29.5 C
Ho Chi Minh City
Chủ Nhật, 05/05/2024

HomeKinh DoanhEVN lý giải nguyên nhân giá điện chỉ tăng, không giảm

EVN lý giải nguyên nhân giá điện chỉ tăng, không giảm

1271

Đó là số liệu về lý do tăng giá điện liên tiếp 2 lần và không thấy giảm, khi giá nhiên liệu giảm được Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn thông tin tại hội nghị tổng kết ngày 2/1… 

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Khắc Kiên
Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Khắc Kiên

Đâu là nguyên nhân?

Tổng Giám đốc EVN cho biết, thông thường, sản lượng thuỷ điện của Việt Nam đạt 35% hoặc cao hơn, nhưng trong năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thuỷ điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thuỷ điện chỉ đạt 28,4%.

Còn nhiệt điện than – nguồn năng lượng chiếm tỉ trọng 33,2% nhưng năm 2023 sản xuất được 46,2%; nguồn tuabin khí và nhiệt điện dầu chiếm tỉ trọng 10,3%, nhưng sản xuất được 9,8%; nhập khẩu điện chiếm tỉ trọng rất ít 1,46%; năng lượng tái tạo có công suất đặt chiếm 26,9%, nhưng sản xuất đạt 13%.

Các đại biểu dự sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các đại biểu dự sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện thuỷ điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất, nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% tổng công suất nguồn điện; còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo Fit 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.

“Với cơ cấu nguồn như vậy, giá thành điện chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả nguồn thuỷ điện cũng là tài nguyên. Trong khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, giá thành chỉ có tăng, không có chuyện xuống. Điều này cần được giải thích rõ để khách hàng thấu hiểu, cũng là câu trả lời cho dư luận câu hỏi tại sao giá điện chỉ tăng, không giảm” – ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Đồng thời cho biết, hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá thành bán ra là 1.950 đồng/kWh.

Mực nước thủy điện Hòa Bình năm 2023 xuống thấp đã ảnh hưởng đến việc cấp điện. Ảnh: Khắc Kiên
Mực nước thủy điện Hòa Bình năm 2023 xuống thấp đã ảnh hưởng đến việc cấp điện. Ảnh: Khắc Kiên

Con số 2.092,78 đồng/kWh, trong đó giá thành sản xuất phải mua điện từ các đơn vị của EVN và các doanh nghiệp ngoài EVN là xấp xỉ 1.620 đồng/kWh, tương đương tỉ trọng mua điện chiếm 80% chi phí tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện. “Ở các nước, giá thành mua điện chỉ khoảng 50% so với giá bán, còn lại 50% là dành cho các chi phí liên quan truyền tải, phân phối, quản lý vận hành. Nhưng Việt Nam chỉ còn có 20% cho các khâu này, nên bản thân Tập đoàn và các đơn vị rất khó cân đối, tối ưu hóa” – ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ ra.

Theo ông Tuấn, năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của EVN. Hiện tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt hơn 80.000MW, tăng gần 3.000MW so với năm 2022, trong đó, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo là hơn 21.000MW. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng đầu ASEAN.

Tuy vậy, việc xảy ra tình trạng thiếu điện trong mùa khô vừa qua có cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan, như dự phòng nguồn điện khu vực miền Bắc rất thấp, ảnh hưởng El Nino dẫn đến hạn hạn kéo dài, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm thấp đột ngột, đặc biệt tại khu vực miền Bắc; Nhu cầu phụ tải tăng cao…

Về cân đối tài chính, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, doanh thu bán điện toàn tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.

Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỉ đồng (bằng 94,7% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỉ đồng (bằng 89,4% so với cùng kỳ năm 2022).

Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao, nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.

Đảm bảo cung cấp điện

Dự báo trong năm 2024, EVN sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt các khó khăn, thử thách. Tập đoàn xây dựng Kế hoạch năm 2024 với nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 – 6,5%, đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tập đoàn được phát triển bền vững.

EVN lý giải nguyên nhân giá điện chỉ tăng, không giảm - Ảnh 1
EVN lý giải nguyên nhân giá điện chỉ tăng, không giảm - Ảnh 2
EVN lý giải nguyên nhân giá điện chỉ tăng, không giảm - Ảnh 3
 

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong khó khăn năm 2023. Ảnh: Khắc Kiên

Theo Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An, để đảm bảo không để thiếu điện, thời gian tới, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương, UBND các địa phương… rất quan trọng. Cùng đó, nếu không có vốn đầu tư của toàn xã hội vào các công trình đã quy hoạch và vạch quy hoạch, an ninh năng lượng sẽ bị ảnh hưởng.

Tình trạng nhiều công trình điện chậm tiến độ do cả thể chế, chính sách và nguyên nhân chủ quan cũng là vấn đề lớn với ngành điện hiện nay. Cơ chế để giữ chân, đảm bảo thu nhập cho người lao động khi liên tiếp 2 năm bị lỗ cũng là mối lo của ngành điện.

Chủ tịch EVN khẳng định, với các khó khăn hiện tại, bản thân EVN phải giải quyết. “23 ngày thiếu điện” của năm 2023 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, môi trường đầu tư, uy tín của đất nước. Dù hiện nay EVN chỉ nắm 37% nguồn cung trên thị trường, nhưng phải làm sao để đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế.

“Đề nghị Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn có giải pháp chỉ đạo các nhà đầu tư ngoài EVN đang nắm giữ 52% nguồn điện phải tham gia sâu hơn nữa cùng với EVN, TKV và PVN trong việc không để xảy ra thiếu điện” – ông Đặng Hoàng An nêu quan điểm. Với lĩnh vực đầu tư xây dựng, trọng tâm trước mắt phải sớm hoàn thành đường dây truyền tải 500kV mạch 3.

Trước nhiều khó khăn của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Bộ này đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024. Trong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, các văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư) để đảm bảo tập đoàn này hoạt động thuận lợi hơn. “EVN cần chuẩn bị kịch bản, nhất là kế hoạch cung ứng điện mùa khô, để đảm bảo tuyệt đối không thiếu điện như năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng” – Thứ trưởng đề nghị. 

 

Ủy ban vẫn kiên trì báo cáo cấp trên việc EVN và khối năng lượng của Nhà nước chỉ chiếm 48% công suất, còn 52% nữa là của các đơn vị bên ngoài. Công tác truyền thông phải để dư luận hiểu rằng “Tập đoàn điện lực Việt Nam không đại diện cho ngành điện”. “Có vấn đề gì về điện cứ nghĩ đến Tập đoàn Điện lực là không ổn”. “Tại sao EVN lỗ mà các tổng công ty phát điện lại lãi”…

Tôi đã phải giải thích ở rất nhiều nơi rằng, nếu các tổng công ty cũng lỗ thì hệ thống điện “sập hết”. Các tổng công ty ổn định và phát triển mới giữ được hệ thống điện . Về cơ chế điều chỉnh giá điện, Chính phủ đã chỉ đạo cho phép tăng giá điện 3 tháng/lần dưới 5% thì cứ thế thực hiện…

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến