Dịch Covid-19 và giá dầu thô sụt giảm liên tục đã khiến nhiều nguồn thu vào ngân sách bị ảnh hưởng lớn.
Nhiều khoản thu đồng loạt giảm, ngân sách bội chi lớn sau 5 tháng

Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính vừa công bố một số thông tin, số liệu về tình hình ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đầu năm với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19 và sự sụt giảm liên tục của giá dầu thô.
Đồng loạt sụt giảm các khoản thu
Theo thống kê, thu cân đối NSNN tháng 5 ước đạt 70,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 5 tháng đạt 577 nghìn tỷ đồng, bằng 38,2% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong các khoản thu, thu nội địa tháng 5 ước đạt 56,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế 5 tháng ước đạt 480,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38% dự toán, giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2019. Thu từ dầu thô tháng 5 giảm mạnh, ước đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1 nghìn tỷ đồng so với tháng 4. Lũy kế 5 tháng ước đạt 19,84 nghìn tỷ đồng, bằng 56,4% dự toán, giảm tới 17,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5 ước đạt 12,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 5 tháng ước đạt 76,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, giảm tới 23,4% so với cùng kỳ năm 2019.
cyldfs bizlive vn
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 196,8 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm, như xăng dầu các loại giảm 48,1%, ôtô nguyên chiếc giảm 44%, sắt thép giảm 15,9%, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 3%,… trực tiếp tác động làm giảm thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Chi tăng khá nhưng chưa đạt yêu cầu
Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN tháng 5 ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi 5 tháng đạt 603,4 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 122,24 nghìn tỷ đồng, bằng 26% dự toán. Bộ Tài chính đánh giá mức chi này tuy có khá hơn về tiến độ so với năm 2019, song vẫn ở mức thấp so với yêu cầu.
Trong 5 tháng đầu năm, chi trả nợ lãi đạt 49 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán và chi thường xuyên đạt 428,7 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% dự toán.
Đáng chú ý, NSNN giai đoạn này đã phải chi những khoản rất lớn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch.
Cụ thể, theo số liệu tổng hợp từ Kho bạc Nhà nước, tính đến 29/5, các địa phương đã thực hiện rút tiền để hỗ trợ 8,98 triệu người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng số chi 9.418 tỷ đồng. Trong đó, phê duyệt danh sách đối tượng và kinh phí với tổng số tiền khoảng 12,1 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh, 5 tháng đầu năm, NSTW đã trích dự phòng để bổ sung 2,8 nghìn tỷ đồng cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 169,6 tỷ đồng tạm cấp cho 07 địa phương để triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và 339 tỷ đồng cho một số địa phương thực hiện chính sách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.
Cùng với đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 12.760 tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Giải ngân 712 triệu USD vốn vay nước ngoài, cấp phát hơn 77%
Trong 5 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã ký kết 5 hiệp định vay vốn nước ngoài với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Hàn Quốc trị giá khoảng 523 triệu USD.
Riêng trong tháng 5, Việt Nam đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 177 triệu USD (cao hơn tốc độ rút vốn bình quân 4 tháng đầu năm khoảng 130 triệu USD/tháng). Trong đó cấp phát khoảng 153 triệu USD, cho vay lại khoảng 25 triệu USD.
Lũy kế 5 tháng, giải ngân nguồn vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài khoảng 712 triệu USD, tương đương khoảng 16.520 tỷ đồng. Trong đó cấp phát khoảng 549 triệu USD (77,1%), vốn vay về cho vay lại khoảng 164 triệu USD.


TUẤN VIỆT