31.7 C
Ho Chi Minh City
Chủ Nhật, 12/05/2024

HomeKinh DoanhStartup cần hỗ trợ cơ hội kết nối với đối tác hơn...

Startup cần hỗ trợ cơ hội kết nối với đối tác hơn là vốn

1086

Startup cần hỗ trợ cơ hội kết nối với đối tác hơn là vốn

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp khởi nghiệp mảng công nghệ cho biết họ muốn được hỗ trợ bằng các cơ hội kết nối với các đối tác để tìm kiếm hợp đồng, dự án mới, hơn là chỉ đơn thuần hỗ trợ vốn. Các hiệp hội đã và đang chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ kết nối.

f00c8 vulcanaguemetics startup 02
Đội ngũ Vulcan Aguemetics, một startup đang tham gia vào chương trình cung ứng giải pháp công nghệ trong mùa dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ: Vulcan Aguemetics

Cần việc hơn cần vốn?


Khi cả nước bước vào thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp bắt đầu mô hình làm việc từ xa, nhu cầu mua sắm sụt giảm… các công ty khởi nghiệp (startup) cũng gặp phải không ít khó khăn. Có những công ty dù công việc có chiều hướng giảm hoặc không có việc làm nhưng vẫn phải duy trì đội ngũ nhân viên bằng cách trả 50% lương.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM (HCA) kiêm Giám đốc vườn ươm doanh nghiệp Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC Incubator), cho rằng mảng công nghệ cũng chịu tác động của dịch Covid-19 một cách không trực tiếp và chậm hơn so với các ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng… Một số công ty startup có việc thì chuyển về làm việc tại nhà thay vì làm ở văn phòng (do giãn cách xã hội). Một số startup may mắn do đang sở hữu các ứng dụng trực tuyến phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp trong mùa dịch, như ứng dụng trực tuyến trong thương mại điện tử, làm việc từ xa…Số còn lại kém may mắn sẽ gặp tình trạng sụt giảm lượng công việc do các dự án bị gián đoạn vì dịch bệnh, hợp động bị kéo dài chưa thể hoàn thành. 

Cũng theo ông Tuấn, so với việc được hỗ trợ vay vốn theo các gói vay hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà Chính phủ công bố, các doanh nghiệp startup cần những thứ thiết thực hơn. Ví dụ, họ cần được chậm hoặc giãn thời hạn nộp thuế để có thể dành khoản tiền đó cho việc trả lương nhân viên, vận hành hệ thống kinh doanh… trong mùa dịch. “Việc hỗ trợ vay vốn chưa mấy cần thiết trong thời điểm này do startup chủ yếu duy trì hoạt động kinh doanh, chưa cần mở rộng thị trường, khuyếch trương sản phẩm – dịch vụ”, ông Anh Tuấn khẳng định. 

Còn ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thuộc Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), cho biết các startup thuộc vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) vẫn chưa tới mức “báo động” thiếu tiền trả lương cho nhân viên nhưng đang cần vườn ươm cùng các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước… hỗ trợ kết nối đối tác để có thêm việc làm.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng chung tới hầu hết doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp nhưng các startup của SHTP-IC có đặc thù là phát triển các dự án mang tính chất dài hạn, sản xuất thiết bị công nghệ… nên mức độ ảnh hưởng do mùa dịch Covid-19 không ào đến trực tiếp và nhanh chóng như với những công ty cung ứng sản phẩm, dịch vụ…  ngắn hạn trên thị trường.

Ông Nguyễn Chí Thanh, đại diện Công ty cổ phần XtayPro, cho biết do startup XtayPro cũng mới thành lập, vẫn đang ở giai đoạn phát triển thương hiệu, hoàn chỉnh sản phẩm, thu hút thêm người dùng… chưa phát sinh doanh thu, nên cũng chưa cần chính sách hỗ trợ giảm thuế. Tuy nhiên, trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19, XtayPro phải duy trì hoạt động của công ty, trả lương nhân viên… nên lại cần hỗ trợ tài chính.

Cũng theo ông Thanh, vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay, hoạt động kinh doanh của XtayPro đang bị đình trệ, gặp khó khăn do các chuyến bay đi nước ngoài không hoạt động (liên quan tới vận chuyển hàng hóa theo hình thức kinh tế chia sẻ) nhưng XtayPro vẫn đang có kế hoạch tuyển dụng nhân viên để chuẩn bị phát triển thị trường sau khi hết dịch. Hiện tại, đội ngũ XtayPro cũng đang tổ chức các hoạt động tư vấn, chăm sóc khách hàng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng…

d43b7 hca giaiphapcongnghe 02
Theo kế hoạch dự kiến, Hội Tin học TPHCM sẽ phối hợp mở sàn giao dịch các giải pháp công nghệ liên quan tới mùa dịch Covid-19. Ảnh: Chí Thịnh

Mở sàn giao dịch giải pháp công nghệ


Để hỗ trợ các công ty trong ngành công nghệ thông tin, startup công nghệ… các hiệp hội ngành nghề, vườn ươm và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp… cũng đang xúc tiến hoạt động hỗ trợ các công ty công nghệ duy trì hoạt động kinh doanh, cung cấp phần mềm, phần cứng, giải pháp công nghệ… trong mùa dịch Covid-19.

Hội Tin học TPHCM đang tập hợp các nhu cầu cần hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp để gửi báo cáo cho UBND thành phố, nhằm đưa ra những hướng hỗ trợ thiết thực. Trước mắt, HCA đang ghi nhận những giải pháp công nghệ phục vụ cho nhu cầu làm việc từ xa, quản trị doanh nghiệp, bán hàng trực tuyến… trong mùa dịch Covid-19. Sau khi hoàn chỉnh danh sách các giải pháp này, HCA cùng với Sở Thông tin và Truyền thông sẽ cung cấp tới doanh nghiệp – khách hàng có nhu cầu sử dụng giải pháp; dự kiến sẽ đưa thông tin qua kênh tổng đài cung cấp thông tin giải pháp, doanh nghiệp, trang web và fanpage của HCA, sàn giao dịch các giải pháp công nghệ…

Ông Anh Tuấn, Tổng thư ký HCA, cho biết dự kiến vào khoảng cuối tháng 4 HCA sẽ tập hợp các giải pháp công nghệ phù hợp trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để thống nhất việc hỗ trợ các công ty công nghệ cung cấp giải pháp tới tay người dùng. Thông qua các kênh truyền thông, tư vấn, liên hệ mua bán sản phẩm-dịch vụ…; mở sàn giao dịch kết nối người mua với các startup công nghệ.

Trong khi đó, SHTP-IC tập trung mời các chuyên gia tư vấn cho các startup có nhu cầu triển khai mô hình làm việc hiệu quả, hoạt động kinh doanh phù hợp trong mùa dịch Covid-19… Tổ chức này cũng tiến hành kết nối các startup có nhu cầu đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử trong nước như Lazada, Tiki, Shopee… cũng như tham gia trang web bán lẻ trực tuyến amazon.com.

Ông Nguyên của SHTP-IC còn nhìn nhận rằng, mùa dịch Covid-19 dù ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của số đông doanh nghiệp nhưng cũng tạo cơ hội cho một số công ty khởi nghiệp. Ví dụ như một startup cung cấp giải pháp giới thiệu các điểm bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) thuộc SHTP-IC trong đợt này đã có cơ hội tiếp cận với một chuỗi siêu thị lớn tại TPHCM; hợp tác cung ứng ứng dụng trực tuyến giúp khách hàng tìm kiếm dễ dàng các sản phẩm do siêu thị này cung cấp (qua vị trí đang đứng).

Ông Hoàng Giang, Giám đốc điều hành startup công nghệ Etop, cho rằng, mùa dịch Covid-19 cũng tạo ra cơ hội phát triển thị trường, thu hút khách hàng tiềm năng trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tiếp thị số, giao nhận… Những công ty thương mại điện tử cũng có cơ hội bán hàng với nhóm ngành hàng nhu yếu phẩm, sản phẩm chăm sóc y tế như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…

Đúng là “trong nguy có cơ” nhưng vấn đề là startup nào có thể nắm bắt được cơ hội này; ví dụ như các công ty cung cấp giải pháp họp trực tuyến, làm việc/quản trị doanh nghiệp từ xa… đang có cơ hội mở rộng tập khách hàng; bán sản phẩm/dịch vụ. Nhưng cũng có những startup đang gặp khó khăn không ít khi số lượng đơn đặt hàng/hợp đồng/dự án giảm sút trong mùa dịch Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Văn phòng “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (đề án 844), thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện khảo sát và rà soát với kết quả có 46 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ liên quan tới mùa dịch bệnh Covid-19, giải quyết vấn đề cho nhóm cộng đồng đang cách ly, giúp cộng đồng hạn chế đi lại, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số/làm việc từ xa… (chương trình khảo sát từ 25-3 đến ngày 2-4-2020).

Văn phòng Đề án 844 hiện vẫn đang tiếp nhận các giải pháp sáng tạo hiệu quả từ các startup, dự án trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhằm giúp cho các cá nhân và doanh nghiệp có thể khai thác sử dụng.

Mời đọc thêm

Châu Âu khẩn cấp giải cứu startup công nghệ

Bao nhiêu doanh nghiệp duy trì được nếu Covid-19 kéo dài?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến