28.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ Ba, 07/05/2024

HomeKinh DoanhBình Định: Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu gần 600 triệu...

Bình Định: Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu gần 600 triệu đô la năm nay

1098

Bình Định: Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu gần 600 triệu đô la năm nay

Bình Định: Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu gần 600 triệu đô la năm nay

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Với nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường và cơ hội từ các hiệp định thương mại, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh Bình Định đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 595 triệu đô la, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

7266e anh minh hoa che bien go
Ngành công nghiệp chế biến gỗ Bình Định tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư với kỳ vọng xuất khẩu đạt 600 triệu đô la trong năm 2021. Ảnh minh họa: Binh Dinh Invest

Công ty TNHH Tân Phước vừa được Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định (KKT) chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng nhà máy chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Phú Tài, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Mục tiêu của dự án là sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất với quy mô công suất thiết kế 2.000m3 sản phẩm/năm. Diện tích mở rộng nhà máy là 13.792m2 với tổng vốn đầu tư gần 21 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ tháng 1-2021 đến tháng 9-2021 dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Đây là dự án đầu tư mới nhất vào ngành công nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh Bình Định, theo thông tin từ Ban xúc tiến đầu tư và hợp tác tỉnh Bình Định.

Trước đó, cũng trong tháng 1-2021, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ Hùng Tiến thuê đất để xây dụng dự án Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản tại Cụm công nghiệp Gò Cầy, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Dự án có vốn đầu tư là 14 tỉ đồng, khi đi vào hoạt động vào quí 3 năm nay sẽ sản xuất 3.000m3 ván lạng/năm và 1.000m3 gỗ thanh/năm.

Và vào cuối năm 2020, Công ty TNHH Nông Trại Xanh được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ.

Theo hồ sơ dự án, nhà máy được xây dựng trên diện tích 39.402 m2, với tổng vốn đầu tư là 38 tỉ đồng. Mục tiêu dự án là sản xuất viên nén gỗ, với công suất 50.000 tấn/năm khi đi vào hoạt động vào quí 2-2022.

Với những tín hiệu tích cực từ các dự án đầu tư mới cũng như sự phục hồi của thị trường, đại diện của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) đã đề ra mục tiêu thực hiện giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 595 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 10% so với năm 2020, và chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Được biết. ngành Công Thương Bình Định đặt ra chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng từ 6,5% đến 7% so năm 2020; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.070 triệu đô la; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 420 triệu đô la.

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh vẫn đạt giá trị kim ngạch 540 triệu đô la, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, theo FPA Bình Định. Đây là tiền đề để ngành phấn đấu thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 595 triệu đô la vào năm 2021.

Để đạt được những mục tiêu trên, FPA Bình Định đã đề ra một số phương án, giải pháp như: Khuyến khích đầu tư trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ (FSC/VFCS PEFC); tăng cường đầu tư các sản phẩm chế biến sâu sau dăm gỗ như ván dăm, ván sợi, viên nén; tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu) để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Hiệp định FLEGGT (Hiệp định Đối tác tự nguyện, một bộ phận của EVFTA) về nguồn gốc gỗ hợp pháp của Chính phủ đã ký với Liên minh Châu Âu. Những hiệp định này tạo điều kiện rất thuận lợi cho ngành gỗ phát triển. Hiện nay, các đơn hàng đang đổ về rất nhiều, các doanh nghiệp buộc phải chủ động phân bổ lại kế hoạch sản xuất để làm sao đáp ứng được tối đa yêu cầu của khách hàng.

Đơn cử, nắm bắt cơ hội mới từ EVFTA, Công ty TNHH Hoàng Hưng chủ động chuyển dần thị thường, thay đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường Châu Âu nên giữ được số lượng đơn hàng. Ông Lê Minh Thiện, Giám đốc công ty và cũng là chủ tịch FPA Bình Định, cho biết, giá trị xuất khẩu của công ty duy trì ở mức 6,3 triệu đô la, tương đương như mọi năm.

Tương tự như Công ty Hoàng Hưng, Công ty TNHH Bình Phú ở Khu Công nghiệp Phú Tài cũng chủ động tìm kiếm khách hàng ở thị trường châu Âu khi EVFTA có hiệu lực. Trước đây, sản phẩm của doanh nghiệp này chủ yếu là đồ gỗ ngoại thất xuất khẩu sang Mỹ và một số nước Châu Á thì nay đã chuyển sang sản xuất đồ gỗ nội thất. Các sản phẩm đòi hỏi đa dạng mẫu mã, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu. Mặt khác, dù các kênh giao dịch trực tiếp bị đóng băng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng doanh nghiệp đã chủ động giao dịch, bán hàng điện tử nên vẫn nhận được nhiều đơn hàng từ các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ Bình Định đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, trở thành ngành công nghiệp chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu các ngành công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp hoạt động chế biến gỗ với tổng công suất khoảng 345.000m3 đồ gỗ tinh chế/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động.

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/313234/binh-dinh-nganh-go-dat-muc-tieu-xuat-khau-gan-600-trieu-do-la-nam-nay.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến