Thị trường nhìn chung đã được dự báo về kịch bản đi ngang lình xình trong phiên cuối tuần. Tâm lý vì thế cũng không hề nặng nề và chấp nhận việc VN-Index hầu như giậm chân tại chỗ.
Chứng khoán 19/2: VN-Index đi ngang lình xình, đóng cửa tại 1.173 điểm

Trong cả phiên chiều, nhóm VN30 hầu hết đều giảm nhẹ, tổng cộng có 22 mã giảm so với 6 mã tăng và 2 mã đứng giá tham chiếu. Biên độ của cả nhóm tăng/giảm giá đều chỉ dưới 2% là một biên độ rất hẹp không phản ánh được rõ lực bán lẫn lực mua lên.
Các cổ phiếu VCB (-0,7%), VIC (-0,9%), VNM (-0,9%) đã thu hẹp lại đà giảm xuống chỉ còn 1% nên cả nhóm VN30 có điều chỉnh cũng đều thể hiện sự liên hệ chặt với các trụ.
Như đã lưu ý, việc thị trường có thể tăng được trong phiên chiều sẽ hoàn toàn nằm trong các biến động của nhóm VN30. Và điều này đã không thể xảy ra khi tiền chỉ đẩy vào thêm rổ VN30 gần 2.000 tỷ đồng. Cả phiên VN30 giao dịch được hơn 7.000 tỷ đồng, đóng góp 50% giá trị của toàn HOSE.
Nhà đầu tư hầu như rất khó để đẩy lệnh vào giao dịch khi hệ thống của HOSE quay lại tình trạng quá tải. Chỉ số VN-Index chấp nhận đóng cửa giảm 0,88 điểm xuống 1.173,5 điểm.
Trong khi đó, HNX dù không bị giới hạn về hệ thống giao dịch nhưng biến động của các cổ phiếu PVS (-3,21%) hay SHB (-0,63%) lại không thoát khỏi xu hướng của các nhóm ngành từ HOSE. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tăng 0,1% lên 231,18 điểm. Thanh khoản sàn đạt 101,85 triệu đơn vị, tương đương 1.722 tỷ đồng.
Sàn duy nhất không bị ảnh hưởng hôm nay lại là UPCoM. LTG (+6,7%), G36 (+6,8%), MSR (+3,9%), QNS (+2,8%) giao dịch đều khả quan và giúp chỉ số vượt qua tác động của BSR (-3,2%) do hiệu ứng chốt lời. Chỉ số UPCoM-Index tăng 1,04% lên 76,13 điểm. Thanh khoản sàn đạt 77,07 triệu đơn vị, tương đương 880,26 tỷ đồng.
=================
Top kéo điểm cuối phiên sáng đang là ACB (+5,7%) và BID (+1,4%) nhưng so với thời điểm 10h, trạng thái của 2 cổ phiếu này đều thu hẹp đà tăng. ACB lẽ ra đã phải tăng trần nhưng rốt cuộc bên bán vẫn rải lệnh để điều tiết theo các diễn biến của nhóm trụ.

VCB (-1%), GAS (-1,8%), VIC (-0,8%), VNM (-1,2%), VHM (-0,8%) hiện chưa có lực đẩy vào tạo cú bứt tăng tiếp. Thị trường cũng buộc phải chứng kiến sự điều chỉnh nhẹ diễn ra ở quy mô rộng hơn. Cuối phiên sáng chỉ còn 166 mã tăng so với 239 mã giảm và 73 mã đứng giá tham chiếu.
VN-Index hiện giảm 0,39% xuống 1.169,78 điểm. Thanh khoản sàn đang trở lại với mức cao trước Tết, đạt 419,86 triệu đơn vị, tương đương 10.598 tỷ đồng trong đó thỏa thuận 584,84 tỷ đồng. Với trạng thái này sẽ đòi hỏi tiền lớn rất tập trung vào các cổ phiếu trụ trong phiên chiều mới có thể đẩy chỉ số tăng tiếp. Nếu không kịch bản đi ngang tạo đà cho tuần sau sẽ trở thành hiện thực.
Trong khi đó, khối ngoại vẫn mua ròng 56 tỷ đồng nhưng việc họ bán ra VNM (-67 tỷ đồng) ít nhiều đã khiến tiền giải ngân thu hẹp lại.
Với HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục lình xình và hiện đã quay đầu giảm 0,08% xuống 230,78 điểm. Thanh khoản sàn đạt 69,3 triệu đơn vị, tương đương 1.245,38 tỷ đồng.
===========
VIC (-1,2%), VCB (-1,3%) tăng khá đột ngột trong phiên đáo hạn phái sinh chiều qua. Vì vậy, diễn biến kiểm tra lại cung cầu sáng nay là khá hợp lý. Nhóm này tạo ra những trở ngại nhất định từ đầu phiên dù không đáng kể. Chỉ số VN-Index cần tới gần 1 tiếng để lấy lại sắc xanh nhờ sự chung sức của các cổ phiếu Ngân hàng như BID (+2,1%), ACB (+6,9%), MBB (+3,1%) và Khu Công nghiệp GVR (+3,5%). Trong số này ACB thậm chí còn đang xuất hiện giá trần.
Với GVR đây đã là phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp kể từ sau khi thị trường hoạt động trở lại sau Tết Tân Sửu. Giao dịch tích cực của GVR tiếp tục đến từ thông tin lọt vào MSCI. Và nó cũng rất giá trị để các cổ phiếu Khu Công nghiệp khác như BCM (+2%), LHG (+0,3%) đem lại sự phấn chấn cho nhà đầu tư.
Tạm thời, nhóm Dầu khí đang cần nghỉ ngơi sau khi liên tục góp sức vào sự đi lên của thị trường. GAS (-1,1%), PVD (-0,2%), PVT (-1,7%) đều đang điều chỉnh nhẹ. Hiện chỉ có PXS (+3,8%) vẫn đang giữ được lửa trong nhóm.
Diễn biến VN-Index đang lình xình là điều không gây ngạc nhiên, lúc 10h chỉ số tạm thời ngoi lên 1.171 điểm. Dòng tiền giao dịch ở nhóm Midcap và Penny do vậy cũng ít có lý do để chuyển dịch khẩu vị. Các cổ phiếu SJS (+6,8%), DIG (+3,2%), FRT (+3,7%) đang tranh thủ ngoi lên trong khi một số mã tăng mạnh như FPT (-1%), DGW (-1,5%), PDR (-1,2%), DXG (-0,2%) lại tận dụng để hạ nhiệt. Bức tranh thị trường vẫn là sự đan xen của sự bứt phá với các cổ phiếu điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng. 
Một điểm đáng chú ý là khối ngoại sau 2 phiên mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng tập trung vào các ETF nội thì đang mua bán khá cầm chừng. Nhóm này đang mua ròng gần 70 tỷ đồng trong đó ưu tiên lớn nhất là MBB (+77,75 tỷ đồng).
Trên HNX, PVS (-1,83%) điều chỉnh đúng theo các diễn biến của nhóm Dầu khí và vì vậy chỉ số HNX-Index cũng chủ yếu lình xinh trên tham chiếu. Tới 10h, HNX-Index đang tăng nhẹ lên 231,35 điểm.


MAI HƯƠNG