Cổ phiếu VHC đã có tuần điều chỉnh giảm gần 7% và để thủng ngưỡng MA200. Diễn biến này liệu đã nguy hiểm với xu hướng tăng của VHC?
[Cổ phiếu nổi bật tuần] Chờ được định giá lại, VHC đang bị tụt lại so với thị trường chung

Ảnh minh họa.
Cổ phiếu bị tụt lại so với thị trường chung
Tuần rung lắc mạnh của thị trường vừa qua đã chứng kiến cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn rơi sâu hơn cả chỉ số. VHC đã giảm gần 7%, từ 41.900 đồng/cổ phiếu xuống 39.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, VN-Index dù có giảm cũng chỉ bị thiệt hại 2,67%.
Mức giảm của VHC không chỉ mạnh hơn thị trường chung mà còn đưa cổ phiếu này một lần nữa xuống dưới đường MA200. Đây là lần thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2021, cổ phiếu VHC bị thủng MA200. Tuy nhiên, so với lần rơi vào cuối tháng 1 đến giữa tháng 2, đợt giật xuống lần này lại có mức đáy cao hơn đáy cũ. 
Qua đó, cho thấy lượng tiền rút ra là không mạnh bằng và VHC đang có khá nhiều cơ sở để sớm vá lại đường MA200 ở vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Nền giá này cũng đồng thời là khu vực được nhà đầu tư mua vào khá tốt và duy trì được trạng thái đi ngang cuối năm 2020.
vhc1 nmqn

Diễn biến cổ phiếu VHC
Vấn đề của VHC có lẽ không phải là việc phải lấy lại mốc MA200 trong thời gian tới mà câu hỏi được đặt ra với nhà đầu tư là VHC sẽ cần bao lâu để kiểm tra lại khu vực này. Vẫn hoàn toàn có thể xảy ra một nhịp rung lắc mới và cổ phiếu sẽ lại mất thêm một vài tuần để bật lại.
Hiện tính từ thời điểm cuối tháng 1 cho đến nay, VHC đã mất gần 2 tháng bị “quẩn chân” ở MA200. Trong khi đó, ở sóng tăng cuối năm 2020, VHC chỉ mất tầm 2 tháng đã xuất hiện một đợt tăng bền bỉ cùng thị trường. 
Một kịch bản tích lũy khó chịu hoàn toàn có thể xảy ra để thử thách nhà đầu tư dài hạn với VHC. So với thị trường chung dù đi ngang nhưng vẫn ở mức trên MA200, VHC đang cho thấy sự đuối sức hơn đáng kể.
Chờ dòng tiền vào làm thay đổi định giá
CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá mảng phi lê cá tra của VHC sẽ bước vào chu kỳ tăng mới sau 2 năm suy yếu trong khi mảng collagen và gelatin (C&G) vốn có biên lợi nhuận cao (chiếm 38% LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021) có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Lợi nhuận ròng của mảng C&G đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 34% trong giai đoạn 2020-2023 nhờ vào việc mở rộng 75% công suất vốn bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 10/2020. Năm 2020, doanh thu của mảng C&G tăng 13% và đóng góp khoảng 37% vào LNST sau lợi ích CĐTS cốt lõi của VHC. VHC sẽ nhanh chóng lấp đầy công suất mới nhờ thị phần toàn cầu hiện đang ở mức thấp (<1%) và nhu cầu cao đối với C&G hàng hải.
Tuy nhiên, VCSC hạ giá mục tiêu VHC xuống 47.300 chủ yếu do vấn đề liên quan đến tình hình khan hiếm container toàn cầu. Những gián đoạn này sẽ duy trì trong ít nhất nửa đầu năm 2021; do đó, VCSC giảm 4% sản lượng phi lê dự phóng giai đoạn 2021-2023 cho VHC. Sản lượng phi lê có thể phục hồi 8% trong năm 2021 so với mức thấp vào năm 2020.
Nguồn cung cá nguyên liệu hạn chế sẽ thúc đẩy giá bán phi lê và biên lợi nhuận gộp của VHC trong 6 tháng cuối năm 2021. Trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc yếu hơn, giá cá tra nguyên liệu (mỗi kg) giảm còn 19.500 đồng (0,8 USD) vào tháng 1/2021 so với mức 0,94 USD vào tháng 10/2020. Kỳ vọng mức giá thấp hơn này sẽ ảnh hưởng hoạt động nuôi cá trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính như đậu nành tăng trong thời gian gần đây (+53% vào tháng 2/2021).
VCSC dự báo doanh thu và giá bán trung bình của phi lê (ASP) của VHC (mỗi kg) sẽ tăng từ 2,4 USD trong quý 4/2020 lên 2,9 USD trong năm 2021, hỗ trợ biên lợi nhuận gộp phi lê tăng thêm 1,1 điểm phần trăm lên 12,4% trong năm 2021.
vhc2 oykt

Nguồn VCSC 
Tại mức giá mục tiêu 47.300 đồng/cổ phiếu, mức P/E được dự phóng năm 2021 là 10,2 lần – cao hơn P/E trượt trung bình 5 năm là 7,3 lần. VCSC cho rằng VHC nên được định giá lại do đóng góp lớn hiện tại của mảng C&G (so với không đóng góp trong năm 2017) và mảng C&G sẽ có định giá cao hơn so với mảng xuất khẩu phi lê truyền thống của VHC.


MAI HƯƠNG