BizLIVE – Trong đó, ngay chính Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục là đầu mối chưa có báo cáo đầy đủ.
Hai đầu mối lớn còn trống nhiều báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp

Ảnh minh họa.
Như BizLIVE đề cập ở bản tin trước, Bộ Tài chính vừa công bố văn bản tổng hợp Báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019, trọng tâm là đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo này, tính đến thời điểm 30/11/2019, Bộ Tài Chính chưa nhận được đầy đủ báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2019, còn 04/20 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa gửi đầy đủ Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Theo đơn vị tỉnh/thành, còn 7/63 UBND tỉnh/TP chưa gửi đầy đủ và 3/63 UBND tỉnh/TP chưa gửi báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với DNNN và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, có 2 đơn vị đại diện chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn  được Bộ Tài chính nêu cụ thể là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) và UBND TP.HCM.

Được biết, UBQLVNN đang thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty. Tổng doanh thu của 19 doanh nghiệp này năm 2018 là 746.768 tỷ đồng chiếm 55,45% tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trên cả nước.
“Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 30/11/2019, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của 10/19 tập đoàn, tổng công ty; còn 09/19 tập đoàn, tổng công ty, UBQLVNN tại doanh nghiệp chưa gửi báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019 là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnamairlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triên đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV)”, Bộ Tài chính nêu cụ thể.
Hôm 16/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của UBQLVNN, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ ra những tồn tài của cơ quan này như: còn tình trạng chậm thực hiện một số công việc quan trọng, chậm phê duyệt chức danh quản lý của một số tập đoàn, tổng công ty; chậm cổ phần hóa thoái vốn; việc sắp xếp lại nhà, đất của các tổng công ty, tập đoàn còn vướng mắc khiến cổ phần hóa thoái vốn bị chậm; chất lượng thẩm định, phê duyệt đối với một số dự án đầu tư còn thấp…
Đáng chú ý, trước đó, trong báo cáo giám sát tài chính năm 2018, UBQLVNN cũng là cơ quan duy nhất trong trong 20 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi chưa đầy đủ Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Đồng thời, UBQLVNN cũng là đơn vị duy nhất trong 20 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi chưa đầy đủ Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp (07/13 DNNN).
Không có số liệu để phân tích do TP.HCM chưa báo cáo
Với UBND TP.HCM, năm 2018, tổng số 46 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP.HCM có doanh thu là 64.709 tỷ đồng (chiếm 35,79% tổng doanh thu), lợi nhuận đạt 7.606 tỷ đồng (chiếm 41% tổng lợi nhuận), số nộp ngân sách nhà nước là 9.893 tỷ đồng (chiếm 24,26% tổng nộp ngân sách nhà nước).
Bộ Tài chính cho biết, UBND TP.HCM là đơn vị thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhiều doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận, số nộp ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ phần trăm lớn trên tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của các DNNN do địa phương quản lý trên cả nước.


“Tuy nhiên, đến thời điểm 30/11/2019, UBND TP.HCM chưa có báo cáo nên Bộ Tài chính chưa có số liệu để phân tích 6 tháng đầu năm 2019”, Bộ Tài chính nêu ý kiến.

“Do báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2019 còn thiếu nên số liệu tổng hợp chưa phản ánh được đầy đủ và chính xác tình hình tài chính của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính chưa đủ cơ sở để đánh giá, so sánh”, Bộ Tài chính dẫn giải thêm trong văn bản công bố cuối tuần qua.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu nghiêm túc thực hiện việc lập báo cáo, đảm bảo đúng nội dung, đúng biểu mẫu, đầy đủ số liệu, đúng thời hạn và gửi về Bộ Tài chính theo quy định.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại CTCP, công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. 
UBQLVNN ra mắt ngày 30/9/2018. Tại thời điểm này, UBQLVNN đã tiếp nhận 19 tổng công ty, tập đoàn kinh tế với vốn chủ sở hữu gần 1 triệu tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

TUẤN VIỆT