Là một nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt khi đồng hành suốt chiều dài 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam, nói thông viết thạo tiếng Việt, với ông Dominic Scriven – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital – thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hành trình 20 năm thú vị và còn thú vị hơn nữa ở phía trước…

Nhân dịp đón năm mới Tân Sửu 2021, BizLIVE có cuộc trò chuyện với ông Dominic Scriven về những trải nghiệm trong hành trình 20 năm đó.

title bnnq

Chào ông. Được biết, ông tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) ngay từ những ngày đầu thành lập. Trong suốt chiều dài như vậy hẳn ông có nhiều trải nghiệm và kỷ niệm. Nhân dịp đón năm mới, ông có thể chia sẻ về những trải nghiệm và kỷ niệm ấn tượng nhất, hoặc kinh nghiệm của mình không?

Thực ra, tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1990, để tham quan tìm hiểu thị trường, lúc đó còn sơ khai. Sau đó năm 1992, tôi quay trở lại Việt Nam để học tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Hà Nội trong 2 năm.

Sau khi tìm hiểu các cơ hội trên thị trường, năm 1994 tôi lập Dragon Capital vì thấy có những cơ hội mà theo người ta nói Việt Nam nghiên cứu lập thị trường vốn với hy vọng thành lập thị trường vào năm 1996. Nhưng không ngờ năm 1997 có khủng hoảng tài chính châu Á nên Việt Nam hoãn đến 2000.

Những năm đầu không có thu nhập mà sống bằng vốn tự có, nhưng đến năm 2000 đúng nguyện vọng thiết lập thị trường. Chúng tôi có một quỹ đầu tư ngay từ đó đến bây giờ vẫn còn, lúc đó giá 1 USD/CP và bây giờ 8,5 USD/CP. Nếu quy ra qua các năm thì đạt trên 12%/năm. Không phải quá cao nhưng cũng không phải tệ. Chứng minh rằng dù có nhiều đỉnh, nhiều đáy thì nếu có tầm nhìn dài hạn và không quá tham, có sự kiên nhẫn thì kết quả trong thời gian dài tương đối được.

Những cổ phiếu đầu tiên chúng tôi đầu tư là REE, SAM, GIL, LAF, ACB, STB…, nói chung là đầu tư nhiều cổ phiếu ở nhiều ngành nghề bởi đa dạng hóa rủi ro bằng cách đa dạng hóa nơi đầu tư, đừng để cả trứng trong một rổ.

Sau 20 năm, thị trường trải qua nhiều cột mốc phát triển. Quan trọng nhất sống với thị trường là một hành trình, là một chuyến đi. Sức hút, sự thú vị chính là đi một lộ trình, một hành trình có thể nói từ thời điểm ban đầu không ai ngờ công ty này vẫn còn ở đây, không ai ngờ được thị trường đến nay có hơn 1.500 công ty niêm yết và cũng không ai ngờ tổng giá trị vốn hóa đạt trên dưới 200 tỷ USD, có 60.000 nhà đầu tư mở tài khoản mới, giá trị giao dịch hàng ngày xấp xỉ 20.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên theo tôi nghĩ 20 năm nữa có thể không ít thú vị hơn 20 năm vừa qua đâu.

quote1 przw

Cái hay của TTCK nó là một thị trường mà Việt Nam dù đã từ cơ chế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, hôm nay chúng ta ít khi nghe cụm từ cơ chế bao cấp, nhưng nên nhớ chỉ cách đây 20 năm từ bao cấp là phổ biến. Việt Nam đã quyết định thị trường hóa lao động, đất đai, công nghệ, hàng hóa và thị trường hóa vốn.

Cho nên thị trường vốn chỉ là một trong mấy thị trường ở Việt Nam, nhưng cái hay của thị trường là cùng một lúc thu hút, tập trung được rất nhiều nguồn thông tin ở rất nhiều phía, gần xa, hôm qua, hôm nay, ngày mai với nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quản trị, môi trường, quá nhiều thứ vào một thị trường và những yếu tố đó không bao giờ như nhau, thay đổi liên tục, từng ngày từng giờ, từng phút từng giây. Vậy nên những người sống trong thị trường này rất khó rút lui. Rất khó nghỉ ngơi vì nó ăn trong máu.

20 năm đầu tư, với chúng tôi lời có, lỗ có. Ai tham gia thì phải biết chăc chắn sẽ có những lúc lỗ, nếu không có lỗ thì không phải là thị trường chứng khoán.

Cho nên TTCK Việt 20 năm rồi tương đối ổn định nếu không nói là thành công. Nhưng điều đó quan trọng ở nền kinh tế, các chính sách của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt là chính sách mở cửa, chính sách đầu tư, chính sách đối với NĐTNN, với hiệp định thương mại, đặc biệt quan trọng là chính sách tài chính tiền tệ, tài khóa. Tất cả chính sách này tạo nền để cho TTCK hoạt động được. Và không thể không nói tới hạ tầng cơ sở của chính thị trường, đó là công nghệ, quy định, cấu trúc, thành phần, thành viên thị trường và cách điều hành của cơ quan quản lý.

Cả một hành trình rất thú vị, tôi cho rằng chưa xong và chỉ mới bắt đầu thôi, thị trường chứng khoán còn rất thú vị phía trước.

title1 hkfe

Với các công ty mà Dragon Capital đồng hành, ông đánh giá gì về sự hoàn thiện quản trị doanh nghiệp sau khi niêm yết cổ phiếu?

REE, SAM là những công ty tiên phong niêm yết cổ phiếu. Đây là 2 trong số nhiều công ty thực hiện cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài 2 doanh nghiệp này thì chúng tôi cũng không đầu tư nhiều công ty khác, cho nên tác động đầu tiên là khuyến khích các công ty lên sàn niêm yết cổ phiếu.

Tôi nghĩ đã là công ty đại chúng thì nên lên sàn chứng khoán và lên sàn phải hấp thụ những nguyên tắc về quản trị. Vì ban đầu nhiều công ty không phải không biết về quản trị nhưng nguyên tắc chưa được phổ biến, chưa có kinh nghiệm nhiều. Chúng tôi có giai đoạn cao điểm tham gia 44 ghế ở HĐQT của các công ty mình tham gia đầu tư. Lúc đó không có thù lao nhưng cần phải làm để hỗ trợ quản trị các công ty.

Sau 20 năm với bề dày kinh nghiệm, hiểu biết, mức chuyên nghiệp trong quản trị của công ty đại chúng, công ty niêm yết đã hoàn thiện rất nhiều.

Tất nhiên TTCKVN mới vận hành 20 năm, phía trước còn nhiều thách thức, nhiều vấn đề, thị trường mỗi ngày có những vấn đề mới đặt ra. Ví dụ quản trị thời Covid như thế nào…

Vậy ông có thể cho biết những doanh nghiệp như thế nào sẽ vào tầm ngắm đầu tư của quỹ, thưa ông?

Thị trường vốn, cổ phiếu và trái phiếu là sự tập trung hầu như là duy nhất của Dragon Cap. Trong đó, chúng tôi muốn kết hợp, đồng hành với công ty có chiến lược, có mô hình kinh doanh, có quản trị tốt và giá trị doanh nghiệp.

Mà mình không quá tham, muốn đầu tư dài hạn, lời vừa vừa, còn hơn đầu tư ngắn hạn lời lớn bởi vì mục tiêu, nhiệm vụ của chúng tôi là đầu tư dài hạn. Nếu doanh nghiệp đáp ứng được các yêu tố này thì chúng tôi sẽ đầu tư.

title2 hgrs

Sau 20 năm vận hành, TTCKVN trải qua năm 2020 với cơn bão Covid-19 và làn sóng tham gia của nhà đầu tư F0. Ông nhận định thế nào về làn sóng nhà đầu tư F0 và liệu nó có bền vững hay không?

Thứ nhất, phải nói xu hướng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà là xu hướng toàn cầu. Đặc biệt ở Mỹ người ta nói nhiều đến dịch vụ trên mạng là Robinhood giúp cho các nhà đầu tư tham gia.

Nhưng ở Việt Nam có lý do logic lý giải cho làn sóng nhà đầu tư F0. Thị trường bất động sản chững lại, lãi suất USD 0%, lãi suất tiền đồng hạ… thì chuyện ai có tiền nhàn rỗi chuyển một ít qua thị trường chứng khoán là hợp lý. Chưa kể mặt bằng giá trị doanh nghiệp tại TTCK Việt Nam năm qua không phải là quá cao, các công ty chịu đựng được, có thể nhận được vốn của nhà đầu tư.

qoute2 ntzc
Lâu dài hơn, nếu nói tổng cộng số nhà đầu tư đã mở tài khoản chưa đến 3 triệu tài khoản, số giao dịch thường xuyên sẽ ít hơn, khoảng 1 triệu, thậm chí vài trăm ngàn tài khoản. Và con số này so với gần 100 triệu người dân Việt Nam, hay 30 triệu người sống ở các đô thị lớn, hay 20 triệu người đi làm, hay hơn 20 triệu người có tài khoảng ngân hàng thì tôi cho rằng con số tham gia thị trường chứng khoán còn khá nhỏ. Về lâu về dài thị trường nếu đủ hấp dẫn sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia hơn.

Còn với sự phục hồi của TTCK Việt Nam năm qua, phải nói là bùng nổ mạnh mẽ, theo ông có mở ra hướng phát triển bền vững không, và để thực sự phát triển bền vững cần những điều gì, Việt Nam phải làm gì?

Có thể nói sự tập trung của yếu tố bền vững đòi hỏi cấu trúc, hiệu quả, chất lượng hạ tầng của chính thị trường. Cho nên năm nay có Luật Chứng khoán mới, có 4 nghị định mới, 10 thông tư định nghĩa lại từ đầu đến cuối tất cả các thành viên, các quy chế, hạ tầng về thị trường vốn. Và theo tôi nếu muốn thị trường bền vững, là nơi đầu tư có hiệu quả, có thanh khoản thì tập trung các vấn đề này.

Cũng liên quan đến câu hỏi trên, ngược lại với làn sóng F0, trong đà hồi phục mạnh mẽ đó, dòng chảy nổi bật của NĐTNN trên TTCKVN năm qua là chuỗi bán ròng kéo dài. Ông nói gì về diễn biến này?

Khi mà gặp sự cố thì đầu tiên nhà đầu tư ngoại lấy tiền chạy về nhà đã. Những thành tựu của Việt Nam năm rồi trong việc điều hành đất nước trong thời Covid thì mãi đến quý 3 thậm chí quý 4/2020 khối ngoại mới biết đến.

qoute3 ckyg

Bởi trước đó ai cũng hoang mang, chữa cháy đối với nước nhà đã mà không quan tâm, cũng không có thông tin về Việt Nam. Có thể họ nghĩ Việt Nam như Philippines, châu Phi chứ không đặc biệt. Và khi biết được thông tin thì gần đây NĐTNN bắt đầu quay lại thị trường Việt.

Dragon Capital có huy động vốn ở nước ngoài trong năm qua, trong đó có những nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhà đầu tư châu Á. Đây là những nhà đầu tư có thể đã ít nhiều đến thăm, hiểu kinh tế, thị trường Việt Nam. Cũng có một số nhà đầu tư châu Âu, Mỹ nhưng họ thận trọng hơn. Bởi chúng ta ở Việt Nam có thể hiểu và thấy rằng có cơ hội đầu tư ra sao, nhưng người ở xa xa thì chưa hiểu chính sách.

Để NĐTNN tham gia nhiều hơn vào TTCKVN, tôi nghĩ cần tạo thanh khoản cho họ với việc áp dụng cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR). Chúng tôi, những nhà đầu tư kỳ vọng nhiều điều này, sẽ mất thời gian vì là khái niệm mới, nhưng đây là giải pháp để giải quyết những điểm tạo cơ hội cho NĐTNN.

Với mức tăng trưởng kinh tế 2,91% mà Việt Nam đạt được trong năm 2020, cùng với nhiều chính sách được triển khai, ông nhìn nhận thế sao về triển vọng TTCK Việt trong năm 2021? Đâu sẽ là các trợ lực cho thị trường?

Đó là một bức tranh khá sáng sủa, tương đối thuận lợi.

Dựa vào nền tảng đã đạt được trong 2020 tạo niềm tin với doanh nhân, với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, có làn sóng chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, có các hiệp định thương mại đã ký. Ở trong nước có chính sách tiền tệ ổn định, lạm phát đang được kiểm soát. Kỳ vọng vào đầu tư công, đặc biệt vào hạ tầng. Và vào sự phục hồi tại chính các công ty niêm yết về mặt doanh thu, lợi nhuận.

Không chỉ Dragon Capital mà còn nhiều dự báo GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt trên 6%.

Còn với triển vọng nâng hạng thị trường thì sao, thưa ông?

Tôi cho rằng không nên kỳ vọng nhiều quá.

Theo tôi vẫn có những triển vọng tích cực nhưng vướng một vài yếu tố. Chúng ta đừng có lo lắng về việc nâng hạng, bởi đa phần NĐTNN đã xem Việt Nam như là thị trường mới nổi chứ không phải thị trường cận biên.

Xin được trò chuyện một chút về cảm xúc riêng của ông nhân dịp chào đón năm mới. Làm việc tại Việt Nam trong thời gian dài như vậy, hẳn ông đã đón Tết cổ truyền của Việt Nam? Nếu có, ông có thể chia sẻ cảm xúc, không khí những dịp đó?

Năm nay sẽ là một năm đặc biệt, là năm đầu tiên hơn trong 15 năm mà gia đình tôi bên nước Anh không qua Việt Nam ăn Tết cùng tôi. Các năm trước đây họ đều qua Việt Nam dịp Tết vì kết hợp ngày sinh nhật mẹ tôi, nhưng năm nay vì dịch Covid-19 nên không qua được. Mọi người trong gia đình tôi rất thích ăn Tết tại Việt Nam.

Những dịp lễ tết, thời gian rảnh rỗi ông có thường tìm hiểu du lịch, văn hóa của Việt Nam? Nếu có, đâu là những địa chỉ ông ghé thăm? Ông có ấn tượng về địa phương, hay nét văn hóa đặc trưng nào của người Việt?

Như các năm trước, cả nhà tôi thường đi Phú Quốc vì nơi đây biển đẹp, thời tiết đẹp, mọi người thấy nhẹ nhàng, vui vẻ, thoải mái nghỉ ngơi, đi tắm biển…

Tôi thích triển vọng của Việt Nam, khí hậu, món ăn, sự kết nối, tinh thần con người Việt. Người Việt có câu “Vui là chính”, tôi thích câu này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


HUYỀN TRÂM