Ngắn hạn, TTCK có thể vẫn còn chịu áp lực giảm điểm, bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh và tâm lý thận trọng vì thế vẫn còn. 
“Các yếu tố nền tảng của TTCK Việt Nam đã khác so với giai đoạn dịch mới bắt đầu bùng phát”

Cuối tháng 3/2020, VN-Index đã chạm đáy 650 điểm sau đó có sự bức tốc mạnh mẽ và kết thúc năm 2020 tại hơn 1.000 điểm và sau đó đã có thời điểm chạm mốc lịch sử 1.200 điểm.
Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch gần đây, chỉ số VN-Index nhiều lần phải chứng kiến mức giảm điểm lịch sử, đặc biệt phiên hôm qua 28/1, biên độ giảm của VN-Index gần như là tối đa, mất 6,67% xuống 1.023,94 điểm. 
Theo lý giải của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), phiên giảm điểm 28/1 là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau. Theo đó, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, kể từ khi thị trường trải qua một thời gian tăng điểm dài và mạnh, nhất là khi thị trường tiếp cận vùng đỉnh lịch sự quanh 1.200 điểm. 
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán quốc tế như TTCK Mỹ giảm mạnh, khi các chỉ số chính như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq Composite đều lần lượt giảm 2,1%, 2,6% và 2,6% – mức giảm đều rất mạnh từ đầu năm 2021 tới nay. Chứng khoán Hong Kong giảm hơn 2% cùng với Jakarta và Wellington, mức giảm tại sàn giao dịch Thượng Hải và Sydney cũng xấp xỉ 2%. Các sàn giao dịch Tokyo, Seoul, Mumbai, Singapore, Đài Bắc và Bangkok cũng mất hơn 1% điểm.
Với TTCK Việt Nam, thông tin về số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện tại Quảng Ninh, Hải Dương… đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư. Chính luồng thông tin này đã khiến thị trường gia tăng nhanh chóng áp lực bán tháo, làm hàng loạt cổ phiếu giảm sàn “vô điều kiện”.
Nhận định về xu hướng thị trường, đại diện lãnh đạo UBCKNN cho rằng, trong ngắn hạn, TTCK có thể vẫn còn chịu áp lực giảm điểm, bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh và tâm lý thận trọng vì thế vẫn còn. 
Tuy nhiên, “các yếu tố nền tảng của TTCK Việt Nam hiện nay đã khác so với giai đoạn dịch mới bắt đầu bùng phát cuối quý 1/2020”, lãnh đạo UBCKNN cho biết. 
Theo đó, về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Kinh tế vĩ mô tăng trưởng dương là một điểm sáng của Việt Nam. Các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát được kiểm soát, lãi suất giảm mạnh, dự trữ ngoại hối cao, tỷ giá ổn định, giá trị xuất nhập khẩu tăng ấn tượng,… đều đang tạo ra nền tảng hỗ trợ TTCK trong thời gian tới. Cùng với đó, mặc dù nhiều nhóm ngành chịu tác động lớn vì dịch Covid-19, nhưng nhìn chung sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết vẫn cho thấy sự khả quan. 
Trong chia sẻ mới đây về triển vọng đầu tư năm 2021, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu Dragon Capital cho biết, trong thời gian tới, TTCK Việt Nam vẫn còn hấp dẫn. Mức tăng trưởng năm 2021 dự đoán khoảng 26%, cao nhất trong 3-4 năm qua, gần bằng 2017. Thời điểm ông Tuấn đưa ra nhận định, PE thị trường đang ở 18 lần chuyên gia Dragon Cap cho rằng vẫn cảm thấy thị trường vẫn còn rất tốt để tham gia đầu tư.
Động lực ngắn hạn đến từ dòng tiền giá rẻ sẽ được đổ vào chứng khoán. Lãi suất ở vùng 18-19% ở giai đoạn 2011 đã giảm liên tục tới trước 2021. Từ quý 3,4/2020 lãi suất giảm mạnh, dẫn tới lãi suất tiền gửi giảm mạnh theo, xuống vùng 3-5% với kỳ hạn gửi dưới 6 tháng.
Trong khi đó động lực dài hạn tầm 3-4 năm tới là việc nâng hạng thị trường. Điều này tạo lực hút dòng vốn ngoại. Bên cạnh đó là sự đa dạng hóa tầng lớp đầu tư trong đó có tầng lớp trung lưu.


BẢO VY