26.2 C
Ho Chi Minh City
Thứ Năm, 16/05/2024

HomeTài ChínhĐồng USD có năm giảm giá mạnh nhất kể từ 2020

Đồng USD có năm giảm giá mạnh nhất kể từ 2020

1150

Đồng USD đang tiến tới hoàn tất năm mất giá mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, do giới đầu tư tin chắc rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024 sau khi đưa lạm phát về vùng an toàn.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã biến động mạnh trong năm nay theo kỳ vọng của thị trường về lãi suất Fed. Tuy nhiên, chỉ số sẽ có năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, với mức giảm từ đầu năm đến ngày 28/12 là hơn 2,3%, khi chỉ còn một phiên giao dịch nữa là kết thúc năm 2023.

Phần lớn sự giảm giá của đồng USD diễn ra trong quý 4 năm nay, khi thị trường gia tăng đặt cược rằng Fed sẽ mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới, khi nền kinh tế Mỹ giảm tốc và lạm phát được khống chế. Kỳ vọng lãi suất mới này làm suy giảm sức hấp dẫn của đồng USD, nhất là khi các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được dự báo sẽ giữ lãi suất cao lâu hơn Fed. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có khả năng sẽ chấm dứt lãi suất âm trong nửa đầu năm 2024, nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất vào tháng 4.

Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược Fed giảm lãi suất tổng cộng ít nhất 1,5 điểm phần trăm trong năm tới, với đợt giảm đầu tiên có thể diễn ra ngay vào tháng 3. Kỳ vọng về mức giảm của lãi suất Fed đã tăng lên từ mức dưới 1 điểm phần trăm vào thời điểm giữa tháng 12, và nhiều gấp đôi so với dự báo mà Fed đưa ra trong cuộc họp tháng 12. Giới chức Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 0,75 điểm phần trăm trong năm 2024. Kể từ sau cuộc họp hôm 13/12 của Fed, giới giao dịch ngày càng gia tăng đặt cược vào sự mất giá của USD.

“Thị trường đang định vị một kịch bản ‘trạng thái vàng’ của nền kinh tế Mỹ, trong đó Fed sẽ giảm lãi suất đủ để kích thích tăng trưởng mà không khiến lạm phát ‘bốc đầu’ trở lại. Đó là lý do khiến đồng USD trượt giá”, chiến lược gia Amanda Sunstrom của ngân hàng Thuỵ Điển SEB AB nhận định với hãng tin Bloomberg.

Bà Sunstrom nói thêm rằng xu hướng giảm giá của USD có thể duy trì trong năm 2024 do các số liệu kinh tế Mỹ tiếp tục suy yếu nhưng không tới mức để kích thích nhu cầu nắm giữ USD như một tài sản an toàn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định do đã giảm mạnh thời gian gần đây, đồng USD đang có dư địa để hồi phục trong ngắn hạn. Sau khi giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng dưới 101 điểm vào hôm thứ 27/12, Dollar Index đã tăng trở lại trong phiên ngày 28/12, đạt hơn 101,2 điểm.

Diễn biến chỉ số Dollar Index từ đầu năm tới nay.
Diễn biến chỉ số Dollar Index từ đầu năm tới nay.

Việc đồng USD mất giá trong năm nay đồng nghĩa với sự tăng giá của nhiều đồng tiền khác. Đồng bảng Anh dự kiến sẽ có năm tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2017, với mức tăng từ đầu năm của đồng tiền này so với USD đã đạt hơn 5% – mạnh nhất kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cách đây 6 năm.

Đồng franc Thuỵ Sỹ trên đà hoàn tất năm tăng mạnh nhất kể từ 2010 do các nhà giao dịch tin rằng Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) sẽ giữ chính sách thắt chặt hơn so với các ngân hàng trung ương khác.

“Nếu có một ngân hàng trung ương nhiều khả năng phải can thiệp vào thị trường tiền tệ để hãm sự tăng giá của đồng nội tệ trong năm 2024, thì đó sẽ là SNB. Nhưng tôi sẽ không đặt cược nhiều vào đồng franc Thuỵ Sỹ cho tới khi có được những thông tin rõ ràng hơn từ BOE”, chiến lược gia Geoffrey Yu của ngân hàng BNY Mellon nhận định.

Đồng euro hôm 27/12 đạt mức cao nhất 5 tháng so với USD, vì thị trường tin rằng dù có bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024, ECB sẽ hành động sau Fed.

Trong tháng 12 này, đồng USD đã giảm giá khoảng 4% so với đồng yên Nhật do khả năng BOJ sẽ tăng lãi suất để chấm dứt trạng thái lãi suất âm vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, đồng yên đã giảm hơn 8% so với USD do trái chiều chính sách tiền tệ giữa BOJ và các ngân hàng trung ương lớn khác, khi BOJ giữ lãi suất âm để kích thích lạm phát, còn Fed, ECB và BOE tăng lãi suất để giảm lạm phát.

“Vài tháng tới đây, Nhật Bản rốt cục sẽ rút khỏi chính sách lãi suất siêu thấp. ECB thì đang thể hiện quan điểm cứng rắn hơn so với Fed”, chiến lược gia Lou Brien của DRW Trading nói với hãng tin Reuters. Ông cho rằng đối với Mỹ, việc giảm lãi suất gần như là chắc chắn trong năm tới, quan trọng là Fed sẽ giảm lãi suất vì lý do gì.

“Nếu Fed giảm lãi suất vì lạm phát giảm, thì đó là một kịch bản tốt. Nhưng nếu Fed giảm lãi suất vì kinh tế suy yếu, thì đó sẽ là một tin xấu. Động lực để Fed giảm lãi suất vẫn là điều chưa thể khẳng định chắc chắn, và sẽ là nhân tố quan trọng nhất”, ông Brien nói thêm.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_imgspot_imgspot_img

Phổ Biến