BizLIVE – Đây là khẳng định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp địa bàn Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, tổ chức sáng nay (14/5).
“Ngân hàng không thiếu vốn cho vay, nhưng doanh nghiệp cần chứng minh hiệu quả”

Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp địa bàn Hà Nội sáng nay (14/5).
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ những năm trước.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tháng 1 đạt 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 đạt khoảng 1,2%. 
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ. Ước tính tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ.
Trước tình hình dịch đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3/2020 để các tổ chức tín dụng triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch. 
Miễn, giảm phí thanh toán kể cả của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên quy mô lớn, với số tiền khoảng 1.004 tỷ đồng. 
Cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Chính sách Xã hội có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.
Riêng Ngân hàng Chính sách cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103 nghìn khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 517 nghìn khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỷ đồng.  
Trong thời gian tới, ông Hùng cho rằng, khả năng nợ xấu sẽ gia tăng khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường. Dù Việt Nam đã khống chế thành công dịch nhưng vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới.
Về mặt khách hàng, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, có nhiều khách hàng vốn đã gặp khó khăn từ trước khi có dịch Covid nhưng vẫn gửi đơn xin hỗ trợ trong diện bị ảnh hưởng bởi dịch. Điều này có thể khiến sự hỗ trợ đến với sai đối tượng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng nghiêm cấm việc lợi dụng chính sách hỗ trợ, nếu không thực hiện đúng theo Thông tư 01 thì tổ chức tín dụng sẽ phải chịu trách nhiệm.
Đối với ý kiến của một số người dân, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định, các ngân hàng không thiếu vốn cho vay và cũng cần phải cho doanh nghiệp vay vốn, nhưng các doanh nghiệp cần chủ động trong việc chứng minh được hiệu quả của dự án. 
Bởi, nhiều doanh nghiệp vay vốn để mua nguyên liệu đầu vào, sản xuất nhưng lại chưa rõ được đầu ra như thế nào. 
Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các doanh nghiệp giai đoạn này cần phải tư duy, điều chỉnh cơ cấu hoạt động để có phương án kinh doanh hiệu quả, phù hợp với năng lực tài chính. 

TRẦN THÚY