài của các ‘đại bàng’ bán dẫn và lời giải từ phía Việt Nam

1142

Nhân lực bán dẫn toàn cầu đang thiếu hụt trầm trọng, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng mong muốn nơi đây có thể đáp ứng yêu cầu nhân lực để họ mở rộng sản xuất. Ảnh: T.L.

Nhân lực bán dẫn toàn cầu đang thiếu hụt trầm trọng, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng mong muốn nơi đây có thể đáp ứng yêu cầu nhân lực để họ mở rộng sản xuất. Ảnh: T.L.

Các “đại bàng” bán dẫn đang muốn gì?

Kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hoa Kỳ Biden và hai bên nâng cấp mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược, công việc của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cũng bận rộn hơn. Bởi bán dẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng được hai Chính phủ ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.

Trước đó, rất nhiều “đại bàng” bán dẫn xứ cờ hoa cũng đã sang Việt Nam khảo sát, nghiên cứu và mở rộng đầu tư như Intel, Amkor, Synopsys, Marvell… Ông John Neuffer, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc SIA cho biết làn sóng này sẽ ngày một mạnh mẽ hơn khi các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đang tìm kiếm những địa điểm mới để đặt căn cứ sản xuất, nhằm tái cân bằng chuỗi cung ứng của ngành sau thời gian dài biến động. Trong đó, Việt Nam lại được đánh giá là điểm đến thân thiện với nhiều tiềm năng phát triển.

Thế nhưng, trong nhiều cuộc gặp với phía Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ cũng thẳng thắn đưa ra các điều kiện để doanh nghiệp nước này đầu tư tại đây. Thứ nhất là phải có sự ổn định chính trị; thứ hai phải có chính sách ưu đãi và cuối cùng là có nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Hoa Kỳ hiện có 7 trong số 10 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới tính theo vốn hóa thị trường. Nước này cũng cần tới 85.000 việc làm mới trong ngành bán dẫn tới năm 2030, theo SIA và Oxford Economics, nhưng gần 80% số việc làm đó có thể không được lấp đầy. Trên thế giới, tới năm 2030, ngành bán dẫn cần thêm 900.000 người.

Đặc biệt các quốc gia đang mở rộng đầu tư mới vào các nhà máy bán dẫn như Việt Nam, tình trạng thiếu hụt nhân sự sẽ trầm trọng hơn. Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam cần 5.000-10.000 kỹ sư bán dẫn, song vẫn đang thiếu tới hơn 80%. Việt Nam cần nhanh chóng lấp đầy khoảng trống nhân lực để đáp ứng nhu cầu của trên 50 doanh nghiệp FDI về công nghiệp vi điện tử, bán dẫn đã đầu tư tại đây, cũng như các doanh nghiệp trong nước. 

Vì vậy, để tiếp tục đón đầu các “đại bàng”, phía Việt Nam ngay lập tức cũng đáp lại bằng đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn với mục tiêu 50.000 kỹ sư đến năm 2030.

“Công nghiệp bán dẫn là ngành khó, đầu tư lớn, phải có sự cam kết đầu tư dài hạn của Chính phủ từ 20-25 năm. Chính phủ Việt Nam rất thông minh khi lựa chọn tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, điều này rất quan trọng vì sẽ đi nhanh, hiệu quả”, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhận định.

Bài toán dạy và học

Để đào tạo nhân lực bán dẫn, ngoài đội ngũ chuyên gia, giảng viên, các trường buộc phải đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm tốn kém. Ảnh: T.L.

Để đào tạo nhân lực bán dẫn, ngoài đội ngũ chuyên gia, giảng viên, các trường buộc phải đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm tốn kém. Ảnh: T.L.

Thế nhưng, 50.000 kỹ sư vừa là mục tiêu nhưng cũng là thách thức đặt lên vai các cơ sở đào tạo. Ông Vũ Hải Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết để đào tạo ngành thiết kế vi mạch có 4 vấn đề khó khăn.

Vấn đề thứ nhất là làm sao thu hút được sự quan tâm của sinh viên bởi đây là ngành rất khó, không giống như trí tuệ nhân tạo hay khoa học dữ liệu, học lập trình là nhìn thấy kết quả ngay.

“Ngành thiết kế vi mạch giống như ngành phía sau, hậu trường để tạo ra sản phẩm. Nên sinh viên hay hỏi chúng tôi rằng ngành học như thế nào, ra trường làm gì và mức lương bao nhiêu?”, ông Quân chia sẻ.

Ngoài ra, các trường hiện cũng thiếu chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Các chuyên gia giỏi được đào tạo ở nước ngoài phần lớn ở lại nước ngoài hoặc đi làm cho các tập đoàn đa quốc gia. Chưa kể là thiếu chương trình đào tạo và phòng thí nghiệm, thách thức từ cạnh tranh của các trường đại học trong khu vực cũng như hạn chế nguồn ngân sách.

PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết hơn 20 năm nay đã đầu tư nghiên cứu lĩnh vực chip bán dẫn. Đại học Quốc gia Hà Nội có chương trình thiết kế chip từ 2019 và đầu tư rất nhiều thí nghiệm. Nhưng ngành bán dẫn có rất nhiều công đoạn, có những công đoạn hiện rất hot như thiết kế chip, nhưng có những công đoạn cần khoa học cơ bản. Ví dụ sản xuất chip thì cần chương trình đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý.

“Để đào tạo được nguồn nhân lực thì các đại học phải có đội ngũ giảng viên, chuyên gia hàng đầu. Nhưng đây thực sự là thách thức lớn”, ông Sơn nói.

Cần cơ chế mở đường

Các trường đại học mong muốn có thêm nguồn nhân sách để thu hút chuyên gia, đầu tư phòng thử nghiệm và xây dựng chương trình đào tạo ngành bán dẫn. Ảnh: T.L.

Các trường đại học mong muốn có thêm nguồn nhân sách để thu hút chuyên gia, đầu tư phòng thử nghiệm và xây dựng chương trình đào tạo ngành bán dẫn. Ảnh: T.L.

Hiện các trường đại học cũng đang tự mình nỗ lực để loại bỏ các tảng đá ngáng đường trong đào tạo nhân lực bán dẫn. Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết đã mời trường đại học của Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản sang để hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo. Ngoài ra xây dựng 2 phòng thí nghiệm để trở thành trung tâm chia sẻ thử nghiệm, cùng với đó là thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đẩy mạnh đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh; xây dựng phòng thí nghiệm hỗ trợ cho thiết kế, đóng gói, kiểm thử cũng như sản xuất thử nghiệm. Phòng thí nghiệm này trước mắt sẽ chia sẻ với các trường đại học thành viên và xây dựng cơ chế chia sẻ với trường đại học khác, đặc biệt là chia sẻ với doanh nghiệp.

Nhưng, các trường vẫn cần nhiều hơn thế, đó là cơ chế từ Nhà nước.

Theo Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, nguồn nhân lực từ bước ra từ các trường đại học lớn ở Việt Nam đã được nhiều tập đoàn bán dẫn lớn của nước ngoài sử dụng và đánh giá qua gần 20 năm qua. Rất nhiều kỹ sư đã tiến đến vị trí quản lý, lãnh đạo trong các công ty thiết kế chip này, ngoài ra là các công ty bán dẫn trong phân khúc đóng gói, kiểm thử.

Theo ông Chính, điều giúp Việt Nam phát triển bền vững, hình thành chuỗi giá trị ngành bán dẫn là khâu nghiên cứu, phát triển. Khâu này đòi hỏi cả người dạy và người học phải có kiến thức chuyên ngành và liên ngành liên quan kiến thức cơ bản cho đến công nghệ cao, từ điện, điện tử hoá, công nghệ thông tin, cho đến vật liệu hoá học, vật lý…

Số lượng nhân lực bán dẫn do thị trường quyết định, dựa trên số lượng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, chiến lược nhân lực bán dẫn sau năm 2030 sẽ là gì? Do vậy, chiến lược 50.000 kỹ sư bán dẫn của Việt Nam cần phải tính toán tiếp dựa trên tốc độ tăng trưởng của ngành, tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp FDI và tốc độ phát triển của thế giới, để từ đó có chiến lược chính xác, cụ thể để thu hút, dịch chuyển người học.

“Chính phủ và các bộ ngành đã vào cuộc, nhưng Quốc hội cũng cần vào cuộc để thúc đẩy chính sách ưu tiên hay tạo ngân sách ưu đãi cho phát triển ngành và ngân sách cho ngành. Chính phủ cần đầu tư trọng điểm vào các cơ sở giáo dục đào tạo thông qua đầu tư công hoặc gia tăng tỷ lệ ưu đãi ODA, đặc biệt trong các chương trình kỹ thuật công nghệ, chip để xây dựng các chương trình đào tạo xuất sắc”, ông Chính kiến nghị.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành chiến lược Phát triển ngành công nghệp bán dẫn, trong đó có cả chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu. Phải có chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa doanh nghiệp và trường đại học, hợp tác quốc tế. Đề xuất đầu tư các phòng thí nghiệm ở các miền, để các trường đại học, viện nghiên cứu dùng chung trong nghiên cứu, đào tạo, từ đó có thể tạo ra các startup Việt trong ngành.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 sinh viên lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và khoảng 7.000 ở các lĩnh vực liên quan. Con số này sẽ tăng dần từ 20 đến 30% mỗi năm. Hiện có 35 đại học đào tạo trực tiếp ngành bán dẫn hoặc ngành lân cận như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến