30 C
Ho Chi Minh City
Thứ Hai, 29/04/2024

HomeKinh DoanhCác gói hỗ trợ bằng tiền mặt chưa đánh giá hết tác...

Các gói hỗ trợ bằng tiền mặt chưa đánh giá hết tác động của Covid-19

1146

TS. Phạm Minh Thu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, việc hỗ trợ hiện nay đối với người dân, người lao động thu nhập thấp không đáp ứng mức sống tối thiểu và dự báo chưa đầy đủ mức độ tác động của đại dịch Covid-19 đến đời sống của họ.

Hiện nay mức hỗ trợ đối với các đối tượng yếu thế đang thấp hơn mức sống tối thiểu. Ảnh: TL.
Hiện nay mức hỗ trợ đối với các đối tượng yếu thế đang thấp hơn mức sống tối thiểu.

Cần tăng “liều” hỗ trợ bằng tiền mặt với ngân sách đủ lớn

Sáng nay, 5/11, tại tọa đàm “Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022 – Khả năng đáp ứng mục tiêu về An sinh xã hội”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Khoa Tài chính Công – Học viện Tài chính) cho rằng, cần có sự nhất quán trong các chỉ tiêu dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) qua các năm, nếu có thay đổi cần phải được giải thích đầy đủ. Đồng thời, rất cần có phân tích đánh giá kỹ hơn về chi NSNN 2022, nhất là chi hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, thành viên của Liên minh BTAP, nhìn chung bản dự thảo NSNN 2022 đã phản ánh được tinh thần chia sẻ hành động và huy động nguồn lực đương đầu với khó khăn trong đại dịch hiện nay.

Tuy nhiên, ngân sách cần được cụ thể hóa hơn, minh bạch hơn trong việc nêu bật nguồn ngân sách sẽ được sử dụng như thế nào, chấp hành ra sao, nhằm hướng tới những đối tượng khó khăn nhất, cụ thể là người lao động di cư tại các đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, khiến họ mất việc làm hoặc ngừng việc và trở về quê quán.

“Có một nghịch lý cần lưu ý, những tỉnh nghèo nhất thường đồng thời có nhiều người di cư nhất, lại là những tỉnh cần chi tiêu nhiều nhất trong việc hỗ trợ người lao động di cư trở về. Chính vì thế, cần có sự phân bổ ngân sách cho các tỉnh khó khăn nhất theo một cơ chế đặc biệt, và giám sát chặt chẽ sự chấp hành”, ông Thành nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Quang Thương, Quyền giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập cho rằng: “Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cao nhất theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116… vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, chưa kể, hỗ trợ của Chính phủ là 1 lần trong khi mỗi đợt dịch Covid-19 bùng phát kéo dài ít nhất 2 tháng”.

Do đó, ông Thương cho rằng, Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân, qua đó kích cầu, góp phần hoàn thành mục tiêu NSNN năm 2022.

Theo bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình Quản trị tốt, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam: “Việt Nam đang hướng tới mục tiêu “An sinh xã hội toàn dân” và để đạt được mục tiêu này, Việt Nam nên quy định mức phân bổ ngân sách tối thiểu cho an sinh xã hội (có thể từ 6-10% GDP), và tăng chi từ NSNN cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, để người lao động tự do có đầy đủ quyền lợi tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc”.

Phân tích sâu hơn về các gói hỗ trợ vừa qua của Chính phủ, TS. Phạm Minh Thu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, việc hỗ trợ hiện nay đối với người dân, người lao động thu nhập thấp không đáp ứng mức sống tối thiểu và dự báo chưa đầy đủ mức độ tác động của đại dịch Covid-19 đến đời sống người lao động.

Mức hỗ trợ một lần cho lao động tự do không đáp ứng mức sống tối thiểu, còn mức hỗ trợ lao động có hợp đồng lao động trong một số trường hợp không bằng tiền lương tối thiểu quy định của Nhà nước.

Cũng theo bà Thu, quy định “một đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ” trong khi phạm vi chính sách kéo dài hết năm 2021 cho thấy chưa dự báo hết tình hình tác động của dịch Covid-19 đến đời sống người dân, người lao động.

“Cần tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn (kinh nghiệm quốc tế khoảng 4 – 5% GDP hàng quý), thực hiện càng sớm càng tốt, tiếp cận theo cách phổ cập nhóm (hộ có trẻ em, hộ có người già, người khuyết tật). Mức hỗ trợ tiền mặt phải đạt “mức sống tối thiểu” và thời gian hỗ trợ tiền mặt tương ứng với thời gian cách ly, giãn cách cộng đồng”, bà Thu nêu quan điểm.

Tốc độ giải ngân là vấn đề quan trọng

Sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu rất nhiều. Khối doanh nghiệp, các chuyên gia mong muốn Ngân sách Nhà nước mạnh dạn chi các gói hỗ trợ với cách tiếp cận đơn giản hơn. Ảnh: TL.
Sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu rất nhiều. Khối doanh nghiệp, các chuyên gia mong muốn Ngân sách Nhà nước mạnh dạn chi các gói hỗ trợ với cách tiếp cận đơn giản hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đều kỳ vọng chính sách này thực sự trở thành “phao cứu sinh” cho người lao động và chủ sử dụng lao động trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội, nguồn thu nhập và quỹ lương chịu ảnh hưởng rất lớn do mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế bị đình trệ và đứt gãy.

Mặc dù ghi nhận những kết quả thực hiện trong quá trình triển khai các gói hỗ trợ đi vào đời sống thực tiễn, song theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), các chính sách ứng phó về kinh tế của Việt Nam để thích ứng với dịch bệnh còn có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng; các chương trình trợ giúp xã hội còn rụt rè, hạn chế và chậm triển khai, dẫn tới khó duy trì các thành tích tăng trưởng kinh tế như trước đây.

Lý giải nguyên nhân chậm triển khai và chính sách hỗ trợ, bà Thu cho rằng muốn biết chính sách chậm hay không, thường chỉ nhìn vào tiến độ giải ngân của từng chính sách.

Cũng theo bà Thu, hiện nay, bất cập lớn nhất trong triển khai của nhóm chính sách từ quỹ bảo hiểm và cho vay từ các ngân hàng chính sách xã hội chủ yếu liên quan tới vấn đề thủ tục. Tức là các điều kiện quy định để doanh nghiệp cũng như người lao động thụ hưởng chính sách vẫn còn nhiều thủ tục và khó khăn.

Trong khi lợi ích mà họ được hưởng thì không nhiều, khiến các doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà, không quyết tâm theo đuổi để thực hiện các thủ tục, kể cả việc đi vay.

Hay như chính sách đào tạo cũng vậy. Hỗ trợ đào tạo cho người lao động 1 triệu đồng/người nhưng kèm theo đó doanh nghiệp phải nộp rất nhiều giấy tờ liên quan; trong đó, kể cả xác nhận đóng bảo hiểm đầy đủ; phương án đào tạo kết hợp với các bên liên quan…

“Còn câu chuyện hỗ trợ tiền mặt thì rõ ràng qua quá trình xem xét, các địa phương được giao tự chủ và có quyền quyết định việc hỗ trợ đối tượng nào và hỗ trợ bao nhiêu. Tuy nhiên, như Hà Nội, Bình Dương hay Thành phố Hồ Chí Minh đều là những nơi phải tự lo hết thì họ lại cũng là nơi tổ chức hỗ trợ được nhiều nhất. Đây cũng chính là những tỉnh, thành phố có nguồn tài chính rất vững mạnh.

Thực tế, những địa phương đi đầu trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ bằng ngân sách đều không phải là những tỉnh nghèo. Rõ ràng, ở đây có câu chuyện về sự hạn chế của ngân sách địa phương trong việc thực hiện hỗ trợ cho nhóm lao động tự do”, bà Thu nhấn mạnh.

Bà Thu cho biết qua kết quả khảo sát, lao động tự do luôn chiếm cơ cấu lớn trong hỗ trợ về tiền mặt. Hỗ trợ được khoảng 4 triệu người thì đã có hơn 3 triệu người là lao động tự do. Địa phương cũng tự quyết định việc hỗ trợ nhóm đối tượng nào, mức hỗ trợ bao nhiêu. Như vậy là địa phương phải tự cân đối ngân sách, xem phần hỗ trợ có thể là 20%, 40% hay 60%… để ra phương án hỗ trợ như thế nào cho phù hợp.

Vì thế, nguyên nhân chậm giải ngân của nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt có liên quan tới vấn đề cân đối ngân sách địa phương. Hoặc là không có, hoặc là không đủ để đáp ứng và liên quan tới việc xác định đối tượng, mức độ thụ hưởng.

Có câu: “Một miếng khi đói bằng 1 gói khi no” nên hơn lúc nào hết, các cấp, ngành và địa phương cần đẩy nhanh nhất có thể chính sách này. Với diễn biến hiện nay của dịch bệnh Covid-19 thì tốc độ là vấn đề quan trọng, nhất là trước “cơn gió bão” đổi chiều, đổi hướng liên tục và có tính bất định cao, chưa từng có tiền lệ thế này.

“Một khi địa phương đã xác định được rồi, dự trù được ngân sách hỗ trợ rồi thì việc triển khai chắc không có gì là rào cản”, bà Thu lưu ý.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến