34.5 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 09/05/2024

HomeKinh DoanhTPHCM: Nhiều doanh nghiệp vào tay nhà đầu tư ngoại

TPHCM: Nhiều doanh nghiệp vào tay nhà đầu tư ngoại

1111

TPHCM: Nhiều doanh nghiệp vào tay nhà đầu tư ngoại

TPHCM: Nhiều doanh nghiệp vào tay nhà đầu tư ngoại

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Có đến 5.720 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, hoặc mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước ở TPHCM, gấp 4,3 lần số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố trong năm 2019, theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM.

Vốn ngoại dồn dập qua M&A: Cơ hội hay thách thức?

1d34d bds
Bất động sản TPHCM là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ngoại. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Vốn gián tiếp vào TPHCM tăng cao

Kết quả này cho thấy TPHCM là địa phương có lượng nhà đầu tư nước ngoài rót vốn qua hình thức đầu tư gián tiếp nhiều nhất cả nước, chiếm gần 60% tổng giao dịch qua hình thức đầu tư này trong năm nay. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm qua, cả nước có 9.842 lượt nhà đầu tư ngoại giao dịch qua hình thức đầu tư gián tiếp.

Đáng chú ý, doanh nghiệp ngoại đầu tư vào TPHCM có chiều hướng tăng mạnh qua hình thức góp vốn, mua cổ phần hoặc thâu tóm doanh nghiệp trong nước, trong khi số dự án FDI có xu hướng ít hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, có nhiều thương hiệu của TPHCM, nơi một thời vang danh với cái tên “hòn ngọc Viễn Đông”, đã thuộc về nhà đầu tư ngoại.

Cụ thể, trong năm nay, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 1.320 dự án đầu tư mới (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,84 tỉ đô la Mỹ. Nếu tính thêm gần 859 triệu đô la của 309 lượt dự án FDI tăng vốn, thì tổng vốn FDI đăng ký trong năm nay trên địa bàn thành phố chỉ đạt gần 2,7 tỉ đô la.

Trong khi đó, cùng thời gian trên có 5.720 lượt nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước trên địa bàn thành phố, với vốn góp đăng ký tương đương khoảng 5,59 tỉ đô la Mỹ, nhiều hơn gấp đôi vốn FDI cam kết vào thành phố này. Đáng chú ý, số lượt dự án đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư ngoại năm nay cao hơn đến 2.437 giao dịch so với năm 2018.

Điều này cho thấy, dòng vốn đầu tư vào TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung của nhà đầu tư ngoại thông qua phương thức mua bán và sáp nhập (M&A) đang nổi trội hơn so với phương thức đầu tư trực tiếp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM không cung cấp những lĩnh vực, ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, nhưng giới quan sát nhìn nhận các doanh nghiệp bất động sản, bán lẻ, sản xuất thực phẩm, đồ tiêu dùng nhanh, tài chín,… của TPHCM đang có sức hút mạnh mẽ cho hoạt động M&A của nhà đầu tư ngoại.

Những điều băn khoăn phía sau luồng vốn M&A

Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đầu tư vào thành phố qua hình thức M&A, các ý kiến cho rằng một phần do hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch M&A với các doanh nghiệp trong nước. Và với hơn 95 triệu dân, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định trong những năm qua cũng được cho là nguyên nhân thu hút mạnh dòng vốn ngoại qua hình thức M&A được coi là con đường nhanh nhất để các doanh nghiệp ngoại thâm nhập thị trường Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, việc mua lại cổ phần hoặc một thương hiệu sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm đáng kể chi phí ban đầu và tận dụng, khai thác ngay các lợi thế của thị trường sẵn có.

Mặt khác, các chuyên gia tư vấn còn cho rằng, trong nhiều thương vụ M&A lý do quan trọng để doanh nghiệp Việt bán cho nhà đầu tư nước ngoài là bởi nhu cầu về gia tăng tài chính để phục vụ cho kế hoạch phát triển. Nhiều doanh nghiệp khi muốn mở rộng thì phải huy động thêm vốn, kêu gọi nhà đầu tư mới vào tham gia hoạt động quản trị và điều hành. Bởi, nếu cứ duy trì hoạt động như cũ thì sẽ bị các doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực quản trị tốt hơn đè bẹp.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế hội nhập sâu rộng của Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp nội địa cũng cho rằng đây là cuộc chơi khốc liệt và nhận thấy khó có thể trụ vững khi các đối thủ ngoại mạnh cả về thương hiệu, công nghệ và tiềm lực tài chính đang xâm nhập sâu vào thị trường trong nước, nên quyết định bán.

Bên cạnh đó, hậu thương chiến Mỹ – Trung, xuất hiện xu hướng nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia dự định hoặc có kế hoạch dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, và Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm đến của nhà đầu tư. Việc mua cổ phần hoặc thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam tăng cao trong năm 2019 cũng là cách để các nhà sản xuất nước ngoài nhanh chóng ổn định hoạt động để kịp thời cung ứng cho thị trường Mỹ.

 

Nguồn : https://www.thesaigontimes.vn/298796/tphcm-nhieu-doanh-nghiep-vao-tay-nha-dau-tu-ngoai.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến