35.6 C
Ho Chi Minh City
Thứ Sáu, 03/05/2024

HomeKinh DoanhKịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối...

Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh?

1088

Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh?

Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh?

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Tại phiên họp Chính phủ ngày 2-2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tháng đầu năm 2021 và dự báo tình hình, kịch bản điều hành 6 tháng 2021, đồng thời đề xuất Đề án nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.

Sản xuất của một doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Về kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quí và từng ngành.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, trong báo cáo của mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời, ước tính GDP quý 1-2021 tăng 4,46%, tức thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.

Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).

Về một số nhiệm vụ giải pháp 6 tháng đầu năm 2021, theo báo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần quyết liệt triển khai thực hiện ngay Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025.

Trong 6 tháng đầu năm nay, cùng với phòng, chống, kiểm soát đại dịch Covid-19, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Cụ thể là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế; tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo được xem là tiêu chí đánh giá chủ yếu; và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số trong doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán,… Tập trung hoàn thiện, triển khai các đề án lớn về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng.

21512 mpi 2021
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ. Ảnh: VGP.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời có phương án hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết; tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến người lao động và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài.

Cùng với đó, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ trưởng lưu ý, hiện, các địa phương còn rất nhiều dự án đầu tư gặp vướng mắc. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt do một Phó Thủ tướng đứng đầu để tháo gỡ, theo báo Chính phủ.

Về các giải pháp tăng cường sự độc lập, năng lực tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh, tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bối cảnh Covid-19 cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, thương mại trên thế giới.

Để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, nhiều quốc gia đã và đang đề ra chiến lược, chính sách mới trong đó tập trung vào phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ… như chiến lược “vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc, chính sách “tăng trưởng xanh” của Hàn Quốc.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta; tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó bao gồm nhiều nội dung, giải pháp tương đồng với các nội dung trên. Bộ sẽ phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình mới và chiến lược của các quốc gia khác để báo cáo Chính phủ cùng với các nội dung của Đề án trong thời gian tới.

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/313474/kich-ban-nao-cho-tang-truong-kinh-te-viet-nam-trong-boi-canh-dich-benh.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến