27 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 15/05/2024

HomeKinh DoanhThép Việt Nam vẫn đối đầu nhiều vụ kiện thương mại

Thép Việt Nam vẫn đối đầu nhiều vụ kiện thương mại

1087

Thép Việt Nam vẫn đối đầu nhiều vụ kiện thương mại

Thép Việt Nam vẫn đối đầu nhiều vụ kiện thương mại

Lan Nhi

(TBKTS Online)- Đầu tháng 2-2021, ngành thép Việt Nam đón nhận một tin không vui: Canada thông báo kết luận sơ bộ vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép cốt bê tông nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác. Như vậy, hồ sơ và mức thuế CBPG, lẩn tránh thuế, chống trợ cấp…của ngành thép Việt Nam ngày càng dài ra.

d4bfe thep cuon can nguoi
Các vụ kiện thương mại, chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế…liên tục đến với ngành thép trong những năm gần đây và vẫn có dấu hiệu tăng. Ảnh: TL

Thị trường Canada và bài học cho ngành thép:

Hôm 4-2, Canada thông báo lết luận sơ bộ vụ việc CBPG đối với sản phẩm thép cốt bê tông nhập từ Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Ý…Vụ việc này được quyết định khởi xướng điều tra ngày 22-9-2020. Phía Canada, trong kết luận điều tra sơ bộ cho rằng thép bê tông nhập khẩu từ các nước bị điều tra trên đã bán phá giá vào thị trường Canada.

Riêng Việt Nam, Canada sơ bộ kết luận biên độ phá giá từ 3,7% đến 15,4% tùy vào từng nhà sản xuất, xuất khẩu cụ thể. Các nước khác từ 4,5% đến 28,4%. Trong thời kỳ điều tra từ 1- 6-2019 đến 30-6-2020, kim ngạch xuất khẩu thép cốt bê tông của Việt Nam đi Canada là xấp xỉ 66,5 ngàn tấn, tương đương khoảng 30 triệu đô la Mỹ.

Trên cơ sở kết luận sơ bộ nói trên, Ca-na-đa sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời tương ứng với mức biên độ bán phá giá.

Bản báo cáo, phân tích dữ liệu để đưa ra kết luận sơ bộ nêu trên sẽ được công bố trên trang tin của Cơ quan hải quan và biên giới Canada (CBSA) trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra kết luận sơ bộ. Còn kết luận chính thức sẽ ban hành vào đầu tháng 5/2021.

Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan của Việt Nam phối hợp đầy đủ cới các cơ quan điều tra của Canada và các cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam theo dõi vụ việc, có hành động kịp thời để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp mình.

Cách đây vài năm, Canada đã từng khởi xướng điều tra CBPG và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội từ Trung Quốc,  Hàn Quốc và Việt Nam. Phía Việt Nam có hai nhà sản xuất là bị đơn (Posco và CSVC). Theo quy trình xử lý, hai công ty này phải trả lời bảng câu hỏi của cơ quan điều tra Canada nhưng họ đã từ chối, dẫn đến việc cơ quan điều tra Canada sẽ xác định rằng Việt Nam có bán phá giá mặt hàng này khi ban hành kết luận áp thuế CBPG đối với các sản phẩm trên xuất đi từ Việt Nam với mức thuế 99,2% và 6,5% (tháng 10-2018).

Ngành thép vẫn là “điểm nóng” các vụ kiện thương mại

Hồi tháng 1-2019, tại một cuộc Hội thảo về Kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp…do Bộ tài chính và Bộ Công thương tổ chức, Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, 50% số vụ kiện bị điều tra tự vệ, chống trợ cấp và chống bán phá giá trên toàn cầu rơi vào ngành thép.

Nếu như Việt Nam mới áp thuế tự vệ đối với sản phẩm tôn mạ màu, phôi thép và thép dài nhập khẩu theo hai quyết định áp thuế riêng rẽ trong năm 2016 thì ngược lại, nước ta đã và đang phải “chống đỡ” liên tục hàng chục vụ kiện ở quy mô lớn do nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, EU, Indonesia… khởi xướng. Năm 2020, con số này tăng lên nhiều vụ nữa.

Vẫn đại diện của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương),  trực tiếp nói tại cuộc hội thảo về phòng vệ thương mại rằng trong số 78 vụ kiện về chống bán phá giá hai năm (2018-2019) mà Việt Nam phải đối mặt, có tới 37 vụ liên quan tới ngành thép. Nếu tính trên các vụ kiện chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp thì số vụ liên quan đến ngành thép còn cao hơn

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về phòng vệ thương mại, nguyên nhân ngành thép bị kiện nhiều nhất là do ngành này được coi là mặt hàng “bánh mì” trong nền sản xuất công nghiệp vì tính thiết yếu, giá trị cũng như khả năng tác động lớn của nó đến công nghiệp toàn cầu.

Mặt khác, Trung Quốc là nhà sản xuất thép số 1 thế giới và độ lan tỏa về sản xuất của Trung Quốc tới nhiều nước (qua xuất khẩu trực tiếp hay đặt nhà máy, xuất khẩu công nghệ, nguyên vật liệu…) ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất, lao động… tại các nước sở tại.

Tuy ngành thép Việt Nam một năm xuất khẩu chưa tới 10% sản lượng sản xuất và trong số này, chỉ có 15% đến Mỹ hay 10% đến EU nhưng không thể xem các vụ kiện phòng vệ thương mại là chuyện nhỏ. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Mỹ và EU vẫn là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam nói chung. Việc lơ là từng vụ việc có thể kéo theo những ảnh hưởng dây chuyền rất lớn trong tương lai.

Ví dụ, trong vụ Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, có hai nhà sản xuất tại Việt Nam là bị đơn (Posco và CSVC). Theo quy trình xử lý, hai công ty này phải trả lời bảng câu hỏi của cơ quan điều tra Canada nhưng họ đã từ chối, dẫn đến việc cơ quan điều tra Canada sẽ xác định rằng Việt Nam có bán phá giá mặt hàng này.

Nhiều nhà xuất khẩu chọn các cách đi mang tính mở đường hơn. Ví dụ, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước khởi kiện – trả lời các bảng câu hỏi – nhằm minh bạch thông tin để có được mức thuế hợp lý nhất. Quyết định của các nước khởi kiện dựa trên phân tích chuyên sâu và hồ sơ vụ việc (hệ thống nộp hồ sơ điện tử) và hệ thống ban hành lệnh bảo hộ hành chính (như ở Mỹ). Những dữ liệu sẵn có này sẽ không có lợi cho doanh nghiệp nếu từ chối hoặc tham gia vụ việc cho có.

Cách khác là chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chẳng hạn, chứng minh thép nền để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh không có nguồn gốc từ Trung Quốc (nếu là vụ kiện chống lẩn tránh thuế) hay không được trợ cấp, không phá giá. Trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu không có tên trong danh sách các bị đơn bắt buộc thì họ cũng hoàn toàn có thể tham gia vụ kiện với tư cách bị đơn tự nguyện nhằm được hưởng một mức thuế riêng rẽ.

Đã có trường hợp doanh nghiệp chưa hề xuất khẩu nhưng vì tính toán cho tương lai đã theo đuổi rất kỹ vụ kiện để hàng năm yêu cầu cơ quan ra quyết định chống bán phá giá rà soát vụ việc nhằm có mức thuế tốt nhất khi gia nhập thị trường.

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/313598/thep-viet-nam-van-doi-dau-nhieu-vu-kien-thuong-mai.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến