27 C
Ho Chi Minh City
Thứ Tư, 15/05/2024

HomeTài ChínhÁp lực NIM thu hẹp, nhà băng thận trọng với chiến lược...

Áp lực NIM thu hẹp, nhà băng thận trọng với chiến lược co kéo lợi nhuận

1123

Khó khăn của thị trường trái phiếu bất động sản khiến nợ xấu có nguy cơ gia tăng tại các ngân hàng. Ảnh: TL.

Khó khăn của thị trường trái phiếu bất động sản khiến nợ xấu có nguy cơ gia tăng tại các ngân hàng. Ảnh: TL.

Chi phí đầu vào tăng cao khiến NIM hụt hơi

Có thể nói 2022 là năm không mấy tươi sáng đối với thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng khi hầu hết thị giá cổ phiếu ngân hàng đều giảm mạnh từ 9-59%. Đó là “hệ lụy” khiến tỷ suất tài sản sinh lãi của các ngân hàng trong năm 2023 có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến biên lãi ròng có thể thu hẹp nhẹ trong 1 đến 2 quý tới.

“Chúng tôi tin rằng NIM sẽ chịu áp lực đáng kể hơn đối với những ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp và cho vay chủ đầu tư bất động sản ở mức cao. Theo đó, việc gia tăng NIM và gia tăng các khoản lãi dự thu nếu xảy ra đồng thời sẽ là điểm cần theo dõi chặt chẽ trong năm 2023”, SSI Research nhận định.

Thông tin từ một số cuộc gặp gỡ nhà đầu tư của các ngân hàng như VietinBank, VPBank, VIB… gần đây cho thấy nhu cầu tín dụng đang thấp hơn kỳ vọng các ngân hàng khi nhiều khoản vay lãi suất cao được khách hàng chủ động tất toán, dư nợ mới tập trung vào các khoản vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn. Trong khi đó, nguồn huy động có xu hướng dịch chuyển ngược lại từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tiền gửi ngắn hạn sang kỳ dài với lãi suất cao.

Mặt khác, chất lượng tài sản đang xấu đi nhanh, thể hiện ở lãi và phí dự thu tăng và nợ nhóm 2 tăng mạnh. Sự lo lắng của ngân hàng và các doanh nghiệp về việc các khoản vay đứng trước nguy cơ nhảy nhóm lên nợ xấu trong các quý tới tại các cuộc làm việc của cơ quan quản lý với doanh nghiệp ngành bất động sản mới đây cho thấy nguy cơ lớn với bảng cân đối của các ngân hàng.

Một lãnh đạo cao cấp VietinBank chia sẻ, NIM của Ngân hàng giảm chủ yếu do có dư nợ và số tiền lãi theo chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước đứng đầu toàn hệ thống ngân hàng, với dư nợ hỗ trợ lãi suất gần 9.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất cao hơn các khoản vay thông thường nên trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó đã ảnh hưởng xấu đến NIM.

Chưa kể, chất lượng tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản suy yếu do tình trạng tắc thanh khoản và lợi nhuận lao dốc tại các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, các khoản cho vay mua nhà hết thời hạn ưu đãi, đến hạn trả nợ gốc và lãi trong năm 2023, trong bối cảnh thu nhập người dân suy giảm hậu Covid-19.

Ngoài ra, nợ xấu chéo từ “cục máu đông” trái phiếu bất động sản cuối năm 2022 khoảng 420.000 tỷ, trong đó ngân hàng nắm giữ 150.000 tỷ, nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ khoảng 270.000 tỷ.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng nhấn mạnh, nguyên nhân cốt lõi khiến NIM suy giảm đó là việc huy động với mức lãi suất cao, khiến chi phí đầu vào gia tăng. Để đảm bảo NIM, các ngân hàng thường lựa chọn giải pháp nâng lãi suất cho vay. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, điều này góp phần làm giảm khả năng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của người vay, khiến chất lượng tài sản của ngân hàng bị ảnh hưởng.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng, trong thời gian tới, một thực tế cần nhìn nhận đó là NIM sẽ không thể dày dặn như trước đây. Bởi lẽ, áp lực lên lạm phát hiện rất lớn khiến kỳ vọng lạm phát tăng. Ngân hàng phải duy trì mức lãi suất huy động đủ hấp dẫn trong khi vẫn phải nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch. Như vậy biên độ NIM sẽ giảm. Ngân hàng phải chấp nhận trong vài tháng tới trước khi sức ép lạm phát giảm nhiệt. Muốn có biên độ lợi nhuận cao hơn trong một vài quý tới thì các rủi ro phải được giải quyết trước.

Nhìn dài hạn hơn, ông Bình cho rằng, xu hướng NIM sẽ giảm khi các ngân hàng dần dịch chuyển mô hình kinh doanh từ cho vay truyền thống sang dịch vụ tài chính, khi đó thu nhập ngoài lãi từ phí, dịch vụ, đầu tư… sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng thu nhập của ngân hàng. Ngoài ra, khi các ngân hàng bước sang Basel III thì việc nâng cao các tiêu chí về bộ đệm vốn và bộ đệm thanh khoản như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản… cũng sẽ làm giảm NIM trong tương lai.

Chống chọi ra sao?

NIM ngân hàng sẽ thu hẹp hơn trong bối cảnh thanh khoản căng thẳng và các ngân hàng tăng cường phòng thủ. Ảnh: TL.

NIM ngân hàng sẽ thu hẹp hơn trong bối cảnh thanh khoản căng thẳng và các ngân hàng tăng cường phòng thủ. Ảnh: TL.

Tín dụng được dự báo tăng thấp hơn và NIM thu hẹp khiến các nhà băng thận trọng hơn trong việc nấc thang chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023.

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng tỏ ra “dè dặt” hơn khi dự báo cho thời gian tới với 56,4 – 75,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022; 95,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022; còn 2,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022.

 

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới công bố, các chuyên gia phân tích tại SSI Research tin rằng, xu hướng chính sách sẽ là yếu tố then chốt tiếp tục định hướng hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm 2023, với tâm điểm vẫn là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản thông qua dự thảo sửa đổi Nghị định 65.

“Chúng tôi đưa ra giả định với Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được ban hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2023 . Điều này sẽ giúp cho cả ngân hàng và các chủ đầu tư bất động sản có thêm “biên độ” giải quyết vấn đề của mình. Ước tính trước đây của chúng tôi trở thành kịch bản thận trọng hiện tại, trong đó Nghị định 65 không được sửa đổi nhưng các chủ đầu tư lớn vẫn sẽ có thể đàm phán với các ngân hàng trong việc cơ cấu lại lịch trả nợ”, SSI Research cho biết.

Đồng thời cho rằng với mức lãi suất cho vay hiện tại, việc đưa ra mức lãi suất mà người đi vay có thể chịu được để không phát sinh nợ xấu sẽ quan trọng hơn việc duy trì chênh lệch lãi suất tốt để củng cố thu nhập NIM của ngân hàng.

Đưa khuyến nghị, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói: “Các ngân hàng phải duy trì NIM thực tế ở mức 3% để đảm bảo lợi nhuận và khả năng chống đỡ nợ xấu trong tương lai”.Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng có sự chủ động trích lập “bộ đệm” dự phòng tương đối sớm, trang bị đủ “sức khỏe” để đối phó với các rủi ro từ nợ xấu như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, MBBank… với dự phòng cao, gấp đôi thậm chí gấp ba quy mô nợ xấu nội bảng, cho phép các ngân hàng này có nguồn lực vững chắc để chống chọi với rủi ro tín dụng.

“Một điều cần nhấn mạnh lại là các ngân hàng bắt buộc phải điều chỉnh lại chiến lược quản trị rủi ro, hướng tới việc cải thiện NIM trong trung và dài hạn. Chỉ khi đó mới đảm bảo hoạt động ngân hàng được quản trị tốt, giúp NIM ổn định trong thời gian dài, không lên xuống thất thường theo diễn biến của thị trường”, ông Hiếu nhận định.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến