28.4 C
Ho Chi Minh City
Chủ Nhật, 05/05/2024

HomeKinh DoanhDừng thí điểm xe công nghệ, mở ra cơ hội mới

Dừng thí điểm xe công nghệ, mở ra cơ hội mới

1104

Dừng thí điểm xe công nghệ, mở ra cơ hội mới

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Từ ngày 1-4, các ứng dụng xe công nghệ sẽ chính thức dừng thí điểm tại 5 tỉnh thành và triển khai hoạt động kinh doanh theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Các hãng xe công nghệ như Grab, FastGo, Be, Vato… sẽ tận dụng cơ hội này ra sao khi được phép mở rộng hoạt động ra nhiều tỉnh thành khác.

3eca4 thanhhoa sgtt grabbikejpg
Hoạt động cung cấp dịch vụ bằng xe máy của các hãng xe công nghệ như đặt xe, gọi đồ ăn, giao hàng… vẫn diễn ra bình thường. Ảnh: Thành Hoa.

Mở rộng phạm vi hoạt động

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định 24/2016/QĐ-BGTVT) từ ngày 1-4-2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Như vậy, sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hoà sẽ phải hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải đang tham gia kế hoạch thí điểm trên địa bàn địa phương dừng hoạt động thí điểm từ ngày 1-4-2020.

Theo ghi nhận của TBKTSG Online, trước đây do trên thị trường xuất hiện mô hình kết nối vận tải hành khách (kết nối các đối tác doanh nghiệp/tài xế) thông qua phần mềm ứng dụng nên Bộ GTVT có Quyết định 24/QĐ-BGTVT (năm 2016) cho phép thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử. Hiện nay, do đã có hành lang pháp lý mới là Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải nên dừng thí điểm là để thực hiện theo quy định mới là Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Nói về tác động của quyết định dừng thí điểm xe công nghệ, Grab Việt Nam cho rằng: vào ngày 17-1-2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP về vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải, có hiệu lực vào ngày 1-4-2020; còn Quyết định 146/QĐ-BGTVT thông báo về việc hết hiệu lực của đề án thí điểm. Vì vậy, đây là một hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab trên thị trường hiện nay.

Đại diện truyền thông của Grab Việt Nam khẳng định: “Quyết định dừng thí điểm hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab tại Việt Nam. Hành khách vẫn có thể đặt xe, gọi đồ ăn, giao hàng bình thường; các đối tác tài xế của Grab vẫn hoạt động bình thường trên nền tảng ứng dụng Grab. Từ ngày 1-4-2020, hoạt động của Grab sẽ tuân thủ chặt chẽ theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP”.

Một số công ty có ứng dụng gọi xe công nghệ cũng cho biết, từ nay cho tới tháng 4-2020 sẽ không có gì thay đổi và quyết định dừng thí điểm này chỉ ảnh hưởng tới dịch vụ vận tải bằng ô tô (ví dụ như GrabCar, FastCar, BeCar…); còn các dịch vụ chở hành khách bằng xe máy (GrabBike, BeBike, VatoBike…); giao thức ăn trực tuyến (GrabFood, GoFood…); giao hàng (GrabExpress, GoSend…)… không bị ảnh hưởng gì.

Hiện tại, các hãng xe công nghệ đang phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước để triển khai những yêu cầu của Nghị định 10/2020/NĐ-CP (như trang bị camera hành trình, cấp lại phù hiệu hợp đồng…). Việc có thay đổi giá cước hay không vẫn phải chờ tới lúc triển khai cung cấp dịch vụ gọi xe theo nghị định mới vào tháng 4-2020 (nếu doanh nghiệp thay đổi mô hình hoạt động).

Đại diện một hợp tác xã có hội viên tham gia cung cấp dịch vụ xe công nghệ cho rằng các tài xế công nghệ không nên hoang mang về quyết định dừng thí điểm. “Về việc phù hiệu hợp đồng phải đổi sang mẫu mới, tài xế đang chạy các ứng dụng gọi xe công nghệ chỉ cần liên hệ với hợp tác xã để đổi phù hiệu mới từ ngày 1-4”, vị đại diện này nói.

f696d thanhhoa daily grab
Tới tháng 4-2020, một số doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc việc chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh vận tải hành khách hay chỉ cung cấp phần mềm kết nối đối tác/tài xế. Ảnh minh hoạ: Thành Hoa.

Các hãng xe công nghệ đi theo mô hình nào?

Trả lời câu hỏi Grab sẽ áp dụng mô hình nào sau thời điểm 1-4-2020, đại diện Grab trả lời: “Thay vì hoạt động trong khuôn khổ một đề án thí điểm, từ ngày 1-4, Grab và các mô hình như Grab (ứng dụng gọi xe công nghệ) có thể chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc theo luật định. Trên tinh thần của Quyết định 146 và Nghị định 10/2020/NĐ-CP, chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động của mình”.

Grab Việt Nam cho biết, họ đang nghiên cứu Nghị định 10/2020/NĐ-CP để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mô hình hoạt động của mình; đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động đó.

Còn ông Nguyễn Hữu Tuất, sáng lập và Chủ tịch HĐQT FastGo cho biết, FastGo ngay từ đầu vẫn ưu tiên lựa chọn theo mô hình ứng dụng kết nối vận tải, tức là mô hình thứ 3 trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP. FastGo sẽ cung cấp các giải pháp ứng dụng giúp các doanh nghiệp taxi và đơn vị kinh doanh xe hợp đồng để quản lý đối tác, lái xe, thiết lập chính sách kinh doanh phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

FastGo cho biết thêm: “Đối với các đơn vị taxi hoặc kinh doanh chưa có hệ thống điều hành, FastGo sẽ hỗ trợ miễn phí. Với các đơn vị đã có ứng dụng công nghệ, FastGo cũng cho phép kết nối hai hệ thống với nhau để cùng khai thác khách hàng. Chúng tôi không thay đổi sứ mệnh là giúp các doanh nghiệp điện tử hoá, thích nghi với các sự thay đổi mới trong thời đại số”.

Cơ bản, theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP sẽ có ba mô hình hoạt động vận tải: kinh doanh hoạt động vận tải hành khách bằng taxi (các hãng taxi); kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải.

Nghị định 10/2020/NĐ-CP có tác động lớn đối với ngành vận tải và các hãng sở hữu ứng dụng gọi xe công nghệ như: tạo “sân chơi” bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp có thể tham gia hoạt động cung cấp ứng dụng công nghệ mà không cần xin các giấy phép thí điểm, vốn chỉ áp dụng tại một số tỉnh/thành phố nhất định. Kế đến, Nghị định 10/2020 cũng cởi mở cho các doanh nghiệp taxi truyền thống triển khai ứng dụng công nghệ để cạnh tranh bình đẳng hơn với doanh nghiệp về công nghệ. Cuối cùng, nghị định này quy định rõ ràng và chi tiết hơn về loại hình kinh doanh taxi, kinh doanh xe hợp đồng và đơn vị chỉ cung cấp ứng dụng kết nối vận tải, điều này sẽ tác động lớn đối với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ, phải lựa chọn mô hình, từ đó thay đổi quy trình hợp tác, quy trình cung cấp dịch vụ, thay đổi ứng dụng để tuân thủ các quy định mới.

Đối với người tiêu dùng, mức độ tác động vẫn chưa rõ ràng vì chưa có hãng xe công nghệ nào cho biết sẽ thay đổi cách tính cước, hình thức cung cấp dịch vụ… Nhưng, khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn do các tài xế kinh doanh bằng xe cá nhân trước đây sẽ phải thay đổi, bổ sung phù hiệu theo quy định mới và lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải và ứng dụng kết nối phù hợp, đáp ứng đủ các điều kiện.

Đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối vận tải không được quyết định giá cước

Điều 35 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP nêu rõ: Đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải; đồng thời phải chấp hành các quy định về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và một số yêu cầu như: Ghi nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng và chuyển yêu cầu đó tới đơn vị kinh doanh vận tải đang tham gia phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải; chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải cho đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải; phương tiện đã được cấp phù hiệu, biển hiệu, đảm bảo các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải…

Mời đọc thêm

TPHCM có thêm thương hiệu taxi công nghệ BE

Cần môi trường công bằng cho cả đôi bên

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến